Tháo gỡ vướng mắc, bất cập nhằm khơi thông các nguồn lực cho đầu tư phát triển
BẮC GIANG - Chiều 6/11, Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Tham gia đóng góp ý kiến, đại biểu Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) năm 2020 là cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, khơi thông nguồn lực, huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đầu tư trên các lĩnh vực trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp. Đặc biệt, qua sửa đổi, bổ sung sẽ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính khả thi, hài hòa lợi ích của các bên liên quan, không chỉ đối với các dự án PPP được triển khai sau khi Luật này có hiệu lực, mà cả đối với các dự án PPP đã và đang triển khai, vận hành, khai thác.
Trong đó, một số nội dung sửa đổi, bổ sung được các chủ đầu tư rất quan tâm như: Mở rộng lĩnh vực đầu tư theo phương thức PPP; bãi bỏ quy định về hạn mức quy mô vốn đầu tư tối thiểu để các cơ quan chủ động, linh hoạt khi áp dụng phương thức PPP đối với từng dự án cụ thể; bổ sung quy định các trường hợp nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được chi trả chi phí khi chấm dứt hợp đồng trước thời hạn; bổ sung quy định tỷ lệ vốn tối đa của Nhà nước tham gia dự án PPP theo hướng cho phép áp dụng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia các dự án PPP cao hơn 50% đối với một số trường hợp cụ thể; bổ sung nguồn vốn để xử lý rủi ro giảm doanh thu của các dự án PPP…
|
Đại biểu Trần Văn Tuấn phát biểu ý kiến. |
Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, để khuyến khích, thu hút, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư theo hình thức PPP thì chính sách hỗ trợ của nhà nước là rất quan trọng; song Luật PPP năm 2020 mới chỉ quy định vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng được sử dụng để hỗ trợ thực hiện dự án trong giai đoạn xây dựng nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án (quy định khoản 1 Điều 70), chưa có quy định về hỗ trợ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm không do lỗi của nhà đầu tư. Điều này dẫn đến một số dự án gặp khó khăn trong giai đoạn vận hành, khai thác; nhà đầu tư thiếu niềm tin, không mặn mà đầu tư vốn tham gia các dự án mới theo hình thức PPP.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật quy định về các trường hợp cần bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ đối với các dự án PPP ký kết hợp đồng trước thời điểm Luật này có hiệu lực. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng, cơ chế chia sẻ rủi ro của nhà đầu tư, bên cho vay khi thực hiện trong các trường hợp này.
Theo Luật Đấu thầu năm 2023, tại điểm m, khoản 1, Điều 23 về chỉ định thầu quy định: “Gói thầu thuộc dự toán mua sắm có giá gói thầu trong hạn mức từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng; gói thầu thuộc dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, bao gồm: Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn có giá gói thầu trong hạn mức không quá 500 triệu đồng, gói thầu phi tư vấn, hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu trong hạn mức không quá 01 tỷ đồng.”.
Như vậy, hạn mức chỉ định thầu theo quy định tại điểm m, khoản 1, Điều 23, Luật Đấu thầu 2023 gồm 03 nhóm đối tượng (như nêu trên) mà chưa quy định đối với nhóm đối tượng là các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư (đây là các dự án không thực hiện theo quy trình của Luật Đầu tư công). Điều này đang gây nhiều khó khăn, vướng mắc tại các đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư. Trên cơ sở hướng dẫn của Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện tại đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, địa phương đang áp dụng hạn mức chỉ định thầu như đối với các gói thầu thuộc dự toán mua sắm (tức là áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi đối với tất cả các gói thầu có giá gói thầu trên 100 triệu đồng; áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu có giá gói thầu từ trên 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng).
Có thể nói, cách hiểu, cách làm như hiện nay chỉ mang tính vận dụng, đồng thời phát sinh thêm nhiều trình tự, thủ tục so với trước đây, làm ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thực hiện và giải ngân tại các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư (vì cơ bản các dự án này đều có quy mô nhỏ, thời gian thực hiện ngắn, hoàn thành trong năm).
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điểm m, khoản 1, Điều 23, Luật Đấu thầu năm 2023 quy định về hạn mức chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư, theo hướng: Cho phép áp dụng hạn mức chỉ định thầu đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư như đối với các dự án đầu tư theo Luật Đầu tư công, để bảo đảm căn cứ pháp lý, làm cơ sở thực hiện thống nhất trong cả nước và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, tiến độ giải ngân đối với các dự án sử dụng nguồn vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư.
Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc (0)