Tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản
Đại biểu cho rằng, để đạt được mục đích của việc sửa đổi, bổ sung được Chính phủ xác định trong Tờ trình và trước yêu cầu thực tiễn của hoạt động đấu giá tài sản; khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để thúc đẩy hoạt động đấu giá tài sản theo hướng chuyên nghiệp hóa, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá tài sản, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu mở rộng phạm vi nội dung sửa đổi, bổ sung Luật.
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà phát biểu tại hội trường. |
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 25 điều, khoản; bổ sung 1 điều mới trên tổng số 81 Điều của Luật Đấu giá tài sản hiện hành và bổ sung, thay thế một số cụm từ, bãi bỏ một số điểm, khoản, điều của Luật hiện hành. Tuy nhiên, nghiên cứu một số tài liệu trong hồ sơ dự án Luật; kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 và nhất là tình hình thực tiễn thi hành Luật cho thấy:
Cần tiếp tục đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn về tình hình, kết quả thi hành Luật này để từ đó nhận diện rõ, đầy đủ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung; tiếp tục rà soát và cập nhật, xử lý đầy đủ kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đấu giá và các quy định có liên quan đến đấu giá theo Nghị quyết số 101/2023/QH15.
Đối với một số nội dung quy định đã được dự thảo trong Luật cũng cần tiếp tục được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung toàn diện hơn. Đồng thời cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu để bổ sung thêm các nội dung khác để sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật lần này.
Đơn cử, từ quy định của pháp luật hiện hành và từ thực tiễn công tác quản lý nhà nước về đấu giá tài sản ở địa phương, đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật này 4 nội dung sau:
Một là, cần bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ người trúng đấu giá tài sản (Điều 48 Luật hiện hành tuy nhiên dự thảo Luật này chưa đề cập đến). Thực tiễn thi hành Luật cho thấy, vẫn còn tình trạng chưa thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chưa nghiêm, nhất là tình trạng trúng đấu giá nhưng không mua tài sản đã trúng đấu giá, nhất là tình trạng trả giá cao bất thường rồi bỏ tiền đặt trước, gây lũng đoạn thị trường; chuyển nhượng tài sản trúng đấu giá sau khi trúng đấu giá khi tài sản đó chưa đủ điều kiện chuyển nhượng; tình trạng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính sau khi trúng đấu giá… Do đó, cần phải có đánh giá và đánh giá kỹ thực trạng này trong quá trình thi hành Luật thời gian qua.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, tiếp tục quy định đầy đủ nghĩa vụ của người trúng đấu giá, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung thêm vào dự thảo Luật này quy định về 4 vấn đề: Quy định về chuyển nhượng quyền trúng đấu giá; quy định về việc phạt vi phạm nghĩa vụ trong hoạt động đấu giá theo hướng quy định điều khoản phạt trong trường hợp trúng đấu giá nhưng không mua tài sản, mức tiền phạt vi phạm; bổ sung chế tài xử lý vi phạm theo hướng không được tham gia đấu giá trong một thời hạn nhất định đối với một số trường hợp vi phạm; đặc biệt, đề nghị cần bổ sung ngay trong Luật này quy định về thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính trong trường hợp trúng đấu giá theo hướng trong thời hạn không quá 30 hoặc 45 ngày (thay cho chậm nhất 90 ngày hay 120 ngày như quyết định hiện hành), kể từ ngày ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, người trúng đấu giá phải nộp 100% tiền sử dụng đất (thay cho nộp 2 lần như quy định hiện hành) và đặc biệt cần có quy định giao quyền cho người có tài sản đấu giá quyết định thời gian cụ thể trong phương án đấu giá tùy thuộc vào từng loại tài sản đấu giá; nếu quá thời gian này mà không thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải hủy kết quả đấu giá.
Hiện nay, thời gian nộp tiền sử dụng đất sau đấu giá đang được quy định tại các Nghị định gồm: Nghị định số 126/2020/NĐ-CP, Nghị định 148/2020/NĐ-CP, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, tuy nhiên có các vấn đề phát sinh như còn có mâu thuẫn, chưa thống nhất giữa các Nghị định này; việc quy định thời hạn này chia làm 2 đợt để nộp tiền gây khó khăn trong quá trình xác định thời điểm vi phạm nghĩa vụ tài chính để hủy kết quả trúng đấu giá; thời gian nộp tiền sau trúng đấu giá như hiện nay là quá dài, ảnh hướng lớn tới công tác thu ngân sách nhà nước sau đấu giá của địa phương; gây khó khăn cho việc theo dõi tình hình thu nộp tiền sử dụng đất nhiều bất cập và mất nhiều thời gian; đồng thời là kẽ hở để phát sinh tình trạng một số tiêu cực, hạn chế trong hoạt động đấu giá; thực tiễn xác định thời gian nộp tiền trúng đấu giá ở các địa phương đang có sự khác nhau…
Do đó, đại biểu cho rằng cần thiết quy định thời hạn thực hiện nghĩa vụ tài chính của người trúng đấu giá trong chính Luật này. Trong khi chờ Luật có hiệu lực thì đề nghị Chính phủ sửa đổi các Nghị định nêu trên quy định về thời gian nộp tiền theo hướng như nội dung đề xuất ở trên để kịp thời khắc phục những khó khăn trong quá trình thực hiện.
Hai là, bổ sung quy định về Phiếu trả giá, trong đó quy định nội dung của Phiếu, trường hợp Phiếu hợp lệ, Phiếu không lệ. Hiện nay Luật Đấu giá tài sản năm 2016 chưa có quy định cụ thể về nội dung này, việc xác định Phiếu hợp lệ dựa vào quy chế cuộc đấu giá. Trong khi đó, quy định về Quy chế đấu giá tại khoản 2 Điều 34 Luật đấu giá tài sản không có nội dung về Phiếu đấu giá hợp lệ dẫn đến một số tổ chức đấu giá quy định không thống nhất, không rõ ràng về phiếu hợp lệ trong Quy chế đấu giá. Đây là nội dung rất quan trọng, là cơ sở để xác định người trúng đấu giá trong cuộc đấu giá, do đó cần phải được quy định cụ thể ngay trong Luật này.
Ba là, bổ sung quy định về cách thức tổ chức đấu giá. Hiện nay, các địa phương thực hiện có sự khác nhau. Để có cơ sở pháp lý khắc phục được những hạn chế về vấn đề này, nhất là tình trạng thông đồng, móc nối, lộ lọt thông tin, cần thiết bổ sung thêm quy định về cách thức tổ chức đấu giá trong quy định về Quy chế cuộc đấu giá; đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về cách thức đấu giá vào Điều 40 - hình thức và phương thức đấu giá.
Bốn là, đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm điều hành cuộc đấu giá của đấu giá viên cũng như trách nhiệm của người giúp việc, nhất là quy định đấu giá viên trực tiếp thực hiện những công việc gì và người giúp việc trực tiếp giúp đấu giá viên làm những công việc gì vì quá trình thực thi quy định này của Luật hiện hành còn có khó khăn khi xác định trách nhiệm của các chủ thể này.
Thu Hằng
Ý kiến bạn đọc (0)