Lạng Giang: Lan tỏa điệu then
BẮC GIANG - Với mong muốn gìn giữ nghệ thuật hát then, đàn tính truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng, những năm gần đây, nhiều câu lạc bộ hát then, đàn tính trên địa bàn xã Hương Sơn (Lạng Giang) được thành lập, thu hút đông đảo người dân tham gia. Điệu then, tiếng đàn tính ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Từ lâu, điệu then được bà con dân tộc thiểu số ở huyện Lạng Giang coi là loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc, phản ánh những tâm tư, tình cảm của mọi người. Trong quan niệm của đồng bào, then có nghĩa là "Thiên" (Trời) và được coi là điệu hát của thần tiên truyền lại.
![]() |
Thành viên các câu lạc bộ hát then xã Hương Sơn biểu diễn tại lễ hội của địa phương. Ảnh: Quốc Phương. |
Nội dung những khúc hát then thường cầu mong cho vạn vật được bình an, con người khỏe mạnh, mùa màng tốt tươi, bội thu, luôn hướng mọi người làm điều thiện, tránh điều ác. Nhạc cụ chính được sử dụng trong hát then là cây đàn tính, loại đàn được làm từ quả bầu, có hai dây, cần đàn làm bằng gỗ. Với giá trị văn hóa đó, nhiều năm trở lại đây, việc bảo tồn giá trị di sản then luôn được huyện Lạng Giang, trong đó đặc biệt là xã Hương Sơn quan tâm, chú trọng.
Các câu lạc bộ đàn tính, hát then ra đời đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của bà con, định kỳ sinh hoạt đều đặn, giúp những làn điệu then vang xa, góp phần truyền dạy nghệ thuật dân gian cho thế hệ trẻ. Tìm hiểu tại Câu lạc bộ hát then thôn Đồng Thủy, xã Hương Sơn được biết, Câu lạc bộ thành lập từ năm 2020, ban đầu có 19 thành viên là những hạt nhân văn nghệ của thôn, có tâm huyết với phong trào, có thể biểu diễn một số làn điệu.
Anh Đàm Văn Thái, Chủ nhiệm Câu lạc bộ là người góp công lớn trong việc bảo tồn và truyền dạy đàn tính, hát then cho các thành viên và Nhân dân địa phương. Sinh ra và lớn lên tại thôn Đồng Thủy, nơi có đến 98% đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Tày, Nùng, từ nhỏ, anh Thái đã được nghe những điệu then, đàn tính mộc mạc, thân thiết. Ước mơ hát then, đánh đàn tính, tiếp nối các thế hệ cha ông, bảo tồn và lưu giữ những thanh âm đẹp đẽ của dân tộc đã nhen nhóm trong anh Thái từ những ngày thơ bé.
![]() |
Anh Đàm Văn Thái hướng dẫn các thành viên Câu lạc bộ luyện tập. Ảnh: Nguyễn Lượng. |
Mang theo mong ước đó, anh Thái rong ruổi nhiều nơi để tìm hiểu kết hợp với tự mày mò, học hỏi để sử dụng thông thạo cây đàn tính, thuộc lòng nhiều làn điệu. Khi thấy được nhu cầu của bà con, anh quy tụ những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và đề xuất với UBND xã xin phép thành lập câu lạc bộ. Thời gian đầu, anh và một số người nắm vững kỹ năng cơ bản, sưu tầm được các điệu then cổ để truyền dạy và phổ biến cho thành viên trong Câu lạc bộ.
Anh Đàm Văn Thái cho biết, đến nay, Câu lạc bộ hát then thôn Đồng Thủy phát triển lên gần 40 thành viên, trong đó khoảng 10 hội viên trong lứa tuổi học sinh. Từ những kinh nghiệm, kiến thức có được và ngọn lửa đam mê, anh cùng các thành viên cốt cán truyền dạy lại cho nhiều thành viên khác. Đối với “nghệ nhân làng”, hát then, đàn tính không chỉ là sở thích mà còn là cách lưu giữ, truyền tải những giá trị tinh thần của dân tộc cho thế hệ sau. Cũng vì đam mê, các thành viên tự tiết kiệm chi tiêu để đầu tư, mua sắm trang phục, các loại nhạc cụ phục vụ luyện tập, biểu diễn.
