Đưa kỹ thuật thận nhân tạo về tuyến huyện: Giảm gánh nặng cho người bệnh
Niềm vui của người bệnh
Những năm trước đây, bệnh nhân suy thận mạn tính ở các huyện đều phải lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh hay ra bệnh viện tuyến T.Ư để chạy thận nhân tạo. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực tại một số trung tâm y tế huyện để phục vụ bệnh nhân lọc máu chu kỳ.
Thực hiện kỹ thuật chạy thận nhân tạo tại Trung tâm Y tế huyện Tân Yên. |
Tháng 5/2020, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên thành lập đơn vị Thận nhân tạo thuộc Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc. Căn phòng hiện đại nằm yên tĩnh phía sau phòng hồi sức được lắp đặt hệ thống 5 máy lọc máu nhân tạo để phục vụ bệnh nhân suy thận mạn tính giai đoạn cuối. Bà Nguyễn Thị Lan (SN 1962) ở xã Ngọc Châu là một trong những bệnh nhân đầu tiên đăng ký lọc máu tại Trung tâm. Cách đây 5 năm, bà bị suy thận phải chạy thận nhân tạo để kéo dài sự sống.
Bà Lan kể: “Tuần ba lần tôi phải đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những hôm mệt mỏi, phải ở trọ lại TP Bắc Giang để chờ đến kỳ lọc máu tiếp theo. Rất mừng, gần đây kỹ thuật này được thực hiện ở tuyến huyện, thuận lợi cho người bệnh không phải đi lại tốn kém, vừa giảm tải cho tuyến trên”. Ở đây, với số lượng bệnh nhân không đông nên bác sĩ, điều dưỡng giành nhiều thời gian chăm sóc chu đáo từng bệnh nhân trong quá trình lọc máu, tận tình hướng dẫn cách thức ăn uống, sinh hoạt phù hợp với người suy thận.
Được biết, hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên đang lọc máu chu kỳ cho 12 bệnh nhân. Tuy nhiên, với số lượng 5 máy chạy thận hiện có, Trung tâm chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của người bệnh.
Trung tâm Y tế huyện Yên Thế là đơn vị tuyến huyện đầu tiên trên địa bàn tỉnh triển khai kỹ thuật lọc máu chu kỳ từ tháng 5/2017. Tại đây có 10 máy chạy thận nhân tạo (trong đó có 5 máy của nhà nước và 5 máy từ nguồn xã hội hóa) phục vụ điều trị cho 31 bệnh nhân suy thận mạn tính trên địa bàn và các huyện lân cận như: Tân Yên, Hữu Lũng (Lạng Sơn). Ông Đặng Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện cho biết: “Mục tiêu của đơn vị là phát triển các kỹ thuật chuyên sâu để phục vụ thuận lợi cho bệnh nhân. Đây còn là cơ hội cho đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng tiếp cận học hỏi, nâng cao trình độ, nhất là lĩnh vực khó, tuyến huyện chưa triển khai”.
Đến tháng 9/2020, toàn tỉnh có ba cơ sở y tế tuyến huyện (Tân Yên, Yên Thế, Lục Ngạn) thực hiện kỹ thuật lọc máu. Sắp tới, Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa cũng sẽ đưa kỹ thuật này vào thực hiện. Được biết, Trung tâm đang lắp đặt hệ thống 5 máy chạy thận nhân tạo hiện đại và các trang thiết bị phụ trợ và cử nhóm 5 bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo, học tập, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật cơ bản từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh và kỹ thuật nâng cao từ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đây là tin vui cho người dân mắc bệnh suy thận trên địa bàn huyện.
