Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Bắc Giang
Tam tòa Thánh Mẫu- ba vị Thánh tối linh trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. |
Thờ Mẫu là một tín ngưỡng có từ lâu đời trong đời sống tinh thần của người dân ở Bắc Giang. Qua tín ngưỡng thờ Mẫu, hình ảnh người phụ nữ, người mẹ được tôn kính đề cao, thấy được vai trò của người phụ nữ trong xã hội từ xưa tới nay. Ở Bắc Giang có nhiều nơi thờ Mẫu, chủ yếu trong các ngôi đền, chùa và điện...
Dọc theo các mạch con sông lớn (sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam) từ thượng nguồn tới hạ nguồn có rất nhiều ngôi đền thờ Mẫu tiêu biểu như đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), đền Nguyệt Hồ, xã Hương Vĩ (Yên Thế), đền Từ Mận, xã Xuân Hương (Lạng Giang), đền Đà Hy, xã Lãng Sơn (Yên Dũng), đền Phủ (TP Bắc Giang) và nhiều điểm di tích khác.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời trong môi trường tín ngưỡng dân gian. Nó bắt nguồn từ việc thờ thần tượng và thờ người có công giúp nước. Trong nghi thức Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, đáng quan tâm là ba vị tam toà Thánh Mẫu: Mẫu Thượng Thiên (sáng tạo bầu trời và mây mưa sấm chớp) luôn được thờ ở vị trí trung tâm. Mẫu Thượng Ngàn trông coi miền rừng núi, địa bàn sinh sống chính của nhiều dân tộc thiểu số.
Có nhiều truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn nhưng trung tâm chính ở miền Bắc vẫn là đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương (Lục Nam). Tài liệu xưa ghi chép lại, đền Suối Mỡ là nơi thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, từng được sắc phong của các triều vua là: “Thần thông quảng đại càn, thập nhị tôn nàng Vực Mỡ”. Đó là công chúa Quế Mỵ Nương, con gái vua Hùng Định Vương và 12 thị nữ theo hầu Bà đã có công giúp dân mở suối, mang lại nguồn nước, lương thực cho nhân dân ấm no. Để tưởng nhớ công chúa Quế Mỵ Nương, người dân nơi đây đã xây dựng một quần thể di tích bên dòng Suối Mỡ, tôn thờ Nàng và suy tôn là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Mẫu Thoải trông nom sông nước cũng có nhiều nguồn gốc theo các dị bản khác nhau.
Trong nghiên cứu hầu đồng của nhà nghiên cứu M.Durand người Pháp, Mẫu Thoải gắn với tình tiết mang tính gia đình thời hiện đại. Theo đó, Mẫu Thoải chính là con gái Long Vương tại Động Đình Hồ. Bà rất yêu chồng là hoàng tử Kinh Xuyên, song lại bị vợ hai vu cáo không chung thủy. Kinh Xuyên nhốt bà vào cũi mang thả trong rừng cho thú ăn thịt nhưng chúng lại mang hoa quả về nuôi bà. Sau này được cứu thoát, bà được suy tôn là Mẫu Thoải - Mẹ Nước, tại đền Đà Hy, xã Lãng Sơn (Yên Dũng) thờ vị Thánh Mẫu này. Ngôi đền còn thờ các vị tướng soái và công chúa nhà Trần là Trần Tuấn Sơn, Phu Nhân và Hoàng Cô công chúa.
Theo thời gian, các tầng lớp văn hoá dân gian được bao trùm lên theo lịch sử của dân tộc và cũng không biết từ bao giờ, ngôi đền đã là nơi tôn thờ Thánh Mẫu (tâm điểm ở đây là Mẫu Thoải phủ) gắn với sông nước (sông Thương). Trên chính điện của ngôi đền này có đặt bài vị chữ Hán ghi rõ: “Chính cung Hoàng hậu Mẫu Đệ Tam quốc vương Động đình, Thuỷ phủ, Bát hải, Long vương, điện phủ đền Đà Hy”.
Trong Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không thể thiếu được nghi thức hầu đồng. Đàn lễ hầu đồng có thầy pháp sư làm lễ trước sau đó thanh đồng vào lễ hầu theo từng giá, có cung văn đàn, nhạc, hát, thỉnh tam tòa Thánh Mẫu và hát lời văn theo từng giá đồng kể lại sự tích công trạng của các nhân vật lịch sử. Thanh đồng khi diễn xướng sẽ hóa thân thành một ông Hoàng, một bà Chúa, một vị Quan lớn, một vị tướng, lúc lại là một cô gái chèo đò hay một cậu bé múa hèo... Trong khóa lễ thường có nghi thức tung tiền lẻ ban phát cho những người xung quanh. Những nắm tiền này được coi là tiền lộc và được những người đứng xem nhặt cất giữ để lấy may.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong sinh hoạt tín ngưỡng dân gian đã xuất hiện từ lâu đời ở Bắc Giang và tồn tại đến ngày nay. Diễn xướng hầu đồng giúp cho quần chúng hiểu những câu chuyện lịch sử, những chiến công oanh liệt của dân tộc trong chống giặc ngoại xâm và mang nhiều yếu tố văn hóa dân gian bản địa gắn liền với lịch sử dân tộc. Nó có thể được coi là đạo nội, tồn tại và có sức sống lâu bền trong nhân dân, vì vậy việc gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là rất cần thiết.
Đồng Ngọc Dưỡng
Ý kiến bạn đọc (0)