Điều kiện để nghỉ việc hưởng lương hưu trong năm 2025
Năm 2025, điều kiện nghỉ việc hưởng lương hưu của người lao động có điều chỉnh lớn trong giai đoạn sau ngày 1/7.
Điều kiện nghỉ hưu trước ngày 1/7
Theo quy định pháp luật bảo hiểm xã hội (BHXH), người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng 2 điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng BHXH.
Ảnh minh họa. |
Trước ngày 1/7, điều kiện về tuổi nghỉ hưu được quy định tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm, tuổi nghỉ hưu lại tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam, cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ, cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Tính theo quy định trên, tuổi nghỉ hưu năm 2025 trong điều kiện lao động bình thường của lao động nam là 61 tuổi 3 tháng và lao động nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Thời điểm nghỉ hưu là kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Thời điểm người lao động bắt đầu hưởng lương hưu là ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
Căn cứ vào quy định trên, lộ trình tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường trong năm 2025 (gắn với tháng, năm sinh tương ứng của người lao động) được xác định như sau:
Về điều kiện thời gian đóng BHXH, người lao động khi nghỉ việc phải có thời gian tham gia BHXH tối thiểu là 20 năm mới đủ điều kiện để hưởng lương hưu.
Khi đó, lao động nam nghỉ hưu với 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng mức lương hưu bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, lao động nữ nghỉ hưu với 20 năm đóng BHXH sẽ được hưởng mức lương hưu bằng 55% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Điều kiện nghỉ hưu từ ngày 1/7 trở đi
Từ ngày 1/7, khi Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực thì điều kiện về tuổi nghỉ hưu vẫn không thay đổi, áp dụng theo hướng dẫn tại Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP, tức là tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của lao động nam là 61 tuổi 3 tháng và lao động nữ là 56 tuổi 8 tháng.
Tuy nhiên, về điều kiện thời gian đóng BHXH có sự thay đổi lớn. Cụ thể, người lao động khi nghỉ việc có thời gian tham gia BHXH tối thiểu là 10 năm đã đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Sự điều chỉnh này tạo cơ hội cho hàng trăm nghìn lao động được hưởng lương hưu hằng tháng.
Cụ thể, trước ngày 1/7, lao động đủ tuổi nghỉ hưu phải có thời gian đóng BHXH từ 20 năm trở lên mới được hưởng lương hưu. Nhưng từ ngày 1/7 trở đi, lao động đủ tuổi nghỉ hưu chỉ cần có thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên là được hưởng lương hưu.
Với sự thay đổi căn bản này, tỷ lệ hưởng lương hưu tối thiểu của người lao động cũng có sự thay đổi. Khi đó, lao động nam nghỉ hưu với 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng mức lương hưu bằng 40% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH, lao động nữ nghỉ hưu với 15 năm đóng BHXH sẽ được hưởng mức lương hưu bằng 45% bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH.
Ý kiến bạn đọc (0)