Vietnam Post bị gián đoạn dịch vụ vì mã độc tống tiền
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Vietnam Post cho biết bị tấn công ransomware ảnh hưởng đến dịch vụ chuyển phát.
Từ sáng 4/6, nhiều người dùng dịch vụ Vietnam Post phản ánh không thể truy cập ứng dụng và website của đơn vị này. Huyền Trang, một người bán hàng online tại Hà Nội, cho biết tình trạng xảy ra từ sáng sớm khi cô cần giao hàng cho khách, nhưng không thể vào app để tạo đơn.
"Tôi đợi đến trưa nhưng vẫn không thể truy cập, đành phải tìm hướng khác", Trang nói.
Ứng dụng Vietnam Post dừng ở màn hình khởi động, không thể truy cập ngày 4/6. |
Trên một số cộng đồng của người bán hàng online tại Việt Nam, hàng loạt thành viên than phiền không thể tạo đơn giao hay sử dụng dịch vụ của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam. Hiện website của đơn vị cũng trong tình trạng "Không thể truy cập".
Trong thông báo đưa ra trưa nay, Vietnam Post cho biết hệ thống công nghệ thông tin của họ bị tấn công ransomware (mã độc tống tiền). Sự cố diễn ra vào 3 giờ sáng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát.
"Các dịch vụ Tài chính bưu chính, Hành chính công và phân phối hàng hóa hiện vẫn hoạt động bình thường", đại diện công ty nói.
Ngoài ra, đơn vị này cũng khẳng định đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát hướng dẫn của Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông, trong đó có việc ngắt kết nối hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Đây cũng là lý do website và ứng dụng liên quan bị gián đoạn.
"Bưu điện Việt Nam đang làm việc với cơ quan chức năng và phối hợp với đối tác là các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam để nỗ lực xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất", công ty nói thêm.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam Vietnam Post là một trong những công ty lớn tiếp theo tại Việt Nam trở thành nạn nhân của mã độc tống tiền ransomware. Trước đó, tin tặc cũng tấn công hệ thống của chứng khoán VnDirect, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và một nhà mạng, giai đoạn cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Với loại hình này, tin tặc xâm nhập và nằm vùng trong hệ thống thời gian dài, tìm ra dữ liệu quan trọng và tiến hành mã hóa, sau đó yêu cầu nạn nhân trả tiền chuộc để mở khóa.
Theo báo cáo về nguy cơ mất an toàn thông tin tại Việt Nam quý I/2024 của Viettel Cyber Security, số vụ tấn công ransomware vào hạ tầng doanh nghiệp tại Việt Nam tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. Hình thức này có thể gây thất thoát dữ liệu, làm gián đoạn dịch vụ và ảnh hưởng uy tín của các đơn vị.
Theo VnExpress
Ý kiến bạn đọc (0)