Yên Dũng hiện thực hóa ước mong của Người
Chuyển hóa thành việc làm thiết thực
Lịch sử truyền thống của Yên Dũng ghi lại sự kiện đầy tự hào: Ngày 6/4/1961, Bác Hồ về thăm xã Tân An. Khi đó, Tân An là điểm sáng trong xây dựng Hợp tác xã nâng cao của tỉnh nói riêng và của miền Bắc nói chung. Bác chọn thôn Long Trì là điểm đến đầu tiên, bởi Long Trì là làng kháng chiến vang danh cả nước.
Bác ân cần thăm hỏi, động viên người dân trong thôn và căn dặn xã viên phải đoàn kết, coi nhau như anh em trong nhà. Đối với cán bộ hợp tác xã phải công bằng, minh bạch, chí công, vô tư, luôn quan tâm và chăm sóc đời sống của xã viên. Trên suốt chặng đường sau đó, lời căn dặn của Bác như vẫn còn vang vọng đối với mỗi người dân nơi đây.
Điểm di tích Bác Hồ về thăm Tân An nằm trong khuôn viên Trường THPT Yên Dũng số 2. Ảnh: Công Doanh. |
Di tích “Địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm Tân An” nay nằm trong khuôn viên Trường THPT Yên Dũng số 2. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Tiến Quang cho biết: “Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, việc bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị di tích là trách nhiệm, nghĩa vụ, là niềm tự hào của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xác định đây là cơ hội để tuổi trẻ thể hiện lòng biết ơn và trách nhiệm của mình đối với Bác Hồ kính yêu, Đoàn thanh niên đảm nhận duy trì vệ sinh sạch sẽ khuôn viên 2 lần/ngày vào đầu giờ sáng và cuối buổi chiều. Trồng và chăm sóc cây xanh, tạo nên cảnh quan tươi xanh và đẹp mắt. Vào thứ Bảy và Chủ nhật, các chi đoàn đăng ký chăm sóc di tích; tổ chức Ngày Hội sách (đặc biệt là giới thiệu sách viết về cuộc đời, sự nghiệp của Bác); tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tại đây. Nhờ các hoạt động phong phú đó, rất nhiều học sinh, thầy cô nhà trường yêu thích việc ngồi đọc sách và làm việc tại di tích, tạo nên một nét đẹp riêng của trường”.
Không chỉ ở Tân An, tình cảm với Bác Hồ được người dân trong huyện chuyển hóa thành những việc làm cụ thể, thiết thực. Đồng chí Dương Văn Đức, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy cho biết: “Kết hợp giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, 100% cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội hiện thực hóa bằng những chương trình hành động, gắn với đề cao chức trách, đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được triển khai”. Hội Phụ nữ có mô hình “5 không, 3 sạch”, “con đường sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn”, “hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp”. Ủy ban MTTQ vận động hội viên hỗ trợ xây dựng, sửa chữa gần 1.000 nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương. Hội Nông dân với phong trào “Sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Hội Cựu chiến binh tham gia các tổ "an ninh tự quản”... Đáng chú ý là phong trào tiết kiệm giúp hộ nghèo, người nghèo, hội viên nghèo được thực hiện rộng khắp.
Ông Nguyễn Văn Quýnh, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Trí Yên bày tỏ: “Hội hiện có 434 hội viên. Chúng tôi đều là những người lính Cụ Hồ, có may mắn được trở về sau chiến tranh. Mặc dù đời sống nhiều hội viên vẫn còn khó khăn nhưng đều đoàn kết thương yêu, san sẻ cùng nhau. Bên cạnh tiết kiệm để giúp đỡ anh em vốn phát triển sản xuất, Hội còn thành lập Quỹ đồng đội. Mỗi khi có hội viên qua đời, ngoài túc trực, tổ chức tang gia theo đúng quy định, phủ quân kỳ, mỗi người còn góp 5.000 đồng gọi là thắp nén nhang chia tay đồng đội. Ở mỗi chi hội, mỗi hội viên cũng tự nguyện đóng góp 10.000 đồng cho nghĩa cử này”.
Quyết tâm xây dựng nông thôn mới
Dưa chuột baby trồng trong nhà màng được HTX Rau sạch Yên Dũng triển khai tại xã Tiến Dũng. |
Vốn là huyện thuần nông, địa hình thấp trũng, thường xuyên phải gánh chịu sự khắc nghiệt của thiên tai, bão lũ, song chính điều này đã hun đúc nên ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chịu thương chịu khó để biến vùng đất nghèo “chiêm trũng” trở thành miền quê đáng sống. Sau hơn 10 năm kiên trì triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), cuối năm 2021, Yên Dũng là địa phương thứ tư của tỉnh đạt chuẩn huyện NTM.
Từ đó đến nay huyện có những bước tiến mới trong xây dựng xã nâng cao, thôn kiểu mẫu. Rõ nét nhất là cơ sở hạ tầng giao thông được mở mới, nâng cấp. Quốc lộ 17 mở rộng làn đường; đường nối với đường tỉnh 299, 293, quốc lộ17, đường ĐH5B… được triển khai. Cầu Đồng Việt - cây cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất tỉnh dự kiến hoàn thành năm 2024 sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch, thu hút đầu tư. Khu công nghiệp Yên Lư đã thu hút một số nhà đầu tư.
Hơn 20 dự án khu đô thị mới đã và đang được hình thành. Yên Dũng còn được biết là vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhiều nhất tỉnh với 160 ha. Cùng với đó là các giá trị truyền thống đặc sắc, văn hoá tâm linh tín ngưỡng của chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng… thu hút lượng khách du lịch đến địa bàn ngày càng đông. Cảnh quan môi trường nông thôn “sáng - xanh - sạch - đẹp”, yên bình, mang đậm bản sắc văn hóa hiện diện ở hầu hết các làng quê.
62 năm trôi qua kể từ ngày Bác Hồ về thăm, dù trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Dũng luôn coi đó là động lực, niềm tự hào để tiếp tục phát triển, chung sức xây dựng Yên Dũng đi lên.
Bài, ảnh: Thu Phong
Ý kiến bạn đọc (0)