Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã
Tối 2/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã (2/12/1964 - 2/12/2024) do Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Uỷ ban Nhân dân, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.
Dự Lễ kỷ niệm có: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng Lê Hồng Anh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Bình Giã. |
Các Ủy viên Bộ Chính trị: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Cùng dự có: Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Trịnh Văn Quyết; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các địa phương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; đặc biệt có sự tham dự của những người tham gia, làm nên chiến thắng Bình Giã 60 năm trước.
Diễn văn Lễ kỷ niệm do Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh nêu rõ, cuối năm 1964, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta đang trong giai đoạn ác liệt, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chỉ đạo mở các chiến dịch tiến công trên chiến trường miền Nam nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực quân đội Sài Gòn, hỗ trợ nhân dân phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, củng cố, nối liền các khu căn cứ.
Với tinh thần quyết tâm cao, từ ngày 2/12/1964 đến ngày 3/1/1965, Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền đã mở Chiến dịch Bình Giã trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa và hai huyện phía Nam Bình Thuận.
Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, Đảng bộ tỉnh Bà Rịa đã triển khai kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng, bảo đảm tuyệt đối bí mật, phục vụ hậu cần kịp thời cho chiến dịch. Đồng thời, gấp rút thành lập các đơn vị dân công hỏa tuyến phục vụ chiến dịch. Bộ đội địa phương tỉnh, huyện và du kích các xã xây dựng phương án phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực, kết hợp tiến công các cứ điểm quân sự trên địa bàn, phá rã các ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng.
Chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi, phá vỡ từng mảng ấp chiến lược, góp phần đẩy nhanh sự phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, mở ra những điều kiện quan trọng để quân và dân Miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh”, đi đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Theo Bí thư Phạm Viết Thanh, kế thừa truyền thống và những bài học kinh nghiệm từ Chiến thắng Bình Giã, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã đoàn kết, năng động, sáng tạo vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, giành được những thành quả phát triển trên mọi lĩnh vực; là một trong những tỉnh có tốc độ phát triển cao.
Bà Rịa - Vũng Tàu luôn quán triệt và thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng nỗ lực, phấn đấu phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của quốc gia và khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ; quyết tâm và sẵn sàng tâm thế cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ tự hào, xúc động về những năm tháng hào hùng chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, tiếp nối hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chào mừng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Theo Thủ tướng, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, Bà Rịa - Vũng Tàu là căn cứ địa quan trọng, là cửa ngõ tiếp tế bằng đường biển vào miền Đông Nam Bộ với các “Chuyến tàu không số”, là hành lang chiến lược nối chiến khu Đ với vùng cực Nam Trung Bộ, tạo địa bàn đứng chân cho lực lượng vũ trang, làm bàn đạp tiến công vào sào huyệt kẻ thù.
Đây cũng là vành đai xung yếu bao quanh Sài Gòn, trọng điểm phòng thủ của địch; địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Nhiều địa danh lịch sử ở Bà Rịa - Vũng Tàu khắc ghi ý chí quật cường, tinh thần yêu nước, sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước mà chúng ta mãi mãi biết ơn vô hạn, trân trọng và có trách nhiệm giữ gìn, phát huy trong thời gian tới.
Quân và dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần trung dũng, kiên cường, bất khuất của những tấm gương anh hùng, dũng cảm như các chiến sĩ nhà tù Côn Đảo, Liệt sĩ Võ Thị Sáu - Người con của quê hương đất Đỏ anh hùng, để lập những chiến công vẻ vang, trong đó có Chiến thắng Bình Giã oai hùng.
Thủ tướng cho biết, Chiến thắng Bình Giã có ý nghĩa chiến lược to lớn, khẳng định sự phát triển mọi mặt của cách mạng miền Nam; làm thất bại cơ bản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và tạo ra những tiền đề quan trọng cho những thắng lợi tiếp theo. Sau Chiến thắng Bình Giã, chính Bộ Quốc phòng Mỹ cũng phải thú nhận: “Mối thất vọng của Washington đối với tình hình quân sự càng tăng lên khi quân đội Sài Gòn bị một cú thất bại trông thấy trong trận đánh ác liệt ở Bình Giã”.
Chiến thắng Bình Giã để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và phát triển đất nước ngày nay.
Đó là sự sáng tạo trong xây dựng đường lối cách mạng và trong tổ chức, chỉ đạo chiến dịch và xây dựng lực lượng vũ trang; sự phát huy sức mạnh tổng hợp của tinh thần yêu nước, khối đoàn kết quân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; bản lĩnh, trí tuệ, sức mạnh, niềm tự hào, tự tôn, tinh thần tự lực, tự cường, nghị lực không lùi bước trước khó khăn và ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta.
Nêu bài học và kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Bình Giã để nghiên cứu, vận dụng sáng tạo, hiệu quả trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc ta, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chiến thắng Bình Giã đi vào lịch sử và là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, toàn bộ miền Nam thân yêu và cả nước nói chung.
Bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với công lao to lớn của các bậc tiền bối, Anh hùng liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, dân quân, dân công hỏa tuyến, các đồng chí thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, cùng toàn thể đồng bào đã quên mình chiến đấu, hy sinh, làm nên Chiến thắng Bình Giã oanh liệt, oai hùng, Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ niềm tự hào và phát huy truyền thống hào hùng trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, với khí chất của những con người vùng đất “Miền Đông gian lao mà anh dũng”, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu đã phát huy thuận lợi, khơi dậy tiềm năng, tạo nên những bước phát triển đột phá, toàn diện về mọi mặt.
Thủ tướng tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng và những thành tựu đã đạt được để bứt phá vươn lên, phát triển mạnh mẽ, xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng, một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội trong khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước.
Tại Lễ kỷ niệm các đại biểu được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc có chủ đề “60 năm bản hùng ca Chiến thắng Bình Giã”.
* Trước đó, tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu đã dâng hoa, viếng các anh hùng liệt sĩ tại Tượng đài Chiến thắng Bình Giã.
Ý kiến bạn đọc (0)