Y.V. Andropov và dấu ấn trong hành trình đưa KGB lên đỉnh cao
Thành tích đưa KGB lên đỉnh cao
Theo tạp chí Globalsecurity và Military của Nga, KGB (Committee for State Security hay Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti) Ủy ban An ninh Quốc gia, cơ quan mật vụ trong và ngoài nước của Liên Xô, tiền thân là Cheka sau là NKVD, rồi đổi thành MGB.
Nhiệm vụ của KGB là tình báo hải ngoại, phản gián, các hoạt động điều tra, kiểm soát biên giới Liên Xô, bảo vệ các lãnh tụ của Đảng Cộng sản (CS) và chính phủ Liên Xô, bảo đảm truyền thông của chính phủ cũng như chống phá chủ nghĩa dân tộc, những bất đồng ý kiến và các hoạt động chống Xô Viết.
Trong hơn 7 thập kỷ tồn tại dưới các thể chế, KGB có tất cả 17 chủ tịch, trong đó Yuri Andropov được xem là người có công đưa KGB lên đỉnh cao trước khi ông trở thành Tổng Bí thư Đảng CS Liên Xô.
Yuri Andropov cùng gia đình. |
Ngay sau khi trở thành Chủ tịch KGB ngày 18-5-1967, Andropov đã phải giải quyết hàng loạt các vấn đề bức xúc liên quan đến tổ chức và hoạt động của KGB, di sản từ những người tiền nhiệm vốn là những người tình cờ lên nắm quyền nhờ mối quan hệ với Khrushchev.
Do sự yếu kém lãnh đạo mà nhiều cán bộ yêu nước, giàu kinh nghiệm, tận tụy lại bị sa thải hoặc đẩy vào vòng lao lý, khiến tội phạm và nạn tham nhũng hoành hành như một thứ dịch bệnh.
Việc đầu tiên của Andropov là cải cách, quan tâm đến con người, sử dụng những người vừa có tài lại có đức đồng thời chú trọng đến kỷ cương, phép nước, quy tắc của những người cộng sản.
Khởi đầu, ông đã cho thành lập Tổng cục 5, tái lập và xây dựng bộ máy tổ chức mới của đơn vị đặc nhiệm được thành lập từ những năm 40 của thế kỷ trước trước khi được chuyển thành đặc nhiệm Vympel.
Chính Andropov đã lập ra đơn vị chống khủng bố Alfa, nâng cấp trường đào tạo cao cấp KGB nay là Học viện FSB trên đại lộ Mitchurin và trụ sở cơ quan tình báo đối ngoại (nay là SVR) ở khu Yasenevo. Về lề lối làm việc, Andropov không bao giờ nhận thừa trách nhiệm hay có biểu hiện lạm quyền, hách dịch.
Trong công tác và sinh hoạt, ông luôn mẫu mực cho mọi cán bộ dưới quyền, không uống rượu, không hút thuốc, không quát tháo, và là người rất yêu âm nhạc và ca hát. Mọi thứ đều được ông xử lý chân tình, hóa nhã và giản dị.
Nhờ có đường lối đúng đắn, KGB đã phát triển một mạng lưới điệp viên đông đảo, giỏi nghiệp vụ “phủ sóng” toàn thế giới. Tình báo Xô Viết cắm rễ được ở mọi khu vực, như một máy chủ khổng lồ “gom” thông tin trên toàn thế giới.
KGB đã giúp lãnh đạo đất nước chỉ đạo xử lý thành công, hiệu quả một loạt vấn đề tối quan trọng như chiến tranh và hoà bình, giải trừ quân bị, xây dựng, phát triển tiềm lực khoa học, tiềm lực quốc phòng của Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh, góp phần đắc lực vào sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình, giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Cũng chính Andropov, với tư cách người đứng đầu KGB đã đề xuất ý kiến kiềm chế tối đa trong quan hệ với Trung Quốc, thu hẹp các cuộc xung đột với người láng giềng khổng lồ này.
Trước khi trở thành Chủ tịch KGB, năm 1954 khi còn là Đại sứ Liên Xô tại Hungary, Andropov đã từng chứng kiến và xử lý thành công sự kiện "rắc rối Hungary", khiến nhiều những sĩ quan an ninh Hungary bị treo cổ lên cột đèn.
Và sau này là những sự kiện khác tương tự diễn ra tại Praha năm 1968, tại Kabul năm 1979, tại Warsaw năm 1981..., KGB đã tham gia để bảo đảm sự bình yên cho xã hội.
Dưới thời kỳ Leonid Brezhnev nắm quyền từ năm 1964 đến 1982, Andropov là một trong các nhân vật trọng yếu của chế độ, ông xử lý nhiều vấn đề “cộm cán”, như các khủng hoảng quốc tế ở Trung Đông, Afghanistan và Tiệp Khắc, các xung đột vùng miền bên trong Liên Xô, và việc trấn áp các hoạt động chống đối chế độ.
“Andropov không ngại đấu tranh chống các phần tử bất đồng chính kiến. Ông không nhân nhượng quan điểm chống đối Đảng Cộng sản. Ông coi KGB là cần thiết, là tổ chức cần thiết đối với Liên Xô”, nhà văn kiêm lịch sử gia Roy Medvedev nhận xét.
Một trong những thành tích đáng lưu ý của KGB dưới thời Andropov là xử lý sự kiện Mùa xuân Praha tại Tiệp Khắc. Ông đã đưa ra những biện pháp tích cực trong khuôn khổ chiến dịch PROGRESS để chống lại âm mưu thôn tính Tiệp Khắc của CIA và phương Tây.
