Tập trung chỉ đạo, hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025
BẮC GIANG - Chiều 31/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các chương trình mục tiêu quốc gia, giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 chủ trì tại điểm cầu Hà Nội; đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì tại điểm cầu tỉnh Khánh Hòa. Cùng dự tại điểm cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành ở Trung ương.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thế Tuấn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 3/2025, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, cơ quan Trung ương đã ban hành 43 văn bản quy phạm pháp luật để quy định, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn 2021-2025, nguồn ngân sách Trung ương đầu tư công trung hạn bố trí cho 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) là hơn 102 nghìn tỷ đồng; nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương đã bố trí thực hiện 3 chương trình trên là gần 98 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được còn những khó khăn, hạn chế như: Một số nội dung thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Tuy nhiên, tiến độ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những nội dung này và phương án điều chỉnh nguồn lực sang thực hiện nội dung khác chưa được giải quyết kịp thời, làm chậm tiến độ giải ngân.
Tiến độ xây dựng, đề xuất phân bổ, giao dự toán kinh phí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Một số nội dung hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững không còn đối tượng hỗ trợ.
Định mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung còn thấp, không tạo sự khuyến khích các đối tượng tham gia. Một số địa phương chưa thực sự chủ động rà soát, chuẩn bị thủ tục đầu tư ngay từ khâu lập kế hoạch, gặp lúng túng khi áp dụng các quy định của Luật Đấu thầu nên còn mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục phê duyệt dự án...
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 11 chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đã được bố trí thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (bao gồm cả kế hoạch năm 2025) trên địa bàn tỉnh là 4,2 nghìn tỷ đồng.
Đến nay, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 5/11 chỉ tiêu; ước hết năm 2025 đạt và vượt 10/11 chỉ tiêu, còn 1 chỉ tiêu dự báo không đạt thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao), do chủ trương sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và không tổ chức đơn vị hành chính cấp huyện.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đi sâu đánh giá, phân tích làm rõ những tồn tại, khó khăn, hạn chế trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp tháo gỡ, nhất là trong công tác phân bổ, giải ngân các nguồn vốn đầu tư.
Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Hồng Hà nhấn mạnh, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, các địa phương cần tập trung rà soát chỉ tiêu, nhiệm vụ của cả 5 năm để làm tốt hơn đối với những mục tiêu, chỉ tiêu đã đạt và vượt; tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ các giải pháp để nỗ lực hoàn thành các chỉ tiêu chưa đạt. Đồng chí đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương khẩn trương phân bổ, giao số vốn còn lại ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kinh phí năm 2025.
Đồng chí đề nghị, Bộ Tài chính thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình theo hướng đơn giản quy trình, tăng cường phân cấp, phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ chương trình, cơ quan chủ quản chương trình.
Các bộ: Nông nghiệp và Môi trường; Dân tộc và Tôn giáo (chủ trương trình) khẩn trương hoàn thiện phương án đề xuất phân bổ toàn bộ vốn, kinh phí còn lại của các chương trình mục tiêu quốc gia gửi Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Cùng đó, khẩn trương đôn đốc, kiểm tra, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh sáp nhập, hợp nhất tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại các cấp, bảo đảm quá trình triển khai thực hiện các chương trình được liên tục, đồng bộ, hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021-2025 đã được Quốc hội giao.
Các địa phương tập trung chỉ đạo, điều hành, triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hoàn thành mục tiêu từng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng đó, phối hợp với các chủ chương trình tổ chức đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện, đề xuất giải pháp cho giai đoạn 2026-2030 phù hợp với tình hình mới. Trước 15/4, cần kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương và các địa phương để chuẩn bị tốt cho công tác đánh giá, tổng kết thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.
Ý kiến bạn đọc (0)