Số hóa dữ liệu, nâng chất lượng dịch vụ y tế
BẮC GIANG - Cùng với nâng cao trình độ chuyên môn, triển khai các kỹ thuật mới, ngành Y tế trong tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và khám, chữa bệnh (KCB). Nhờ đó rút ngắn thời gian chờ khám, giảm áp lực cho nhân viên y tế, mang đến sự hài lòng cho người bệnh và nhân dân.
Nhanh chóng, thuận tiện
Sau thời gian thí điểm bệnh án điện tử (BAĐT) tại Khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng, từ tháng 1/2024, Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Sơn Động triển khai BAĐT tại tất cả các khoa, phòng. Quá trình khám bệnh, thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu…, bệnh nhân không phải ngồi chờ bởi kết quả sẽ được gửi thẳng về phần mềm quản lý bệnh viện để bác sĩ cập nhật lên sổ sức khỏe điện tử. Năm 2024, 100% bệnh nhân điều trị nội trú được làm BAĐT; đơn vị tiến hành cập nhật kết quả xét nghiệm cận lâm sàng, phiếu thanh toán và kê đơn thuốc cho hơn 63 nghìn trường hợp đến khám bệnh lên sổ sức khỏe điện tử.
Các bác sĩ làm việc tại phòng xét nghiệm Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cập nhật kết quả xét nghiệm lên bệnh án điện tử. |
Được chẩn đoán bị tràn dịch khớp gối từ cuối năm 2023, chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1985), trú tại thôn Mặn, xã Vĩnh An (Sơn Động) thường đến TTYT huyện khám, lấy thuốc bảo hiểm y tế (BHYT). Nếu như trước đây phải xếp sổ, trình thẻ BHYT để bác sĩ nhập thông tin, chỉ định phòng khám thì nay chị sử dụng thẻ căn cước công dân lựa chọn phòng khám, nội dung khám tại máy đăng ký KCB tự động. Sau khi thực hiện xét nghiệm máu, chụp X-quang, chị không phải chờ nhận kết quả bởi toàn bộ thông tin được cập nhật lên BAĐT.
Các thủ tục liên quan như: Chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc, phiếu thanh toán viện phí cũng được thực hiện trên phần mềm. “Không chỉ khám tại TTYT huyện, các kết quả khám ở cơ sở y tế khác cũng được cập nhật vào sổ sức khỏe điện tử cá nhân. Chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet, dù ở đâu tôi cũng có thể xem kết quả điều trị, dễ dàng kiểm tra đơn thuốc và không lo bảo quản các giấy tờ liên quan”, chị Nguyễn Thị Tâm cho biết.
Theo Sở Y tế, hiện toàn bộ 254 cơ sở KCB BHYT trong và ngoài công lập trên địa bàn tỉnh đã triển khai hoạt động KCB sử dụng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ BHYT. 23/23 cơ sở KCB công lập sử dụng phương thức thanh toán viện phí và các giao dịch khác không dùng tiền mặt. Trong đó, nhiều cơ sở thanh toán bằng mã QR kết nối trực tiếp phần mềm quản lý bệnh viện với ngân hàng. Đối với BAĐT, tất cả các cơ sở y tế công lập có phần mềm quản lý thông tin KCB để liên thông dữ liệu.
Ghi nhận tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh, để khám, điều trị cho khoảng 300 lượt bệnh nhân/ngày, cùng với bố trí 2 máy đăng ký khám tự động bằng căn cước công dân tại khu vực đón tiếp, Bệnh viện triển khai 3 hình thức thanh toán không dùng tiền mặt gồm: Quẹt thẻ, dùng mã QR và chuyển khoản. Đối với công tác quản lý hồ sơ, đơn vị đầu tư thiết bị hiện đại, đồng bộ để liên thông kết quả khám, xét nghiệm giữa các khoa.
Tương tự, hướng đến mục tiêu triển khai BAĐT từ tháng 1/2025, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh bố trí kinh phí mua máy tính bảng, máy tính xách tay và phần mềm quản lý chất lượng bệnh viện. Từ tháng 10/2024, Bệnh viện giao mỗi khoa lựa chọn, thực hiện điểm ít nhất 5 BAĐT/tháng để rút kinh nghiệm.
