Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV: Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua hai luật
Phiên họp của Quốc hội tại hội trường. |
Trong phiên họp sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ.
Việc xây dựng dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong việc phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển vận tải đường bộ nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; tạo cơ chế đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại hóa; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Dự thảo Luật Đường bộ gồm 6 chương, 92 điều.
Trong phiên họp chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Dự thảo Luật gồm 9 chương, 81 điều. Tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý phạm vi điều chỉnh để phù hợp với tên gọi và nội hàm của Luật. Theo đó, các quy định về phương tiện giao thông và một số điều quy định trong chương vận tải đường bộ có nội dung liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đã được chuyển từ dự thảo Luật Đường bộ sang dự thảo Luật này.
Dự thảo Luật bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu hướng, tiến trình chuyển đổi số, tạo thuận lợi cho người dân. Theo đó, đối với một trong các giấy tờ: giấy phép lái xe, chứng nhận đăng ký xe, chứng nhận kiểm định, chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự, trong trường hợp thông tin của các loại giấy tờ nào đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước theo quy định thì không phải mang theo.
Dự thảo Luật không phân chia chi tiết các hạng giấy phép lái xe như Luật Giao thông đường bộ 2008, chỉ quy định nguyên tắc phân hạng giấy phép lái xe để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp có sự thay đổi của các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung nội dung các điều luật để nâng cao hiệu quả phòng ngừa, phát hiện, xử phạt vi phạm; thay đổi phương thức tuần tra, kiểm tra theo hướng ứng dụng hiện đại; phục vụ việc xử lý vi phạm giao thông đường bộ được khách quan, chính xác; ngăn chặn hành vi gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe, chống người thi hành công vụ.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)