Hiện nay, xã Hương Sơn đã thành lập và duy trì 8 câu lạc bộ hát then ở các thôn, mỗi câu lạc bộ có từ 30 - 40 thành viên. Định kỳ vào ngày 16 âm lịch hằng tháng, các thành viên tập trung sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn. |
Sau thời gian tập luyện, hiện nay các thành viên trong Câu lạc bộ đã sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc, biết luyến láy, hát đúng nhịp của then cổ và then cải biên. Định kỳ vào ngày 16 âm lịch hằng tháng, các thành viên tập trung sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn. Ngoài ra, Câu lạc bộ còn thường xuyên tham gia các hội diễn, liên hoan văn hóa, văn nghệ, giao lưu với đồng bào dân tộc các huyện Sơn Động, Lục Ngạn và các tỉnh bạn như Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang… Năm 2023, Câu lạc bộ đại diện cho xã Hương Sơn tham gia Liên hoan hát then, đàn tính tỉnh Bắc Giang và đoạt giải A; năm 2024, tham gia Liên hoan dân ca, dân vũ các dân tộc của tỉnh, đoạt giải B…
Hiện nay, xã Hương Sơn đã thành lập và duy trì được 8 câu lạc bộ hát then ở các thôn, mỗi câu lạc bộ có từ 30 - 40 thành viên. Bà Lý Thị Mít, thôn Đồng Thủy chia sẻ: “Tham gia luyện tập, biểu diễn đàn tính, hát then, chúng tôi được gặp gỡ, giao lưu với các bạn ở nhiều nơi. Khi mang lời then, tiếng đàn tính của quê hương đi biểu diễn, chúng tôi cảm thấy thật tự hào bởi đây là vốn văn hóa quý được tổ tiên truyền lại”.
Trước tác động của lối sống hiện đại, bà Mít và nhiều thành viên khác mong muốn di sản đàn tính, hát then được thế hệ kế cận nối tiếp nên khuyến khích học sinh, thanh thiếu niên tham gia. Cái khó của hát then cổ là phải nắm được cái "hồn" của then, khi đã “ngấm” sẽ hòa quyện thành giá trị văn hóa truyền thống riêng, độc đáo. Số người biết, nắm rõ và biểu diễn được loại hình này còn ít, để lưu giữ các giá trị văn hóa của dân tộc, các câu lạc bộ trên địa bàn xã đang cố gắng sưu tầm và truyền dạy cho con cháu dù còn nhiều khó khăn.
Từ kết quả thu được trong thời gian qua, các câu lạc bộ sẽ tiếp tục duy trì luyện tập, kết hợp vốn hát then đàn tính truyền thống với đổi mới cách thức sinh hoạt nhằm thu hút đông đảo hơn nữa các thành viên mới, lớp trẻ tham gia.
Ông Triệu Văn An, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Sơn cho biết, gần đây một số cơ quan, tổ chức đến thăm và trao tặng cho các câu lạc bộ 18 cây đàn tính, 13 bộ sóc nhạc. Khi đi biểu diễn thì được các đoàn thể của huyện, xã hỗ trợ một phần kinh phí, kịp thời động viên các thành viên. Xã dự kiến mời các nghệ nhân từ các địa phương khác đến truyền dạy những làn điệu then cổ, gắn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống với khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái, cộng đồng, văn hóa của địa phương. Qua đó từng bước đưa hát then trở thành sản phẩm du lịch độc đáo của xã Hương Sơn, thu hút du khách, mang lại lợi ích kinh tế cho người dân.
Ý kiến bạn đọc (0)