Yếu tố giúp dự đoán sớm người mắc Covid-19 dễ tử vong
Kể từ khi Covid-19 khởi phát vào năm 2019, các chuyên gia y tế nỗ lực xác định nhóm người dễ tử vong sau khi nhiễm bệnh. Các nghiên cứu ban đầu tiết lộ một số yếu tố ảnh hưởng như độ tuổi hoặc tình trạng bệnh nền. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải.
Bác sĩ thăm khám một bệnh nhân Covid-19 điều trị tại bệnh viện ở Volgograd, Nga, ngày 14/11. |
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh viện Đại học Montreal (CRCHUM) mới đây đã phát hiện mô hình sinh học chỉ điểm bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao sau mắc Covid-19. Nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Science Advances hồi cuối tháng 11, có thể giúp chuyên gia y tế điều trị nhanh chóng, chính xác hơn cho từng đối tượng cụ thể.
Giáo sư Daniel Kaufmann, Đại học Montréal và các đồng nghiệp đã thu thập các mẫu máu từ 279 bệnh nhân nhập viện vì Covid-19 với triệu chứng khác nhau. Một số không cần hỗ trợ oxy, số các cần thở máy. Tiếp theo, họ lấy mẫu máu của mỗi người vào ngày thứ 11-14 tính từ thời điểm bắt đầu xuất hiện triệu chứng.
Nhóm chuyên gia theo dõi tình nguyện viên trong vòng 60 ngày. Trong 279 bệnh nhân, họ ghi nhận 13 người tử vong. Gần một nửa qua đời trong khoảng từ 30 đến 60 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Hầu hết thuộc nhóm bệnh nhân "nguy kịch".
Các nhà khoa học phát hiện ba dấu ấn sinh học chính trong máu của những người tham gia: protein gây viêm, lượng vật chất di truyền của nCoV (RNA virus) trong máu và mức độ kháng thể.
Nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ số RNA (vRNA), hay lượng vật chất di truyền của virus trong máu người bệnh, tỷ lệ thuận với nguy cơ chuyển nặng và tử vong, tức là vRNA càng cao, tỷ lệ tử vong càng lớn. Quan trọng hơn, hai dấu ấn sinh học còn lại không giúp dự đoán tỷ lệ tử vong.
Để kiểm tra lý thuyết đó, giáo sư Kaufmann và các đồng nghiệp đã thử nghiệm thêm hai nhóm bệnh nhân khác. Một nhóm từ Bệnh viện Đa khoa Do Thái của Montreal, một nhóm từ CRCHUM. Họ tiếp tục nhận định mô hình dự đoán của mình chính xác.
Thực tế, nghiên cứu trước đó đã cho thấy mối liên hệ của máu người và Covid-19. Sau khi phát hiện căn bệnh gây ra chứng đông máu, các bác sĩ đã sử dụng thuốc chống đông để bảo vệ người bệnh khỏi các biến chứng.
Theo ông Kaufmann, mục tiêu của nghiên cứu mới là tìm ra dấu hiệu đơn giản, đáng tin cậy để xác định bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao.
"Biểu hiện mắc Covid-19 ở các bệnh nhân rất khác nhau. Từ quan điểm lâm sàng, quan trọng nhất là nhanh chóng xác định người có nguy cơ cao tiến triển nặng và tử vong. Đã có rất nhiều công thức tính toán khác nhau, nhưng làm việc với quá nhiều thông số là phương pháp phi thực tế", ông giải thích.
Tiến sĩ Kaufmann lưu ý phép đo thông số miễn dịch và virus học sử dụng trong nghiên cứu không phải xét nghiệm lâm sàng tiêu chuẩn. Song vRNA là chỉ số quen thuộc với một số bệnh truyền nhiễm khác, chẳng hạn HIV. Do đó, nếu có thêm dữ liệu và các nghiên cứu bổ trợ, bác sĩ có thể nhanh chóng triển khai loại xét nghiệm này.
Fady Youssef, bác sĩ nội khoa, chuyên gia hồi sức tích cực tại Trung tâm y tế Memorial Care Long Beach, chia sẻ có trường hợp hai bệnh nhân cùng độ tuổi, chung sắc tộc, triệu chứng giống nhau cùng nhập viện. Một người nhanh chóng hồi phục và về nhà, người còn lại chuyển nặng, vào ICU và đôi khi qua đời.
"Chúng tôi không biết cách phát hiện bệnh nhân nào sẽ chuyển nặng và người nào cải thiện. Việc có thêm công cụ để xác định điều đó giúp chúng tôi điều trị có mục tiêu hơn, đặc biệt khi đang thiếu một số liệu pháp", ông Youssef nói.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)