Triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo phục vụ người bệnh tại Sơn Động
Đây là kỹ thuật khó được triển khai tại tuyến huyện thuộc địa bàn vùng cao, thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của ngành y tế trong đầu tư cơ sở vật chất, trang bị máy móc kỹ thuật, đào tạo nhân lực.
Kiểm tra thiết bị phục vụ chạy thận nhân tại tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động. |
Được biết, từ nguồn ngân sách cấp, đơn vị đã đầu tư hệ thống gồm 5 máy chạy thận nhân tạo hiện đại và các trang thiết bị phụ trợ phục vụ bệnh nhân lọc máu chu kỳ với trị giá gần 4 tỷ đồng.
Huyện Sơn Động hiện có 30 bệnh nhân đang phải lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn.
Trung bình, mỗi bệnh nhân phải thực hiện chạy thận từ 2-3 lần/tuần, mỗi lần chạy từ 3-4 tiếng. Với tần suất liên tục như vậy, việc có thể điều trị ngay tại địa phương giúp người bệnh giảm thiểu thời gian, chi phí, giảm tải cho tuyến trên.
Không chỉ phục vụ bệnh nhân suy thận mạn tính có chỉ định lọc máu chu kỳ, hệ thống máy chạy thận nhân tạo còn đáp ứng các tình huống cấp cứu khẩn cấp các ca ngộ độc bởi hoá chất, chất độc.
Để triển khai kỹ thuật này, Trung tâm đã thành lập đơn vị Thận nhân tạo thuộc Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Trước đó, Trung tâm đã cử 5 bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo kỹ thuật cơ bản tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và kỹ thuật nâng cao ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Để bảo đảm an toàn theo quy chuẩn, ngày 14/10, Sở Y tế thẩm định hệ thống chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Sơn Động.
Hiện nay, toàn tỉnh có 6 cơ sở y tế thực hiện kỹ thuật này là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh và trung tâm y tế các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn, Hiệp Hòa, Sơn Động.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)