Phục dựng di ảnh liệt sĩ: Thiết thực tri ân người có công
BẮC GIANG - Từ những bức ảnh đen trắng đã nhuốm màu thời gian, thậm chí không còn nguyên vẹn của liệt sĩ, một nhóm bạn trẻ đã phục dựng lại sống động. Đây là việc làm ý nghĩa thể hiện sự trân trọng, biết ơn và tri ân những người đã hy sinh vì hòa bình của đất nước.
Trong ký ức của người thân, hình ảnh các liệt sĩ là dấu ấn không thể phai mờ. Nhưng theo thời gian, nhiều bức đã nhòe đi, thậm chí không còn nhìn rõ khuôn mặt liệt sĩ. Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12 (1944-2024), Huyện đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Tân Yên phối hợp với nhóm Team Lee tổ chức phục dựng miễn phí 106 bức ảnh chân dung các liệt sĩ.
![]() |
Bà Trương Thị Độ ở xã Cao Xá (Tân Yên) đón nhận tấm ảnh phục chế chân dung liệt sĩ Đỗ Viết Tú. |
Nhận bức ảnh phục chế, được nhìn thấy người em chồng - liệt sĩ Đỗ Viết Tú, bà Trương Thị Độ (sinh năm 1949) ở thôn Tân Xuân 2, xã Cao Xá, huyện Tân Yên không cầm được nước mắt. Bà thốt lên sững sờ: “Giống chú ấy quá”. Và rồi những ký ức về người em tuổi mười tám lên đường ra chiến trận bỗng ùa về.
“Tôi về làm dâu bà Đoàn Thị Tép (mẹ của liệt sĩ Đỗ Viết Tú, bà Tép sau này được tôn vinh Mẹ Việt Nam Anh hùng - PV) từ ngày chú ấy còn chưa đi bộ đội. Tôi còn nhớ hôm chia tay để vào chiến trường (năm 1970), thấy mọi người bịn rịn, chú ấy đến nắm tay từng người động viên. Với tôi, chú bảo: Chị ơi, chị ở nhà giữ gìn sức khỏe, cố gắng trông nom, chăm sóc bố mẹ. Em đi hoàn thành nghĩa vụ rồi em sẽ về. Vậy mà chú ấy đi luôn một lèo, không một lần về phép. Gia đình nhận được tin chú hy sinh ngày 14/8/1972 tại mặt trận phía Nam khi mới 20 tuổi, chưa vợ con gì cả”.
Bức ảnh thờ liệt sĩ Đỗ Viết Tú được trích ra từ tấm ảnh hai anh em ruột (chụp chung cùng ông Đỗ Xuân Cử). Sau này ông Cử cũng hy sinh khi tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979. Hiện trên ban thờ ngoài tấm ảnh phục chế vẫn còn tấm ảnh đen trắng chụp chung hai anh em. Anh Đỗ Vũ Tuyến, cháu ruột liệt sĩ Tú kể rằng ông Tú chỉ có một tấm chụp chung như vậy, gia đình tách ra làm tấm ảnh thờ. Do ảnh gốc không được to, rõ nét nên anh đã từng mang đi phục chế nhưng không được sống động, chân thực như bức ảnh Huyện đoàn và nhóm Team Lee trao tặng. Bức di ảnh sau khi được phục dựng được đặt trang trọng trên ban thờ, thay thế cho bức di ảnh cũ đã phai màu.
![]() |
Huyện đoàn Lạng Giang, xã Tân Thanh và Công ty TNHH Hoài Thanh Media trao tặng ảnh phục dựng chân dung liệt sĩ Đặng Đình Chung (hy sinh năm 1967) cho thân nhân. Ảnh: Quốc Phương. |
Team Lee là một nhóm gồm hơn chục bạn trẻ sinh sống và làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố nhưng đều có chung ý tưởng phục dựng ảnh nhằm tưởng nhớ, tri ân các liệt sĩ, xoa dịu nỗi đau chiến tranh.
