Bắc Giang: Nhiều hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân
BẮC GIANG - Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11, từ cuối tháng 10 đến nay, Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang đã tổ chức nhiều hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho hàng nghìn người dân ở 19 xã, phường, thị trấn và 2 trường học trên địa bàn tỉnh.
Tham dự các hội nghị có lãnh đạo UBND cấp xã, công chức tư pháp - hộ tịch, lãnh đạo ban quản lý các thôn, tổ dân phố, trưởng các hội, đoàn thể và người dân địa phương.
Luật gia Lý Đình Đạt, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Bắc Giang trao đổi một số điểm mới trong Luật Đất đai tại hội nghị được tổ chức tại xã Việt Lập (Tân Yên). |
Luật gia Lý Đình Đạt, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh thông tin công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân trong tình hình mới rất quan trọng. Vì vậy, năm nay, hoạt động này được Hội thực hiện xuyên suốt từ đầu năm; cao điểm từ cuối tháng 10 đến tháng 11/2024.
Tại các nơi tổ chức, báo cáo viên của Hội đã tập trung truyền đạt một số điểm mới của Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Luật An ninh mạng.
Ở mỗi nơi, các báo cáo viên lại lựa chọn một số quy định mới của 4 luật nêu trên để truyền đạt, cung cấp thông tin bảo đảm phù hợp với tình hình KT - XH và đặc thù địa phương.
Điển hình với Luật Đất đai, các báo cáo viên lựa chọn thông tin về một số quy định như: Việc bỏ khung giá đất hay quy định đất không có giấy tờ trước ngày 1/7/2014 được cấp sổ đỏ; các trường hợp thu hồi đất để phát triển KT-XH; người dân được thỏa thuận nhận quyền sử dụng đất ở để làm nhà ở thương mại; người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mở rộng quyền sử dụng đất…
Đồng thời thông tin về một số nội dung trong Bộ Luật Dân sự liên quan đến quyền lập di chúc, quyền thừa kế tài sản (đất đai), hợp đồng dân sự chuyển nhượng quyền sử dụng đất…
Thay vì nêu điều khoản luật, các báo cáo viên lấy ví dụ cụ thể qua vụ việc thực tế để cán bộ, người dân dễ dàng nắm bắt, áp dụng.
Cán bộ, nhân dân xã Việt Lập (Tân Yên) tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật. |
Cũng theo Hội Luật gia, hiện nay, tình hình an ninh trật tự, các loại tội phạm diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm trên không gian mạng. Ở nước ta, không gian mạng được ứng dụng sâu rộng vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội.
Lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều phương thức như: Giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát hay tuyển cộng viên viên kiếm tiền online, làm việc tại nhà... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Mặc dù thường xuyên thông tin, tuyên truyền, cảnh báo song nhiều người cả tin nghe theo lời dụ dỗ, lừa đảo của đối tượng xấu.
Luật An ninh mạng ra đời năm 2018 góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH. Luật gồm 7 chương, 43 điều quy định những nội dung cơ bản về bảo vệ an ninh mạng với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phòng ngừa hành vi xâm phạm an ninh mạng...
Qua các hội nghị, người dân có thêm kiến thức về các vấn đề liên quan từ đó chấp hành nghiêm quy định, pháp luật của Nhà nước, nâng cao tinh thần phòng, chống tội phạm.
Ý kiến bạn đọc (0)