Bác sĩ Trần Quang Thi, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh cho biết: “Sau hơn 2 tháng triển khai thí điểm tại các khoa, BAĐT đã khắc phục được những hạn chế trong lưu trữ bệnh án bằng giấy, giảm bớt thời gian ghi chép bệnh án. Người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi lấy số, lấy kết quả xét nghiệm, nhất là với người cao tuổi; bác sĩ xem được ngay kết quả xét nghiệm và dễ dàng tìm kiếm, truy cập thông tin sức khỏe bệnh nhân như: Lịch khám, đơn thuốc, nhắc hẹn tái khám…”.
Hướng đến xây dựng nền y tế thông minh
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận gần 4,4 triệu lượt bệnh nhân đến khám và hơn 340 nghìn lượt điều trị nội trú. Khối lượng công việc lớn nên việc ứng dụng các phần mềm trong quản lý, điều hành và KCB góp phần giảm áp lực cho nhân viên y tế, rút ngắn thời gian chờ khám. Triển khai BAĐT là bước ngoặt trong hành trình chuyển đổi số y tế, giúp quy trình KCB nhanh chóng, chính xác và thuận tiện hơn… Đây là phiên bản số của hồ sơ bệnh án giấy, được ghi chép, hiển thị, lưu trữ bằng phương tiện điện tử và có cơ sở pháp lý, chức năng tương đương bệnh án thông thường. Mọi thông tin quy trình chuyên môn, thực hiện y lệnh, tiền sử, diễn biến điều trị của người bệnh đều được số hóa.
Tuy nhiên, qua đánh giá, việc bảo đảm vận hành trơn tru, hiệu quả cho BAĐT tại một số cơ sở y tế còn khó khăn do máy tính, các thiết bị phục vụ KCB hiện có không kết nối, không tương thích với phần mềm BAĐT. Nhiều bệnh nhân, nhất là người cao tuổi không có hoặc không sử dụng điện thoại thông minh thuần thục để theo dõi kết quả KCB trên sổ sức khỏe điện tử. Các bệnh viện gặp vướng mắc trong hoạt động thanh toán chi phí KCB theo hình thức hồ sơ BAĐT. Bác sĩ Đào Văn Hải, Giám đốc TTYT huyện Sơn Động cho biết: “Dù toàn bộ kết quả chẩn đoán hình ảnh đều được kết nối, lưu trữ trên hệ thống phần mềm song chúng tôi vẫn phải in phim bởi theo quy định, phải có phim thì mới được bảo hiểm xã hội thanh toán. Việc làm này đã tạo ra chi phí kép cho một dịch vụ”.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Y tế xây dựng lộ trình từng năm, đồng thời lựa chọn những nội dung ưu tiên để thực hiện. Hướng đến mục tiêu y tế thông minh, ngành đang xây dựng, từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe, phòng bệnh dựa trên nền tảng công nghệ số, thúc đẩy KCB từ xa và kê đơn thuốc điện tử để người dân thuận lợi hơn trong theo dõi sức khoẻ cũng như thực hiện phác đồ điều trị. Trước mắt tập trung hoàn thiện xây dựng, tạo lập kho dữ liệu của ngành, của các cơ sở KCB và hồ sơ sức khỏe điện tử của mỗi người dân. Về KCB, các cơ sở y tế tập trung hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý KCB, kết nối chia sẻ dữ liệu y tế cơ sở…
Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Mục tiêu quan trọng nhất trong chuyển đổi số của ngành Y tế là phục vụ người dân tốt hơn, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, hiệu quả nhất. Cùng với nguồn lực đầu tư của tỉnh, ngành yêu cầu các cơ sở y tế bố trí kinh phí mua sắm thiết bị, tập huấn cho cán bộ; quan tâm triển khai đăng ký khám trực tuyến, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNeID) và ứng dụng bảo hiểm xã hội số (VssID)”.
Ý kiến bạn đọc (0)