Giảm chi phí điều trị
Thực tế, bệnh nhân được chỉ định lọc máu ngoài thận đều phải điều trị lâu dài, không còn nhiều thời gian và sức lực để lao động kiếm sống, phải nương tựa vào người thân nên phần lớn đều nghèo khó, khánh kiệt kinh tế theo thời gian điều trị. Mặc dù có thẻ BHYT nhưng hằng tháng bệnh nhân vẫn phải mua thêm thuốc ngoài danh mục BHYT. Dù tằn tiện, mỗi người cũng phải chi thêm 3-4 triệu đồng hằng tháng, nếu bệnh tiến triển nặng còn tốn kém hơn nhiều. Thêm vào đó, các ca bệnh lọc máu suốt thời gian dài dễ mắc các biến chứng như: Tổn thương thần kinh ngoại biên, mất ngủ, ngứa toàn thân, cục máu đông, cao huyết áp kháng trị, cường tuyến cận giáp.
Theo bác sĩ, nguyên nhân dẫn đến suy thận cấp do thiếu lưu lượng máu đến thận, bệnh lý tại thận gây ra, tắc nghẽn nước tiểu. Các ca thường gặp là suy thận do bị chấn thương gây mất máu, mất nước; nhiễm trùng huyết; phì đại tuyến tiền liệt; uống thuốc hoặc nhiễm chất độc; biến chứng thai kỳ. Để phòng bệnh, mọi người cần giữ huyết áp ổn định, kiểm soát lượng đường và cholesterol trong máu; thể dục hằng ngày, giữ cân nặng phù hợp, không hút thuốc lá, chế độ ăn ít muối, đạm, dầu mỡ. |
Hiện nay, hàng trăm người bệnh ở các huyện phải thuê trọ gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh để tiện điều trị, tập trung tại những con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Văn Cừ, Lê Lợi thuộc hai phường Hoàng Văn Thụ và Lê Lợi mà mọi người vẫn gọi là những “xóm chạy thận”. Bên cạnh đó, còn nhiều bệnh nhân là người Bắc Giang có biến chứng nặng đang phải chạy thận tại các bệnh viện ở Hà Nội.
Vì vậy, việc đưa kỹ thuật lọc máu chu kỳ về thực hiện tại các trung tâm y tế tuyến huyện là cơ hội để những bệnh nhân suy thận mạn tính có điều kiện khám, chữa bệnh gần nhà, đặc biệt là giảm chi phí. Đây là bước tiến quan trọng trong việc ứng dụng thành tựu y học hiện đại vào hoạt động điều trị tại tuyến y tế cơ sở. Dù vậy, do các cơ sở tuyến huyện mới lắp đặt được rất ít máy lọc thận, chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu trong khi số lượng người có chỉ định thực hiện kỹ thuật này toàn tỉnh hiện có gần 500 người. Số bệnh nhân đang phải lọc máu chu kỳ ở các cơ sở y tế trong và ngoài tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Y tế, đây là kỹ thuật khó, chưa thực hiện thường quy tại tuyến huyện nhưng với năng lực hiện nay có thể triển khai được ở tất cả các huyện. Để triển khai rộng khắp và tăng năng lực điều trị, thời gian tới, từ nguồn kinh phí tự chủ và xã hội hóa, trung tâm y tế tuyến huyện tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm bổ sung máy chạy thận, cử bác sĩ, kỹ thuật viên chuyên khoa ngoại thận- tiết niệu đi đào tạo kỹ thuật tại các bệnh viện đầu ngành.
Để tránh sự cố y khoa gây nguy hiểm tính mạng cho bệnh nhân, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thực hiện đúng quy trình kiểm tra các chỉ số tiêu chuẩn trước khi vận hành. Trong đó đặc biệt chú trọng đến chất lượng nguồn nước, dịch truyền, bảo dưỡng máy móc, trang thiết bị.
Dịp này, để phòng dịch bệnh, các đơn nguyên thận nhân tạo tuyến huyện yêu cầu bệnh nhân trước khi vào phòng lọc máu bắt buộc khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang. Trung tâm bố trí giãn cách khu vực ngồi chờ, nghỉ ngơi, tăng cường khử khuẩn buồng phòng, máy móc để phòng, chống nguy cơ lây nhiễm chéo.
Minh Thu
Ý kiến bạn đọc (0)