Ứng phó với rào cản thương mại: Doanh nghiệp cần chủ động từ sớm, từ xa
BẮC GIANG - Mỹ đã ban hành nhiều sắc lệnh áp thuế ở mức cao lên các mặt hàng nhập khẩu vào nước này. Để ứng phó với những rào cản thương mại từ thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động biện pháp phòng vệ từ sớm, từ xa.
Ngày 29/11/2024, Bộ Thương mại Mỹ đưa ra mức thuế chống bán phá giá từ 21,31% đến 271,2% với tấm pin năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Việt Nam và Thái Lan (tùy thuộc vào công ty sản xuất). Tại Bắc Giang có 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc gồm: Công ty trách nhiệm hữu hạn JA Solar và Công ty trách nhiệm hữu hạn Jinko Solar Việt Nam. Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khoa học Kỹ thuật Năng lượng Mặt trời Boviet nộp đơn xin làm bị đơn tự nguyện và được Bộ Thương mại Mỹ chấp nhận. Kết quả điều tra với các bị đơn bắt buộc sẽ là căn cứ để Bộ Thương mại Mỹ tính thuế chống bán phá giá cho các doanh nghiệp khác của Việt Nam. Tiếp đó, đầu tháng 2 vừa qua, Mỹ áp thuế 25% đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào nước này (có hiệu lực từ ngày 4/3/2025).
![]() |
Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Ja Sola Việt Nam, Khu công nghiệp Quang Châu (thị xã Việt Yên). |
Theo Bộ Công Thương, Mỹ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới và cũng là nước điều tra nhiều nhất đối với Việt Nam. Riêng năm 2024 Mỹ đã khởi xướng điều tra mới 11 vụ việc đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam vào nước này. Sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không chỉ giới hạn ở các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như tấm pin năng lượng mặt trời (4,2 tỷ USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD), mà còn có các mặt hàng khác như gỗ chế biến, đĩa giấy, khay đúc bằng sợi…
Việt Nam nói chung, tỉnh Bắc Giang nói riêng có nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu tấm pin năng lượng mặt trời, linh kiện điện tử, điện thoại, chế biến gỗ, sản phẩm cơ khí… nên việc bị tác động tiêu cực của điều tra phòng vệ thương mại và áp thuế cao là khó tránh khỏi. Điều này gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp liên quan nắm chắc tình hình các vụ việc liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ bị điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả; hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp.
Mỹ là nước điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới và cũng là nước điều tra nhiều nhất đối với Việt Nam. Riêng trong năm 2024, Mỹ đã khởi xướng điều tra mới 11 vụ việc đối với một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. |
Ông La Văn Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, hiện Sở đang theo dõi sát sao tình hình xuất khẩu các hàng hóa mà Mỹ đang điều tra phòng vệ thương mại được sản xuất tại Bắc Giang. Sở sẽ kịp thời báo cáo và tham mưu với UBND tỉnh các biện pháp ứng phó khi có biến động xảy ra. Trước dự báo sẽ có những biến động trong sản xuất, xuất khẩu, hiện các doanh nghiệp trong tỉnh đã có nhiều giải pháp ứng phó.
Theo ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội doanh nghiệp cơ khí Bắc Giang, Hội đã khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên có hàng xuất khẩu cần minh bạch nguồn nguyên liệu thép, nhôm được sử dụng trong các mặt hàng xuất khẩu. Mục tiêu nhằm tránh bị đối tác nhập khẩu khởi kiện do gian lận nguồn gốc và trốn thuế các nguyên liệu nhôm, thép.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Chế biến lâm sản Hùng Mạnh (Lục Nam) thông tin, từ năm 2018 - 2020, do diễn biến phức tạp của thương mại thế giới, đơn vị đã bị tổn thất hàng chục tỷ đồng do không xuất khẩu được hàng hóa là ván gỗ ép phủ phim và ván gỗ công nghiệp nội thất. Hiện mỗi năm đơn vị sản xuất khoảng 60 nghìn m3 gỗ chế biến các loại, do đó Công ty tập trung tiêu thụ tại thị trường trong nước và kết nối, mở rộng xuất khẩu sang Malaysia, Thái Lan và các nước không áp thuế chống bán phá giá với Việt Nam.
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp và các nhà đầu tư tại Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến, động thái chính sách của các đối tác, nhất là Mỹ, Trung Quốc có thể tác động đến Việt Nam. Từ đó đánh giá, đưa ra dự báo và có chính sách ứng phó kịp thời, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch dự phòng cho các kịch bản như tăng thuế quan hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt cần đa dạng hóa thị trường và đối tác, mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường truyền thống như ASEAN, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, khai thác tiềm năng thị trường Trung Đông, châu Phi thay vì chỉ tập trung, phụ thuộc vào một thị trường.
Để ứng phó với các cuộc điều tra về phòng vệ thương mại, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý; chú trọng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, hạn chế cạnh tranh bằng giá; quan tâm hoàn thiện sổ sách kế toán, hệ thống truy xuất nguồn gốc. Cùng đó, thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo từ Bộ Công Thương, chuẩn bị các nguồn lực, điều kiện để kháng kiện trong trường hợp cần thiết; không tham gia, tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại.
Ý kiến bạn đọc (0)