Mô hình liên kết dân cư: Sức mạnh cộng đồng trong bảo đảm an ninh
BẮC GIANG - Cùng với công tác đấu tranh, ngăn chặn các loại tội phạm, các địa phương trong tỉnh đã quan tâm xây dựng, phát huy hiệu quả các mô hình cụm dân cư liên kết, tổ liên gia bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) theo hướng “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”. Qua đó huy động sức dân cùng tham gia giữ bình yên cuộc sống.
Huy động sức dân
Tổ dân phố Nội Ninh, phường Ninh Sơn (thị xã Việt Yên) có 487 hộ dân với 1.857 nhân khẩu. Địa bàn có tuyến đường vành đai IV đi qua, nhiều đối tượng lợi dụng vị trí giao thông thuận tiện để hoạt động phạm tội, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT. Trước tình hình trên, Công an phường tham mưu UBND phường ra quyết định thành lập mô hình tự quản về ANTT và phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Tháng 7/2023, mô hình tự quản về ANTT và PCCC tổ dân phố Nội Ninh kiện toàn lại theo hướng dẫn của UBND tỉnh với 15 thành viên, hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban điều hành. Thành viên chủ chốt là bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và các tổ trưởng tổ tự quản như: Tổ cựu chiến binh, tổ liên gia PCCC, tổ camera an ninh.
Các thành viên mô hình tự quản về ANTT và PCCC ở tổ dân phố Nội Ninh, phường Ninh Sơn (thị xã Việt Yên) trao đổi kinh nghiệm phòng, chống tội phạm. |
Dưới sự hướng dẫn của Công an phường, mô hình tự quản duy trì hoạt động hiệu quả; phân công nhiệm vụ cụ thể qua nhóm Zalo; tự đóng góp kinh phí trang bị công cụ, phương tiện. Ngay từ khi đi vào hoạt động, các thành viên thường xuyên tuần tra theo kế hoạch; dùng loa cầm tay để tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm; vận động người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, bảo quản tài sản. Ông Đoàn Văn Toan, Tổ trưởng tổ dân phố Nội Ninh nói: “ANTT tại tổ dân phố được bảo đảm nhờ sự góp sức của tất cả người dân, nhất là thành viên các tổ tự quản về ANTT ở cơ sở. Nhiều năm nay, địa phương không xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT, không có tội phạm, tệ nạn ma túy. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển”.
Xã Hương Sơn (Lạng Giang) có địa hình phức tạp với nhiều tuyến đường liên huyện, liên xã đi qua. Nhiều đối tượng tội phạm đến đây trà trộn tổ chức đánh bạc, trộm cắp tài sản, mua bán trái phép chất ma túy... Trong đó nổi lên tình hình ANTT tại thôn Càn khá phức tạp. Từ thực tế đó, ngày 10/1/2020, Công an xã Hương Sơn đã tham mưu thành lập mô hình “Tổ tuần tra nhân dân" thôn Càn. Tổ gồm 10 thành viên, nòng cốt là cựu chiến binh, lực lượng bảo vệ ANTT tại thôn. Tổ được trang bị một số công cụ hỗ trợ từ nguồn xã hội hóa.
Theo lãnh đạo UBND xã Hương Sơn, tổ đã tích cực tuyên truyền, cảm hóa, hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng chấp hành án treo và người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương; hòa giải các vụ mâu thuẫn phát sinh liên quan đến ANTT và bảo vệ hiện trường các vụ tai nạn giao thông... Qua 4 năm, tổ đã phối hợp với lực lượng công an xã tổ chức 315 buổi tuần tra với hơn 2 nghìn lượt thành viên tham gia; phát hiện, phối hợp bắt giữ 4 vụ, 8 đối tượng trộm cắp tài sản, tàng trữ trái phép chất ma túy, đánh bạc trái phép. Các thành viên của tổ đã chủ động nắm tình hình, vận động nhân dân cung cấp 11 tin báo, trong đó 5 tin có giá trị, giao nộp 2 khẩu súng tự chế, 45 viên đạn các loại, 18 dao kiếm các loại.
Nâng cao chất lượng mô hình
Thực hiện Đề án 201/ĐA-UBND ngày 14/7/2020 của UBND tỉnh về nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) giai đoạn 2020-2025, hiện toàn tỉnh duy trì hoạt động 3.421 mô hình tự quản ANTT, 5.428 tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm ANTT.
Các mô hình tự quản về ANTT và PCCC ở khu dân cư thực hiện nhiệm vụ vận động thành viên, cán bộ, đảng viên, nhân dân chấp hành quy định pháp luật với phương châm “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”; nắm bắt tình hình, kịp thời trao đổi với lực lượng công an, cấp ủy, chính quyền địa phương để giải quyết các vụ việc ngay từ cơ sở. Các tổ đã phối hợp tuần tra, canh gác bảo đảm ANTT, kịp thời có mặt ngay khi vụ việc xảy ra, ngăn chặn nhằm hạn chế hậu quả, bảo vệ hiện trường. Hòa giải các mâu thuẫn, không để nảy sinh những vấn đề phức tạp làm ảnh hưởng đến tình hình ANTT; phối hợp quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương hòa nhập cộng đồng.
Qua duy trì, phát triển mô hình tự quản về ANTT, nhiều địa phương đã rút ra những kinh nghiệm quý. Như ở huyện Lục Nam, để nhân rộng các mô hình, trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu việc bảo đảm an ninh, an toàn cho cộng đồng, xã hội là trách nhiệm của tất cả mọi người, không phải là trách nhiệm của riêng lực lượng công an. Mỗi người dân tích cực tham gia phát hiện, đấu tranh, tố giác tội phạm tùy theo năng lực, sở trường của bản thân. Kịp thời phát hiện, biểu dương điển hình cá nhân, tập thể có thành tích đóng góp bảo đảm ANTT địa phương. Tùy theo đặc điểm địa phương, tổ chức vận động nguồn xã hội hóa để hỗ trợ, động viên các thành viên ở mỗi mô hình.
Đại tá Đỗ Đức Trịnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, mô hình hoạt động cần phải đặt dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Các mô hình tăng cường ứng dụng tiện ích của mạng xã hội, kết nối, trao đổi thông tin kịp thời giữa các thành viên với lực lượng công an và người dân. Từ đó dựa vào thế trận lòng dân để phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh, đáp ứng yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới.
Ý kiến bạn đọc (0)