Xung phong thời chiến, cống hiến thời bình
BẮC GIANG - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, lực lượng thanh niên xung phong đã có những đóng góp to lớn. Họ sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ ở hầu hết những địa bàn nóng bỏng, lửa đạn, phục vụ quên mình vì những chuyến hàng an toàn, những tuyến đường ra trận thông suốt.
Rực cháy một thời hoa lửa
50 năm đã qua kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng những ký ức của một thời thanh niên xung phong vẫn luôn rạo rực trong ông Phùng Nhật Báo (sinh năm 1951). Tháng 5/1972, từ miền quê Bắc Lý (Hiệp Hòa), ông tham gia Đội thanh niên xung phong mang tên Nguyễn Văn Cừ (N254). Đội có nhiệm vụ bảo đảm 6 tuyến đường sắt từ Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Đồng Giao (Ninh Bình). Thời đó, tất cả hàng viện trợ cho Việt Nam của các nước xã hội chủ nghĩa đều được tập kết ở ga Yên Viên. Ông và các đội viên đã vận chuyển xe tay, dùng xe cải tiến chở vũ khí, đạn dược, thuốc men.
![]() |
Ông Phùng Nhật Báo. |
Đặc biệt những ngày đỏ lửa trong sự kiện 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay B52 rải thảm Thủ đô Hà Nội. Khi ấy, ga Yên Viên bị đánh phá, cày xới dữ dội, bom thả đánh đứt mấy nhịp cầu Đuống. Bất chấp nguy hiểm, mỗi khi dứt loạt bom, thanh niên xung phong lại nhanh chóng san đường, kéo ray, sữa chữa tuyến đường sắt. Những chiếc xe cải tiến cứ lầm lũi chở hàng, lăn bánh qua cầu phao được lắp tạm bợ bởi những thùng phuy bắc qua sông. Mặc dù công việc vất vả, máy bay địch rình rập trên đầu nhưng bằng tinh thần xung phong ai nấy đều quyết tâm bảo đảm vận chuyển hàng hóa, vũ khí tới các mặt trận.
Năm 1973, ông Báo vào khu vực Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình tiếp tục tham gia làm tuyến đường bộ. Mặc cho nắng lửa miền Trung bỏng rát, mặc cho pháo kích của giặc dồn dập không làm lung lay ý chí. Chỉ bằng đôi vai và hai bàn tay lao động, những thanh niên xung phong đơn vị 3431 do ông làm đại đội phó đã không quản gian khổ, hy sinh, bất chấp nguy hiểm căng sức trẻ san lấp hố bom, dẫn lái xe qua những đoạn đường bị bom đạn cày xới. Vừa kể đến đây, ông chợt nhớ ra và lấy cho tôi xem một tập huy chương, kỷ niệm chương ghi dấu những thành tích của một thời tuổi trẻ.
Chưa kịp trải qua huấn luyện, ông Lê Quang Minh (sinh năm 1952) ở xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (nay là thành phố Bắc Giang) đã nhanh chóng hành quân ra chiến trường, đến khu vực trọng điểm Khe Sanh làm nhiệm vụ mở đường 14. Chia tay người vợ trẻ vừa mới cưới được ít ngày, hành trang mang theo của ông là tinh thần xung phong.
![]() |
Ông Lê Quang Minh. |
Đợt ấy cả huyện Yên Dũng có hơn 30 người. “Chúng tôi chả nghĩ gì đến gian khổ, hy sinh. Ngày nghỉ đêm đi, đi bằng đèn gầm để tránh sự phát hiện của địch. Đến nơi, chúng tôi bắt tay vào mở đường, san lấp hố bom. Sau mỗi trận mưa, đường sạt lở, sụt lún, anh em phải làm ngay. Chúng tôi còn lấy cơ thể mình ra xếp thành hàng làm cọc tiêu để cho xe di chuyển được nhanh chóng, an toàn”, ông Minh hào hứng kể.
Ông Minh còn kể lại vụ sập taluy. Hôm đó sau khi đánh mìn mở đường, một quả nổ chậm nên đá sập vào trúng anh em, ông đã nhanh chóng cứu được một người, bản thân ông bị gãy xương vai, được Nhà nước công nhận thương binh. Sau trận này, ông được kết nạp Đảng ngay tại mặt trận (tháng 1/1973). Cuộc sống sinh hoạt của bộ đội nói chung và thanh niên xung phong nói riêng khó khăn, vô cùng kham khổ. Anh em thường xuyên phải chặt cây chuối rừng, hái rau dại làm thức ăn. Năm 1973, do sức khỏe không bảo đảm, ông ra Bắc an dưỡng rồi lại vào chiến trường cho đến hết thời gian thử thách của đảng viên dự bị.
Giữ vững tinh thần xung phong thời chiến
Trong chiến tranh, các thanh niên xung phong được ví như những "bông hoa lửa" rực cháy đã lăn mình giữa mưa bom bão đạn, mở đường, tải đạn, cứu thương, cùng cả dân tộc dựng nên những kỳ tích bất tử. Trong hòa bình, trở về đời thường, họ vẫn giữ trong mình tinh thần xung phong thời chiến, vẫn lạc quan, yêu đời, giữ vững niềm tin theo Đảng, nêu gương và cùng với con cháu tham gia xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
![]() |
Lực lượng thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn. Ảnh tư liệu. |
Ông Báo làm Bí thư Đoàn xã Bắc Lý, rồi Phó Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã 3 khóa. Năm 2010, ông tiếp tục làm ở Hội cựu thanh niên xung phong huyện Hiệp Hòa, Chủ tịch Hội từ năm 2012 đến nay. Ông Minh sau nhiều năm làm ở Xí nghiệp Dược Hà Bắc, đến năm 1990 nghỉ mất sức tại quê nhà xã Tiến Dũng. Về quê hương, ông tham gia làm bí thư chi bộ, trưởng thôn Thuận Lý rồi Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong xã. Hiện ông là Phó Chủ tịch Hội cựu thanh niên xung phong thành phố Bắc Giang.
Ông Báo, ông Minh là hai đại biểu đại diện cho hàng nghìn hội viên thanh niên xung phong tỉnh Bắc Giang vừa tham dự buổi gặp mặt các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hà Nội nhân dịp 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hai ông chia sẻ: “Chúng tôi tự hào đã có những năm tháng tiếp bước truyền thống yêu nước của cha ông, được đóng góp sức trẻ của mình cùng với quân và dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thời thanh niên không tiếc máu xương mình cho Tổ quốc thì ngại gì chút gian khó đời thường hôm nay. Mặc dù tuổi đã cao, lại mang vết thương chiến tranh trên thân thể nhưng chúng tôi vẫn được trở về, đó là điều vô cùng may mắn. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước, cho các phong trào của địa phương, của Hội cựu thanh niên xung phong; giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ, tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới…”.
Ý kiến bạn đọc (0)