Anh Lê Quyết Thắng, Trưởng nhóm Team Lee cho biết: “Quá trình phục chế những tấm hình đã mất đường nét, đôi khi ảnh gốc chỉ là một tấm thẻ kích thước nhỏ, bị hư hỏng, mất đi chi tiết quan trọng, các thành viên phải gọi điện thoại, trao đổi để gia đình liệt sĩ miêu tả, gửi ảnh thân nhân liệt sĩ để đối chiếu; sưu tầm một số hiện vật như mũ cối, quân phục và chụp lại để ghép vào ảnh phục chế. Khi chúng tôi phục dựng và trao lại ảnh cho gia đình, họ rất xúc động bởi từ một bức ảnh rất mờ, thiếu nét, nay lại ra được bức ảnh sắc nét như chụp trực tiếp. Đây là động lực khiến chúng tôi thấy cần thúc đẩy công việc này nhiều hơn nữa”.
Để đất nước có được cuộc sống hòa bình hôm nay, hơn 1 triệu người con đất Việt đã anh dũng hy sinh. Trong số đó có những liệt sĩ không có nổi một bức ảnh chân dung vẹn nguyên để gia đình hương khói, thờ cúng. Thông qua dự án phục chế ảnh lan tỏa yêu thương, anh Phùng Quang Trung ở thành phố Hải Dương (tỉnh Hải Dương), Trưởng nhóm Skyline đã được tôn vinh là "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" năm 2024. Liên hệ làm việc, anh kể rằng trong số hơn 6.000 bức ảnh mà nhóm đã thực hiện phục chế trên toàn quốc, có một câu chuyện cảm động khi làm bức ảnh gửi tặng mẹ liệt sĩ Triệu Thị Sùng ở phường Song Khê (thành phố Bắc Giang).
Đó là vào tháng 10/2024, con cháu của mẹ liên hệ với nhóm khi mẹ Sùng đang bị bệnh rất nặng. Bà mong muốn trước khi nhắm mắt xuôi tay được nhìn lại khuôn mặt người con trai Giáp Văn Sinh (sinh năm 1955), đi bộ đội đã hy sinh năm 1973 mà không có bức ảnh nào. Ngay đêm đó, Trung và nhóm tập hợp những bức ảnh của người thân, nghe mô tả về người con trai hy sinh ấy, tất cả anh em trong nhóm đã tập trung phục dựng trong khả năng nhanh nhất có thể. Rời bàn phím, khi tấm ảnh xong xuôi, Trung đã bấm máy điện thoại gọi video call cho người thân của mẹ Sùng.
Trên màn hình, mẹ Sùng ngồi uống sữa, móm mém cười với con cháu và ngắm ảnh người con trai. “Chứng kiến giây phút xúc động này, em cười mà sống mũi cay xè, nước mắt cứ thế trào ra” - anh Trung kể. Hai ngày sau, anh Trung được mời đến nhà mẹ Sùng dự lễ thượng thọ 100 tuổi của mẹ. Hơn 5 tháng kể từ ngày nhận được bức ảnh phục chế do nhóm gửi tặng, mới đây vào ngày 10/3, mẹ Sùng từ giã cõi đời, thọ 101 tuổi.
Cũng nhằm tri ân những người có công, năm 2024, Huyện đoàn Lạng Giang phối hợp với Công ty TNHH Hoài Thanh Media (xã An Hà) tìm cách phục dựng, trao tặng 13 di ảnh liệt sĩ cho thân nhân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm di ảnh liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ được phục dựng lại chân thực. Những di ảnh này được trao tận tay các thân nhân, gia đình liệt sĩ thể hiện sự trân trọng và biết ơn thế hệ cha anh đi trước đã ngã xuống vì nền độc lập, hòa bình hôm nay.
Đồng chí Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho biết: Dịp kỷ niệm Ngày thương binh-liệt sĩ 27/7 sắp tới, Tỉnh đoàn sẽ khảo sát, phối hợp với các nhóm, hội và các gia đình trên địa bàn có nhu cầu tiếp tục thực hiện phục dựng di ảnh liệt sĩ miễn phí.
Ý kiến bạn đọc (0)