Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia
BẮC GIANG - Sáng 4/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.
Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Văn Thi (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) đồng tình với kết quả cũng như những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân được đánh giá trong báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2023 và những tháng đầu năm 2024 do Chính phủ trình. Theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chung cả nước 9 tháng đầu năm là 47,29%, thấp hơn cùng kỳ năm 2023. Khu vực doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn. Tín dụng những tháng đầu năm tăng trưởng thấp mặc dù mặt bằng lãi suất đã giảm, giá vàng liên tục tăng. Điều này cho thấy khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn hạn chế, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; một bộ phận khá lớn người dân có tâm lý bất ổn nên đã lựa chọn mua vàng để cất trữ. Từ thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Chính phủ cần phân tích, nhận diện rõ các nguyên nhân và từ đó có giải pháp cụ thể, phù hợp và hiệu quả đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi phát biểu tại hội trường. |
Tiến độ giải ngân các nguồn vốn thực hiện 3 chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG), nhất là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp là rất chậm, trong đó chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đạt 11%, chương trình MTQG vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 8%, đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, vướng mắc lớn nhất trong thực tế triển khai hiện nay là giải ngân nguồn vốn sự nghiệp về hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và việc làm. Đây là các nội dung liên quan trực tiếp đến chỉ tiêu giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân. Cùng với những khó khăn trên, tháng 9/2024, các tỉnh Trung du và miền núi Bắc bộ (vùng có nhiều xã miền núi, đặc biệt khó khăn, vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước) phải chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 (Yagi), làm cho hạ tầng bị tàn phá, sản xuất bị thiệt hại lớn. Từ thực trạng trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình MTQG để đạt được mục tiêu năm 2024 theo Nghị quyết Quốc hội giao về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Thảo luận, đánh giá về công tác phòng, chống thiên tai, đại biểu Nguyễn Văn Thi nêu vừa qua các địa phương đã triển khai tốt công tác ứng phó và kịp thời khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão, song thiệt hại cũng khá nặng nề. Việc ưu tiên xây dựng, duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng bảo đảm phòng, chống thiên tai cũng chưa được quan tâm đúng mức. Còn nhiều công trình thuộc hạ tầng thủy lợi, đê điều, hồ đập tại các địa phương trong nhiều năm không được duy tu, nâng cấp; cơ cấu đầu tư công hằng năm cho đê điều, hồ đập và các công trình bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai của Trung ương cũng như các địa phương còn chiếm tỷ lệ thấp trong khi Nhà nước đầu tư ngân sách cho giao thông khoảng 35 đến 45%, nhưng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp, phòng, chống thiên tai thường chỉ đạt 7-8%.
Từ những thực tiễn nêu trên, đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần có chính sách, quan tâm hơn đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn; quan tâm đầu tư cho công tác phòng ngừa, dự báo; và đặc biệt là quan tâm hơn đối với việc đầu tư hạ tầng phòng, chống thiên tai để bảo đảm sẵn sàng ứng phó tốt nhất trong mọi tình huống thiên tai trong tương lai.
Ý kiến bạn đọc (0)