Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng: Không để học sinh phải ra trung tâm học thêm tràn lan
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, sứ mệnh, mục tiêu của nhà trường và các thầy cô giáo là không để học sinh phải ra trung tâm học thêm tràn lan.
Nội dung trên được Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nêu tại hội nghị về triển khai Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm, chiều 28/3.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng. |
Thứ trưởng cho hay, cách đây gần 30 năm, từ năm 1996, tại Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII đã cảnh báo về thực trạng dạy thêm, học thêm tràn lan: “Dạy thêm, học thêm tràn lan tốn nhiều thời gian và tiền bạc của học sinh, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của học sinh và quan hệ thầy trò”. Cũng tại Nghị quyết đó, Trung ương đã yêu cầu, đến năm 2000 phải chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan.
Qua nhiều kỳ họp Quốc hội, rất nhiều đại biểu phản ánh trên nghị trường cũng đã nêu lên tình trạng này. “Điều đó có nhiều nguyên nhân. Chúng ta lâu nay vẫn quen với truyền thống 'dùi mài kinh sử'; sĩ số học sinh đông nên điều kiện bảo đảm chất lượng, cơ sở vật chất còn thiếu; bệnh thành tích; phụ huynh phó mặc cho nhà trường; vai trò của các thầy, cô giáo, công tác quản lý ngành giáo dục chưa cương quyết…”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Ông cho rằng hệ lụy của việc dạy thêm, học thêm là triệt tiêu tinh thần, phương pháp tự học của học sinh do lệ thuộc vào thầy cô giáo; ảnh hưởng tới đội ngũ nhà giáo, làm xấu đi hình ảnh ngành giáo dục.
Vì thế sự ra đời của Thông tư 29, dù chưa thể chấm dứt ngay tình trạng dạy thêm, học thêm nhưng đã phần nào hạn chế điều này.
Trước việc “ra đời” của nhiều trung tâm, hộ kinh doanh dạy thêm, Thứ trưởng khuyên các địa phương nên bình tĩnh. Mục tiêu của chúng ta là không để học sinh phải ra trung tâm học thêm tràn lan. Đấy cũng là sứ mệnh của nhà trường và các thầy cô giáo.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, các nhà trường cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. “Giáo viên cũng phải tự tôn, tự trọng, không thể biết nhưng cố tình vi phạm, đi 'dạy chui'. Thầy cô nếu tự tôn, tự trọng, tới trung tâm bên ngoài, thấy cơ sở vật chất xập xệ, không đủ ánh sáng, không bảo đảm phòng cháy chữa cháy, xin các thầy cô không dạy ở đấy và khuyên học sinh đừng đến học. Tinh thần là không khuyến khích học sinh học thêm bằng mọi giải pháp”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.
Theo Thứ trưởng, trước đây, thầy cô giáo nghĩ dạy thêm như hoạt động bình thường trên lớp. Nhiều phụ huynh cũng đã quen như vậy nên khi quản lý chặt lại không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay dạy thêm, học thêm tràn lan “đã chạm đến lằn ranh đỏ”. Việc chấm dứt tình trạng dạy thêm, học thêm là mệnh lệnh của ngành giáo dục.
“Đó là mệnh lệnh về tinh thần trách nhiệm để giáo dục học sinh phát triển toàn diện, đưa giáo dục trở lại đúng nguyên lý của giáo dục vốn có, trả lại tuổi thơ cho các em học sinh. Dù có nhiều khó khăn, các địa phương, nhà trường phải quyết tâm, nghiêm khắc với những vi phạm, không buông lỏng, không thỏa hiệp với việc dạy thêm, học thêm trái quy định”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định.
Ý kiến bạn đọc (0)