Tỷ phú xóm Lớ
Vợ chồng ông Trần Quang Sơn chăm sóc vườn vải thiều. |
Vải thiều - cây chủ lực
Mới đây, chúng tôi đến thăm trang trại của ông Trần Quang Sơn (SN 1962) ở xóm Lớ. Trang trại rộng, đẹp bên dòng sông Lục hiền hòa, giáp ranh giữa huyện Lục Ngạn và Lục Nam. Trang trại có diện tích 18 ha, trong đó có 6 ha vải thiều, hơn 1 ha bưởi Diễn Thành Cao, 1 ha cam Xoàn, 1 mẫu ao nuôi cá, còn lại là rừng kinh tế. Những năm qua, riêng vải thiều, mỗi năm gia đình ông Sơn thu khoảng 1 tỷ đồng, lãi từ 700-800 triệu đồng. Năm nay, vải thiều mất mùa nhưng nhờ có kinh nghiệm chăm sóc nên sản lượng vẫn đạt khoảng 15 tấn quả (giảm 45 tấn so với vụ trước). Hiện gia đình ông đã thu hoạch được 2 tấn, giá bình quân tại vườn 35 nghìn đồng/kg.
Để có được trang trại như bây giờ, vợ chồng ông Sơn đã đổ dồn vào đây rất nhiều tâm huyết, công sức và cả… nước mắt. Ông Sơn tâm sự: "Tôi đi bộ đội năm 1983, hai năm sau ra quân trở về địa phương. Do tôi và bà xã (bà Hoàng Thị Ánh Tuyết) yêu nhau nhưng hai bên gia đình cấm cản quyết liệt nên năm 1989 chúng tôi quyết định rời làng vào xóm Lớ dựng lều lán, khai hoang mở đất. Tuy chỉ cách trung tâm xã Mỹ An khoảng 3 km nhưng do dòng sông cách trở nên khi đó nơi đây hoang vu, rậm rạp, ít người lui tới. Mặc dù khó khăn chồng chất, nhất là khi hai con chào đời, cả nhà ở lán, nằm phản, nhưng rồi hai vợ chồng vẫn yêu thương nhau, quyết tâm vượt lên tất cả". Vừa khai hoang, kết hợp đi làm thuê, vợ chồng ông tích góp mua được 20 cành vải về trồng. Từ số cây ít ỏi này, nhờ chịu khó học hỏi, không quản nắng mưa chăm sóc, từ đó ông tiếp tục chiết cành nhân rộng ra với số lượng cả trăm cây, rồi nghìn cây như bây giờ.
Để tăng giá trị, vợ chồng ông Sơn chủ động áp dụng kỹ thuật ghép cành để chuyển đổi từ vải thiều chính vụ sang vải chín sớm U Hồng, lai Thanh Hà. Trong số 6 ha, ông giữ lại 30% giống vải thiều chính vụ, diện tích còn lại trồng vải chín sớm. Đứng dưới tán một cây vải ghép cho ra ba loại quả gồm: Lai Thanh Hà, U Hồng và vải thiều chính vụ, ông Sơn tự hào khoe: "Tất cả vườn vải sớm đều do vợ chồng tôi ghép. Tuy cây có ba loại quả nhưng do được chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên chất lượng loại nào cũng thơm ngon. Nhờ đó, thời gian thu hoạch từ một tháng trước kia nay kéo dài hai tháng, giá trị tăng rõ rệt".
Hạnh phúc vẹn toàn
Từ cây vải thiều, cuộc sống của gia đình ông Sơn giờ đây khá giả vào diện nhất nhì xã. Không chỉ có tiền chăm lo cuộc sống, nuôi dạy các con ăn học, vợ chồng ông còn mua được mảnh đất mặt đường ở xã Vô Tranh (Lục Nam), xây nhà, mua ô tô tải phục vụ vận chuyển nông sản. Năm 2007, ông Sơn mua thêm ô tô 7 chỗ để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Ông cũng đầu tư cả tỷ đồng mua máy xúc, cải tạo trang trại cho khoa học hơn. Theo đó, phần đất trên đồi cao trồng rừng kinh tế; tiếp đến là diện tích trồng vải thiều, bưởi Diễn, cam Xoàn; dưới cùng là ao nuôi cá và phục vụ nước tưới cho trang trại.
Niềm vui lớn nhất của gia đình ông giờ đây là hai con trai Trần Quang Tuyên, Trần Quang Tuyến trưởng thành. Hai bên gia đình nội, ngoại cảm thông, nhận các cháu; vợ chồng ông cũng không còn buồn lòng vì những chuyện khi xưa.
Chia tay ông Sơn, chúng tôi cảm phục ý chí vượt khó vươn lên của đôi vợ chồng nơi miền sơn cước. Ý chí, niềm tin, tình yêu lao động, tình yêu đôi lứa mà họ dành cho nhau đã trở thành sức mạnh để vượt qua muôn vàn sóng gió, biến mảnh đất đồi cằn khô, sỏi đá thành trang trại cây ăn quả trù mật.
Đức Thọ - Hải Yến
Ý kiến bạn đọc (0)