Andropov là chủ tịch lâu nhất của KGB cho mãi tới tháng 5 -1982, khi ông một lần nữa trở thành thư ký kế vị Mikhail Suslov chịu trách nhiệm về các vấn đề ý thức hệ.
Hai ngày sau khi Brezhnev qua đời, ngày 12-11-1982, Andropov được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, và là cựu lãnh đạo đầu tiên của KGB trở thành Tổng Bí thư. Việc ông lên nắm quyền khiến phương Tây lo ngại, bởi vai trò của ông trong KGB và những gì ông đã chỉ đạo.
Ở cương vị mới, Andropov đã khởi xướng cuộc cải cách sâu rộng, toàn diện xã hội Liên Xô theo hướng đưa dần các yếu tố dân chủ đích thực vào hệ thống chính trị, áp dụng cơ chế thị trường trong kinh tế, nhưng với lộ trình phù hợp và chắc chắn.
Bí quyết đưa KGB lên đỉnh cao của Andropov
Đánh giá khả năng xuất chúng này của Andropov, tờ “Nước Nga sau những sự kiện lớn” (RTBH) số trung tuần tháng 6-2019 cho biết, trong đội ngũ những nhà lãnh đạo Xô Viết xuất sắc, Andropov là người đã lập nên được một kỳ tích có một không hai, là Tổng Bí thư duy nhất và Chủ tịch duy nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đoàn Chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô đi lên từ KGB.
Thành công của Andropov có được là do ông là một đảng viên cộng sản chân chính, yêu nước, biết cách dùng người, và có lối sống chân thành, giản dị...
Về chuyên môn, ông là người có tính cách bí mật cao, luôn giữ bí mật về cuộc đời mình, kể cả nguồn gốc gia đình. Có lời đồn, rằng ông xuất thân từ gia đình người Do Thái nhưng Andropov đã một mực phủ nhận điều này.
Andropov tên đầy đủ là Yuri Vladimirovich Andropov (1914-1984). Ông từng theo học tại Trường Kỹ thuật Giao thông Thuỷ Rybinsk trước khi gia nhập đoàn TNCS Komsomol năm 1930. Andropov gia nhập Đảng CS năm 1939, từng là thư ký thứ nhất Uỷ ban T.Ư Komsomol tại CHXV Karelo-Phần Lan từ năm 1940 đến năm 1944. Năm 1947 ông được bầu làm thư ký thứ hai của UBTW Đảng CS (Bolshevik) CHXV Karelo-Phần Lan. Năm 1954, ông trở thành đại sứ Liên Xô tại Hungary. |
Ông cũng không bao giờ nói về gia đình riêng. Ông kết hôn trong 5 năm và có một con trai nhưng gần như ông không liên lạc với người con đó cũng như vợ cũ của mình sau khi hai người ly dị.
“Người ta hiếm khi thấy ông nối mình là người đứng đầu KGB”, Roy Medvedev viết trong ấn phẩm về Andropov. Ông chỉ xuất hiện nhiều trước công chúng khi tiếp nhận quyền lực từ lãnh tụ Leonid Brezhnev vào năm 1982.
Hai, ông là nhà ngoại giao thận trọng, kiên định với con đường cách mạng. Giai đoạn 1957-1967, Andropov lãnh đạo ban quan hệ với các chính đảng XHCN thuộc BCH T.Ư Đảng Cộng sản Liên Xô và các cố vấn của ông (gồm các trí thức trẻ tuổi) khi đó thường thấy ở ông một nhà lãnh đạo “tự do”.
Một số sử gia cho rằng Andropov là kiến trúc sư trong chính sách của Tổng Bí thư Liên Xô Brezhnev đối với phương Tây, bằng thế hòa hoãn hồi thập niên 70, khi quan hệ giữa Liên Xô và phương Tây đã được cải thiện chút ít.
Ba, điều hành KGB với bàn tay sắt. Trong thời kỳ Leonid Brezhnev quyền bình từ năm 1964 đến 1982, Andropov là một trong những yếu nhân của chế độ, thông qua vai trò đứng đầu KGB.
“Andropov không ngại ngần đấu tranh chống các phần tử bất đồng chính kiến, chống lại Đảng và coi KGB là cần thiết đối với chế độ”, Roy Medvedev viết.
Bốn là, tuyên chiến không khoan nhượng với tham nhũng, đây là một trong các lý do nhà lãnh đạo Brezhnev đã chọn Andropov làm người kế vị và đưa ông vào chức vụ quan trọng thứ 2 tại Liên Xô năm 1982.
Tổng Bí thư Liên Xô Brezhnev qua đời vào cuối năm đó, khi ấy Andropov đã bước sang tuổi 68. Trong thời gian 15 tháng trên cương vị Tổng Bí thư, Andropov đã cách chức 18 Bộ trưởng, 37 Bí thư Tỉnh ủy.
Đây là lần đầu những vấn đề về trì trệ kinh tế hoặc những trở ngại tiến bộ khoa học được phổ biến và bị chỉ trích bởi nhà nước. Andropov bắt đầu triển khai chiến dịch chống tham nhũng và “nền kinh tế ngầm” vốn bắt đầu phát triển mạnh vào cuối thời Brezhnev.
Kim Hùng (Theo GSC/EHC/MWO- 11/2019)
Ý kiến bạn đọc (0)