Lục Ngạn: Đám cưới điểm lưu giữ bản sắc dân tộc Sán Dìu
BẮC GIANG - Gia đình ông Thăng Văn Út và bà Từ Thị Thủy, dân tộc Sán Dìu ở thôn Chão, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vừa tổ chức đám cưới cho con trai là Thăng Văn Lâm (SN 2001) và con dâu Lê Thị Diễm Loan (SN 2001) dân tộc Tày (quê ở xã Quý Sơn).
Đây là đám cưới điểm nhằm khôi phục bản sắc văn hóa của người dân tộc Sán Dìu tại địa phương.
Ban Chỉ đạo phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình huyện Lục Ngạn tặng quà chú rể Thăng Văn Lâm và cô dâu Lê Thị Diễm Loan. |
Theo quan niệm của người Sán Dìu ở thôn Chão, cưới là một việc quan trọng của đời người nên cả cả gia đình và cộng đồng rất quan tâm. Hôn nhân của người dân tộc Sán Dìu được thực hiện theo 4 bước: Xin lá số, báo yên, ăn hỏi và xin đám cưới.
Nếu như trước kia, lễ cưới thường diễn ra trong 3 ngày, khi nhà trai và nhà gái bắt đầu dựng rạp vào buổi chiều ngày thứ nhất cũng là lúc nhà trai mang lễ vật thách cưới sang nhà gái. Đoàn nhà trai gồm ông mối, họ hàng nhà trai và 5 thanh niên chưa vợ, bạn chú rể bưng lễ. Trong tiệc cưới, hai họ tổ chức ăn uống và hát các làn điệu Sọong cô giao lưu cho tới khi nhà trai đón dâu về và hôn lễ kết thúc.
Ngày nay, với sự giao thoa của đám cưới hiện đại, đám cưới của người dân tộc Sán Dìu thực hiện theo nếp sống văn minh đã cắt giảm nhiều nghi lễ rườm rà, lạc hậu. Với tiêu chí mời ít khách, làm ít cỗ và thực hiện nghiêm quy định về nếp sống văn minh. Tại hôn lễ, cô dâu, chú rể mặc trang phục của dân tộc mình.
Đây là đám cưới tổ chức điểm theo sự hướng dẫn của Phòng Văn hóa và Thông tin huyện. Qua đó nhằm khôi phục, phát huy bản sắc văn hóa, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân về tổ chức đám cưới văn minh, tiết kiệm, gọn nhẹ mà vẫn trang trọng, phù hợp với thuần phong mỹ tục.
Ý kiến bạn đọc (0)