Đào tạo nghề - “Chìa khóa” để đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo
BẮC GIANG - Xác định công tác đào tạo nghề là “chìa khoá” hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững, thời gian qua, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề, UBND các xã triển khai nhiều lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và nhu cầu xã hội, nhiều hộ đồng bào DTTS ở huyện Lục Ngạn đã tìm được kế sinh nhai bền vững, ổn định hơn.
Lớp đào tạo nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Tân Lập (Lục Ngạn). |
Năm 2023, hộ gia đình anh Nông Văn Thuyết (37 tuổi), thôn Họa, xã Cấm Sơn chính thức có tên trong danh sách "mới thoát nghèo". Trước đây, anh Thuyết không có nghề ổn định, thu nhập bấp bênh, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Là hộ nghèo, gia đình anh được xét hỗ trợ 200 con gà giống làm "cần câu", được tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi, thú y ngắn hạn do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn tổ chức.
Nhờ nắm bắt, áp dụng kỹ thuật chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh đúng quy trình nên đàn gà của gia đình anh phát triển tốt, tỷ lệ sống cao, góp phần nâng cao thu nhập, giúp gia đình anh thoát nghèo.
Học viên thôn Cà Phê, xã Tân Mộc tham gia khóa đào tạo nghề. |
Hay như anh Lăng Văn Chiêu (dân tộc Nùng, xã Hộ Đáp) được tham gia khóa học sửa chữa máy nông nghiệp từ năm 2017. Sau 1-2 năm, khi đã thành thạo nghề, anh Chiêu mở cửa hàng tại nhà, nhận sửa chữa đủ loại máy móc như: Máy cắt cỏ, bơm nước, xe máy... "Trước kia kinh tế gia đình tôi khó khăn lắm, chủ yếu làm nông nghiệp, vất vả mà thu nhập thấp. Từ khi tôi học nghề, mở cửa hàng sửa chữa này, gia đình có thêm nguồn thu, chất lượng cuộc sống được cải thiện", anh Chiêu nói.
Ông Hoàng Văn Dũng, giáo viên dạy nghề thuộc Công ty TNHH Cung ứng nhân lực Phương Lan (Lục Nam) cho biết: “Việc đào tạo nghề cho đồng bào DTTS, các hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập thấp giống như trao cho họ chiếc cần câu để bản thân họ tự vươn lên. Đó cũng là một cách phát triển kinh tế bền vững tại vùng cao. Do đối tượng chủ yếu là nông dân, vùng DTTS nên cách truyền đạt kiến thức lý thuyết lẫn thực hành của giáo viên phải thật dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thao tác, đồng thời coi trọng thực hành theo phương pháp cầm tay chỉ việc”.
Theo đại diện lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn, sửa chữa máy móc, dạy nghề chăn nuôi, chuyển đổi giống cây trồng phù hợp thổ nhưỡng cho năng suất cao... là những nội dung chính của các khóa đào tạo nghề. Các khóa học thường diễn ra trong vòng 3 tháng, lịch trình học được sắp xếp linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người dân địa phương mà vẫn bảo đảm đầu ra kiến thức cho người học.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Ngạn đã phối hợp tổ chức 32 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 1 nghìn học viên. Trong đó, có 17 lớp với 559 học viên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và 15 lớp với 497 học viên thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS, miền núi. Những ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia học gồm: May thời trang, chăn nuôi thú y, trồng trọt, điện dân dụng, sửa chữa cơ khí…
Học viên tham gia các lớp đào tạo nghề là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vùng dân tộc thiểu số và người có thu nhập thấp, gia đình chính sách... Tham gia khóa học, học viên được Nhà nước hỗ trợ học phí, tiền ăn trưa; được cấp chứng chỉ nghề trình độ sơ cấp và được tư vấn, hỗ trợ tìm việc làm phù hợp.
Để triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề, cơ quan chức năng của huyện tích cực tuyên truyền các chính sách liên quan, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cán bộ chuyên môn các xã triển khai công tác đào tạo nghề và tuyển sinh đúng với nhu cầu, thời gian theo quy định.
Song hành với đó là triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ việc làm của Nhà nước đối với nhân dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Qua đó góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chất lượng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong chương trình phát triển KT-XH của huyện.
Được biết, năm nay huyện Lục Ngạn đề ra mục tiêu phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 73%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,63 %. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo tại 9 xã đặc biệt khó khăn chỉ còn 9,4%.
Ý kiến bạn đọc (0)