Xuất bản sách lịch sử Đảng bộ địa phương: Kinh nghiệm ở Tân Yên
Cấp ủy sâu sát
Tân Yên là địa phương được đánh giá dẫn đầu về công tác biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng bộ. Theo đồng chí Trịnh Ngọc Minh, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, nhận thức rõ việc biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng bộ có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng, giáo dục truyền thống, nhiều năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên luôn quan tâm chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng tăng cường lãnh đạo công tác này. Theo đó, các xã, thị trấn đều xây dựng và ban hành nghị quyết chuyên đề về biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.
Cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy Tân Yên trao đổi nghiệp vụ biên tập, xuất bản sách lịch sử địa phương. |
Để cuốn sách khi xuất bản có chất lượng tốt nhất, tinh thần chỉ đạo chung là các đơn vị thực hiện chặt chẽ việc tổ chức lấy ý kiến đội ngũ cán bộ cơ sở qua các thời kỳ. Đảng viên sinh hoạt trong chi bộ thẩm định tư liệu để cuốn lịch sử đảng bộ trở thành sản phẩm trí tuệ của tập thể.
Tổ chức các hội thảo, tọa đàm để làm rõ thêm tính xác thực về một số nội dung như thời điểm, địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử; các trường hợp chia tách, hợp nhất tổ chức Đảng… Được biết, với mỗi ấn phẩm khi có kế hoạch biên tập, biên soạn, huyện đều dành một phần kinh phí thỏa đáng cho công tác biên tập, biên soạn, in ấn, phát hành.
Đồng chí Nguyễn Trường Sinh, Bí thư Đảng ủy xã Hợp Đức chia sẻ: “Khi biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ xã, đơn vị tuân thủ quy trình, từ thành lập Ban chỉ đạo, Ban biên soạn đến xây dựng bản thảo. Gỡ khó về kinh phí, xã vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ khi phát hành. Các đồng chí nguyên lãnh đạo xã, cán bộ hưu, nhân chứng lịch sử tự nguyện góp công cùng tham gia sưu tầm tư liệu, biên soạn".
Đến nay, toàn huyện có 22/22 xã, thị trấn thực hiện xong tái bản lịch sử đảng bộ. Các đơn vị biên soạn mới và bổ sung tái bản nội dung đến thời điểm năm 2015. Đối với cấp huyện đã xuất bản nhiều ấn phẩm có chất lượng như: Địa chí Tân Yên; Lịch sử Đảng bộ huyện Tân Yên (tái bản); Tài liệu giảng dạy “Khái quát lịch sử huyện Tân Yên”; Tân Yên - vùng đất, con người... Đầu năm nay, huyện ban hành kế hoạch biên soạn Tập san “Tân Yên 65 năm xây dựng và khát vọng phát triển” và tái bản, bổ sung cuốn “Trai Cầu Vồng Yên Thế”.
Quan tâm tuyên truyền, giáo dục
Để từng bước nâng cao nhận thức về truyền thống lịch sử trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, ngoài biên soạn, các cấp ủy, chính quyền huyện còn chú trọng tuyên truyền, giáo dục thông qua sách lịch sử địa phương, coi đây là một trong những biện pháp tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng trong toàn Đảng bộ. Hoạt động tuyên truyền được thực hiện linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả bằng nhiều hình thức.
Đơn cử như ngay từ năm học 2004- 2005, nội dung về lịch sử địa phương đã được huyện đưa vào chương trình giảng dạy của Trung tâm Chính trị, Trung tâm Giáo dục Thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp, các trường THPT, THCS trên địa bàn và duy trì thành nền nếp đến nay.
Toàn huyện Tân Yên có 22/22 xã, thị trấn đã thực hiện xong tái bản lịch sử đảng bộ. Các đơn vị biên soạn mới và bổ sung tái bản nội dung đến thời điểm năm 2015. |
Hằng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện kiểm tra công tác giảng dạy đối với nhiều đơn vị. Tại cơ sở, cuốn lịch sử đảng bộ xã, thị trấn được phổ biến tại kỳ sinh hoạt Đảng ở các chi bộ hoặc các buổi sinh hoạt của tổ chức đoàn thể ở địa phương.
Nhằm đa dạng hóa hình thức giáo dục truyền thống, huyện còn khuyến khích các tập thể tổ chức dã ngoại, về nguồn tìm hiểu lịch sử tại các điểm di tích. Ngoài ra, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức các cuộc thi tìm hiểu lịch sử nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, ngày thành lập huyện, thành lập đảng bộ cơ sở theo các chủ đề phù hợp. Gần đây, Đảng ủy thị trấn Nhã Nam tổ chức tổng kết và trao giải cuộc thi tìm hiểu với chủ đề “Nhã Nam - khát vọng vươn lên” sau một năm phát động.
Đồng chí Nguyễn Thị Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thị trấn đánh giá: “Cuộc thi là dịp để tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân hiểu rõ hơn về truyền thống, lịch sử, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống lịch sử và văn hóa. Đồng thời khơi dậy niềm tự hào, cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ hăng hái thi đua lao động, học tập, đóng góp sức mình vào sự phát triển chung của quê hương”.
Từ thực tế, kinh nghiệm ở huyện Tân Yên đó là các cấp ủy quan tâm chỉ đạo các địa phương đưa việc biên soạn, xuất bản sách lịch sử Đảng bộ và kế hoạch cụ thể; thực hiện nghiêm túc quy trình các bước bảo đảm thông tin toàn diện, chính xác; huy động tối đa đội ngũ cán bộ hưu trí, có năng lực, kinh nghiệm tham gia chuẩn bị bản thảo; kịp thời có biện pháp tuyên truyền, giáo dục để phát huy hiệu quả sách lịch sử.
Thời gian tới, huyện Tân Yên sẽ tiếp tục chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử trong nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với các nhà trường trong việc biên soạn tài liệu, đưa lịch sử đảng bộ địa phương vào giảng dạy cho học sinh bậc tiểu học với nội dung và hình thức phù hợp để giúp thế hệ trẻ nắm vững về lịch sử truyền thống địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)