Nghị định 178: Chính sách ưu việt đối với cán bộ nghỉ hưu sớm do tinh gọn bộ máy
Trong bối cảnh cải cách hành chính và sắp xếp bộ máy Nhà nước, việc thực hiện các chính sách đối với người lao động, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức nghỉ hưu trước tuổi, trở thành một vấn đề hết sức quan trọng và được nhiều người quan tâm. Một trong những chính sách đáng chú ý, thể hiện rõ tính nhân văn và hợp lý của Đảng, Nhà nước ta là chính sách nghỉ hưu sớm được quy định tại Nghị định số 178/2024/NĐ-CP, vừa mới được ban hành vào ngày cuối cùng của năm 2024.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất làm nên tính ưu việt của chính sách này chính là tính nhân văn trong cách thức triển khai. Đảng và Nhà nước ta không chỉ coi việc cắt giảm biên chế như một mục tiêu, mà còn đặt ra những chính sách để bảo vệ quyền lợi của người lao động trong quá trình nghỉ hưu trước tuổi.
Quyền lợi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được quy định rõ trong Nghị định số 178. |
Trong Nghị định quy định rõ, chế độ nghỉ hưu trước tuổi đối với cán bộ, công chức còn đủ 10 năm công tác mà nghỉ hưu trước tuổi, sẽ được trợ cấp hưu trí 1 lần và các chế độ chính sách nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, nếu có tuổi đời còn dưới 5 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 1 tháng lương hiện hưởng nhân với số tháng nghỉ sớm; nếu có tuổi đời còn đủ 5-10 năm đến tuổi nghỉ hưu, được hưởng trợ cấp bằng 0,9 tháng tiền lương nhân với số tháng nghỉ sớm (được hưởng tối đa là 60 tháng).
Ngoài chính sách 1 lần kể trên, người nghỉ hưu trước tuổi còn được hưởng nguyên lương hưu và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi. Trong đó, cán bộ, công chức sẽ được hưởng trợ cấp nghỉ hưu trước tuổi bao gồm: Đối với người còn đủ 2-5 năm đến tuổi nghỉ hưu, được trợ cấp bằng 5 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ sớm; đối với người còn trên 5 năm đến 10 năm mới đến tuổi nghỉ hưu, được trợ cấp bằng 4 tháng tiền lương hiện hưởng cho mỗi năm nghỉ hưu sớm. Cùng với đó, đối tượng này còn được hưởng trợ cấp theo thời gian công tác có trên 20 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Như vậy, có thể thấy, đối với một cán bộ nghỉ hưu trước tuổi, vẫn sẽ được hưởng nguyên lương theo ngạch, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi và vẫn được hưởng các loại phụ cấp như: Chức vụ lãnh đạo, công vụ, công tác đảng, đoàn thể... Đây chính là chính sách nổi trội mang tính nhân văn mà các chính sách liên quan trước đây chưa có được.
Tại Thái Nguyên, trước đây khi chưa có Nghị định số 178 của Chính phủ, HĐND tỉnh Thái Nguyên cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/NQ-HĐND, ngày 10/12/2021 Quy định chế độ, chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động do thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, nếu như so sánh các chính sách, chế độ được quy định tại Nghị quyết số 18 và Nghị định số 178, rõ ràng, các quy định tại Nghị định số 178 có tính ưu việt, vượt trội hơn hẳn.
Bên cạnh các chế độ trợ cấp tài chính, Nghị định số 178 còn đưa ra các chế độ đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức có quá trình cống hiến đặc biệt. Những người lao động này sẽ được xét khen thưởng quá trình công tác và tính thời gian nghỉ hưu sớm vào thời gian còn lại của nhiệm kỳ bầu cử hoặc bổ nhiệm chức vụ hiện tại để xét khen thưởng.
Chế độ này thể hiện sự trân trọng và ghi nhận công lao đóng góp của các cán bộ, công chức trong suốt quá trình công tác, đặc biệt là những người có thời gian công tác dài nhưng lại nghỉ hưu trước tuổi. Chính sách này không chỉ giúp họ duy trì được uy tín và danh dự trong công việc mà còn khích lệ các thế hệ cán bộ, công chức tiếp tục cống hiến cho đất nước.
Qua đây có thể thấy, với những chính sách, cơ chế hết sức “hấp dẫn” đối với người nghỉ hưu sớm, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, mà còn tạo ra không gian để đội ngũ nhân sự trẻ, có năng lực, sáng tạo, nhiệt huyết thay thế những vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Không những thế, chính sách này còn góp phần vào quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa nền hành chính, giúp hệ thống công quyền đáp ứng kịp thời với yêu cầu của nền kinh tế số và yêu cầu công tác trong bối cảnh quốc tế hóa.
Tuy nhiên, Nghị định này sẽ không áp dụng đối với người không đủ tuổi tái cử. Với những người không đủ tuổi tái cử sẽ áp dụng theo Nghị định số 177/2024/NĐ-CP, ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định Chế độ, chính sách đối với các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm; cán bộ thôi việc, nghỉ hưu theo nguyện vọng.
Với những ưu điểm này, Nghị định số 178 sẽ giúp Thái Nguyên và các tỉnh, thành trong cả nước đạt được mục tiêu xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Và đặc biệt, đây là một cơ hội lớn đối với tỉnh Thái Nguyên, khi chúng ta đang nỗ lực xây dựng một đội ngũ cán bộ trẻ, năng động, có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nghị định số 178 gồm 3 chương và 27 điều, với 8 nhóm chính sách chính: 1. Đối với người nghỉ hưu sớm. 2. Chế độ thôi việc đối với cán bộ, công chức. 3. Nghỉ thôi việc đối với viên chức và người lao động. 4. Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ hoặc được bầu cử, bổ nhiệm vào chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý thấp hơn thì được bảo lưu mức lương chức vụ hoặc phụ cấp chức vụ lãnh đạo cũ đến hết nhiệm kỳ bầu cử hoặc thời hạn bổ nhiệm. 5. Đối với người đi công tác ở cơ sở. 6. Trọng dụng người có phẩm chất, năng lực nổi trội. 7. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, công chức sau khi sắp xếp. 8. Đối với đối tượng thuộc lực lượng vũ trang trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ. máy như đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong cơ quan Nhà nước. |
Ý kiến bạn đọc (0)