Tiết Nghĩa Đại Vương - Đàm Thận Huy
Tam Môn - di tích quốc gia đền thờ cụ Đàm Thận Huy. |
Theo nhiều tài liệu cho biết: Đàm Thận Huy mồ côi cha từ khi còn thơ ấu. Khoa thi năm Canh Tuất, Hồng Đức thứ 21 (1490), Đàm Thận Huy tham dự kỳ thi Hội đã trúng cách, thi Đình đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Đàm Thận Huy có vợ là Nghiêm Thị hiệu Từ Thuận, em gái của Tiến sĩ Hoàng Giáp Nghiêm Ích Khiêm (1459-1499), đồng khoa với Đàm Thận Huy.
Sau khi thi đỗ, Đàm Thận Huy ra làm quan phụng sự đất nước, trải qua sáu đời vua Lê: Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Lê Túc Tông, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông. Vì là người nổi tiếng giỏi thơ nên năm Ất Mão (1495) ông tham gia hội Tao đàn nhị thập bát tú (Hai mươi tám ngôi sao sáng về văn thơ Triều Lê) và được vua Lê Thánh Tông ban khen là “Thiên hạ đệ nhất thi nhân” (tức người hay thơ nổi tiếng nhất trong thiên hạ). Tác phẩm tiêu biểu của ông còn để lại cho đời là 12 bài thơ trong "Quỳnh uyển cửu ca" và chùm thơ ba bài...
Năm Tân Mùi (1511), sau mấy năm phụng mệnh đi sứ Trung Hoa thời nhà Minh trở về nước, ông được vua Lê phong chức Thượng Thư Bộ Lại kiêm chức Tư triều văn quán Tư Lâm Cục. Đàm Thận Huy là người có tư tưởng trung quân sâu sắc. Theo gia phả họ Đàm ở Hương Mạc, năm 1522, vua Lê Chiêu Tông trốn khỏi tay quyền thần Mạc Đăng Dung ra ngoài tập hợp tướng sĩ các trấn Cần Vương, đã có mật chiếu giao cho Đàm Thận Huy việc xây dựng căn cứ tổ chức lực lượng Cần Vương ở hai huyện Yên Thế và Tân Yên ngày nay. Vâng chiếu, ông đã chiêu mộ được hơn 30 người cùng làng theo mình lên Bắc Giang gây dựng một đạo nghĩa binh khoảng 6.000 người đưa về Gia Lâm giao chiến với Mạc Đăng Dung. Đã có lúc các lực lượng Cần Vương chiếm ưu thế trước họ Mạc, nhưng sau vì quân ít, thế yếu, ông đã không địch nổi họ Mạc, phải rút về căn cứ ở hai xã Song Vân và Ngọc Thiện, huyện Tân Yên bây giờ. Nhận thấy đã đến lúc thế cùng lực kiệt, vào nửa đêm ngày mùng 3 tháng 8 năm Bính Tuất (1526), Đàm Thận Huy đã hướng về nơi phát tích Lam Sơn của nhà Lê khóc lạy rồi uống thuốc độc tự tử để giữ khí tiết trung thần tại khu rừng Lăng Cao, cách phủ Mọc không xa, nay là làng Chợ, xã Cao Xá (Tân Yên), gần ngòi Bến Ghềnh. Năm đó Đàm Thận Huy 64 tuổi.
Khi Đàm Thận Huy mất, hai người con gái của ông là Đàm Thị Dung Hoa và Đàm Thị Quế Hoa tiếp tục cầm quân chống giặc thêm ba ngày nữa. Khi lên đến bản Diễn, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế ngày nay, biết không thể chiến đấu được nữa, hai nàng mới chịu tuẫn mình xuống dòng sông Sỏi bảo toàn danh tiết. Để tưởng nhớ công ơn hai người phụ nữ ưu tú đó, người dân địa phương lập đền tôn thờ với tên gọi là Cầu Khoai hay còn gọi là đền Cô. Sau này nhân dân địa phương lại dựng thêm một ngôi chùa phía sau đền thờ gọi là chùa Hoài Âm để cầu báo ân đức và lưu giữ tiếng thơm của hai cô con gái họ Đàm đã hy sinh ở vùng đất này.
Đàm Thận Huy là một danh thần, có nhiều công với dân với nước, từng được Vua Lê Trung Hưng xếp vào hàng Kiệt Tiết, Dực Vận Tán Trị Công thần, tước phong Thiếu bảo Lâm Xuyên Hầu, Tiết Nghĩa Đại Vương. Người vợ của Đàm Thận Huy mất khi cùng chồng kháng cự với quân Mạc trên đất Thọ Thành-Yên Thế, được phong vương cùng chồng. Đây là trường hợp hy hữu mà một người phụ nữ Việt Nam được phong vương.
Để tri ân Đàm Thận Huy, nhà vua cho xây dựng ở quê ông đền Tiết Nghĩa Từ. Đền thờ được xếp hạng di tích lịch sử danh nhân văn hoá quốc gia, tại đây lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật. Tại TP Bắc Giang, đoạn đường chạy từ đầu cầu sông Thương đến Cầu Chui (thuộc phường Trần Phú) được vinh dự mang tên ông.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Cần
Ý kiến bạn đọc (0)