Thực hiện cơ chế, chính sách mới, khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà
BẮC GIANG - Sáng 14/11, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị phổ biến Nghị định số 135/2024/NĐ-CP ngày 22/10/2024 của Chính phủ (viết tắt là Nghị định 135) quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (MTMN) tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, TP, Công ty Điện lực Bắc Giang và đại diện một số doanh nghiệp (DN) lớn, trung tâm thương mại đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu chỉ đạo. |
Hội nghị được nghe Báo cáo viên của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương giới thiệu nội dung của Nghị định và giải đáp một số thắc mắc của đại biểu.
Theo đó, Nghị định 135 có hiệu lực từ ngày 22/10/2024, quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng gồm nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.
Việc mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo Nghị định 135 về cơ chế mua, bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định 135 là chính sách khuyến khích phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ, cụ thể như:
Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất lắp đặt trong các trường hợp không đấu nối với hệ thống điện quốc gia; lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia; hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật.
Điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được hưởng chính sách ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật thuế hiện hành; điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành; hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh; khuyến khích tổ chức, cá nhân tự quyết định lắp đặt hệ thống lưu trữ điện để bảo đảm vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện,…
Ông Ngô Văn Trường, Trưởng Phòng Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo giải đáp thắc mắc của đại diện các DN liên quan đến nội dung Nghị định 135. |
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc liên quan đến các nội dung như: Quy trình, thủ tục đầu tư điện MTMN; điều kiện phòng cháy, chữa cháy đối với công trình điện MTMN; việc mua, bán điện MTMN giữa các DN với nhau; điều kiện môi trường; việc xử lý rác thải khi thay thế thiết bị sản xuất điện từ công trình điện MTMN; giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia; cơ chế điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch và điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thuộc hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ,…
Phát biểu tại đây, đồng chí Phan Thế Tuấn thông tin, điện MTMN có nhiều ưu điểm như: Tận dụng tối đa tài nguyên bức xạ mặt trời với quy mô phân tán, trực tiếp tại nơi sản xuất, hộ tiêu thụ nên giảm bớt phụ tải đỉnh của hệ thống điện tại các giờ cao điểm; huy động được nguồn lực đầu tư xã hội vào nguồn điện phân tán, giảm áp lực đầu tư từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), góp phần bảo đảm cung cấp điện; gia tăng hạn ngạch và lợi thế cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu khi áp dụng tín chỉ xanh và góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến cam kết của Việt Nam không phát thải carbon vào năm 2050.
Đồng chí khẳng định, việc Chính phủ ban hành Nghị định 135 là rất cần thiết, kịp thời, có ý nghĩa rất lớn, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển điện MTMN, đáp ứng một phần nguồn điện tại chỗ nhằm bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.
Đồng chí lưu ý: Việc tiếp nhận, xử lý, cấp mới, điều chỉnh, bổ sung và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký phát triển điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ thực hiện đúng quy trình, quy định của Nghị định 135.
Đại diện Công ty TNHH Công nghệ chính xác Fuyu KCN Quang Châu (thị xã Việt Yên) nêu ý kiến. |
Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và sở liên quan: Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Ban Quản lý Các KCN tỉnh; Công an tỉnh; Công ty Điện lực Bắc Giang; UBND huyện, thị xã, TP trong thực hiện quy trình, thủ tục đăng ký, đầu tư, xây dựng và kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn, phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường trong quá trình lắp đặt, vận hành điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Các sở, ngành, địa phương hướng dẫn và thực hiện thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực cho đối tượng là tổ chức, cá nhân (thuộc đối tượng phải cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định tại Nghị định 135) đăng ký phát sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia bảo đảm đúng quy định của pháp luật về điện lực.
Công ty Điện lực Bắc Giang chủ động phối hợp với UBND các huyện, thị xã, TP hướng dẫn, thực hiện nghiệm thu lắp đặt điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ của hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ và đối tượng được UBND huyện, thị xã, TP cấp phép xây dựng.
Các tổ chức, cá nhân, DN, hộ gia đình có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi đầu tư và vận hành điện MTMN tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Ý kiến bạn đọc (0)