Thị xã Việt Yên: Hiện thực khát vọng "lên bờ" của người dân Nguyệt Đức
BẮC GIANG - Thôn Nguyệt Đức, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) đặc biệt nhất tỉnh. Bởi hầu hết các hộ dân đều sống trên tàu, thuyền từ nhiều đời qua với nghề chài lưới và vận tải thủy. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi hạ tầng giao thông đường bộ phát triển, nghề của bà con gặp vô vàn khó khăn vì khó cạnh tranh. Bà con nơi đây rất cần có nơi định cư, thay đổi cuộc sống.
Cuộc sống khó khăn, thiếu đất ở
Bà Nguyễn Thị Đều (sinh năm 1957) dáng người nhỏ nhắn, ngồi bó gối trước cửa thuyền, hướng mắt nhìn những con sóng nối nhau vỗ ì oạp vào bờ bãi sông Cầu. Chiếc thuyền con (phương tiện đánh bắt tôm cá của bà) chòng chành không ngừng, như muốn thoát khỏi sợi dây neo sờn nát. Sau mỗi cơn ho, bà Đều lại dùng tay vỗ nhẹ vào ngực để vợi nỗi đau âm ỉ bên trong. Nghe khách cất tiếng chào, bà Đều giật mình, thoát khỏi dòng suy nghĩ. Sau mấy câu xã giao, bà cho biết mình bị ho đã lâu, tức ngực, người rất mệt, không thể đi mò tôm cá.
![]() |
Một góc thôn Nguyệt Đức. |
“Từ đời ông, bà tôi đã sống trên thuyền rồi. Tôi lớn lên bằng nghề chài lưới. Chồng tôi là thương binh, lại thêm bệnh hiểm nghèo, mất từ năm 2004, lúc 4 đứa con còn nhỏ. Nay tôi đã có 12 cháu nội, ngoại. 3 con trai, mỗi đứa một thuyền, ra ở riêng, cũng sống bằng nghề chài lưới. Chỉ có con gái lấy chồng xa, có nhà trên bờ, còn tôi và mấy cậu con trai vẫn lênh đênh ở đoạn sông này”, bà Đều nói. Chiếc thuyền - “căn nhà” của bà Đều chỉ rộng chừng chục m2, tuềnh toàng với 1 chiếc tủ lạnh nhỏ, giá kê bát đĩa, bên trên là ban thờ. Nền thuyền lát gạch hoa đã cũ, được trải chiếu lên trên, vừa làm chỗ ngủ, vừa là nơi tiếp khách nhưng cũng chỉ đủ cho khoảng 4 người ngồi.
Cách “nhà” bà Đều không xa là thuyền của hộ chị Nguyễn Thị Tính. Lúc chúng tôi ghé qua, chị vẫn ngồi trên thuyền nhỏ, gò lưng mò trai hến ven bờ. Cuộc sống lam lũ khiến gương mặt chị già hơn rất nhiều so với độ tuổi 40. Chị có 4 con, thu nhập bấp bênh, không có kinh phí sửa sang thuyền, khiến nó không thể đi xa, chỉ neo ở bến sông.
Thôn Nguyệt Đức có 191 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu, nhưng chỉ 50 hộ có đất định cư. Số hộ còn lại vẫn sống trên những chiếc thuyền nhỏ với nghề chài lưới, vận tải hàng hóa (chiếm số ít), hoặc làm công nhân thời vụ. |
Theo chị Trương Thị Hiền Lương, Trưởng thôn Nguyệt Đức, thôn có 191 hộ, hơn 700 nhân khẩu, nhưng chỉ 50 hộ có đất định cư. Số hộ còn lại vẫn sống trên những chiếc thuyền nhỏ với nghề chài lưới, vận tải hàng hóa (chiếm số ít), hoặc làm công nhân thời vụ. Nguyệt Đức còn 3 hộ nghèo và 12 hộ cận nghèo. Dù vậy, những hộ thoát nghèo, kinh tế cũng chẳng khấm khá hơn hộ cận nghèo là bao. Bởi người dân không có việc làm.
Hàng chục người ở độ tuổi lao động không biết chữ nên chỉ làm thuê quanh quẩn trong xã, không xin việc được trong các khu, cụm công nghiệp. Nhiều chục năm trước, người dân Nguyệt Đức phải góp tiền mua một mảnh đất ở chân núi Quả, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) để chôn cất người quá cố. Nghề vận tải thủy ngày một thu hẹp, trong thôn chỉ còn một số hộ có tiền đầu tư tàu lớn để hút, chở cát thuê nhưng thu nhập bấp bênh. Thêm vào đó, sông nước bị ô nhiễm, cá tôm cạn kiệt, những hộ đánh bắt cá cũng chỉ đủ ăn.
Cũng vì kinh tế eo hẹp, nay đây mai đó chở hàng thuê bằng tàu thuyền nên các con bà Đều và nhiều hộ trong thôn thất học. Cuộc sống chỉ quanh quẩn trên mạn thuyền. “Khi mùa lũ đến, cuộc sống của bà con Nguyệt Đức càng cơ cực vì thiếu việc làm. Nhớ mãi trận lũ do hoàn lưu bão số 3 (Yagi) năm 2024 gây ra. Trong khi người dân thôn Thổ Hà, Yên Viên (cùng xã Vân Hà) chỉ lo xin cứu trợ lương thực thì người dân Nguyệt Đức còn phải lo xin thêm dây thừng để níu thuyền vào bờ, tránh bị lũ cuốn trôi”, chị Lương nói.
Cơ hội đổi thay
Ông Nguyễn Đình Mỹ, Chủ tịch UBND xã Vân Hà cho biết, không chỉ bà con thôn Nguyệt Đức mà nhiều hộ ở các thôn Yên Viên và Thổ Hà cũng mong ước có đất đai khác để dựng nhà, canh tác. Bởi nhiều hộ xây nhà sát bờ sông nên bị lũ cuốn trôi. “Mong ước bao đời nay của người dân Nguyệt Đức là có tấc đất cắm dùi, được lên bờ sinh sống, thay đổi cuộc đời”, ông Mỹ nói.
![]() |
Đời sống của người dân Nguyệt Đức còn nhiều khó khăn. |
Được biết, dự án đưa người dân làng chài Nguyệt Đức lên bờ được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt từ năm 2020. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn do điểm thực hiện dự án thuộc hành lang thoát lũ theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, để triển khai dự án phải báo cáo xin ý kiến và được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Trong buổi kiểm tra, nắm tình hình thực tế công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 (bão Yagi) tại tỉnh Bắc Giang (tháng 9/2024), trước thực trạng người dân Nguyệt Đức thiếu đất định cư, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang phải tính toán, căn cơ, đưa bằng được bà con Nguyệt Đức "lên bờ".
Thực hiện chỉ đạo này, cuối tháng 9/2024, Thường trực Tỉnh ủy và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan liên quan và UBND thị xã Việt Yên rà soát, nghiên cứu đề xuất phương án đầu tư xây dựng cầu Vân Hà (nối xã Vân Hà với phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh) và phương án sắp xếp, di dời người dân thôn Nguyệt Đức lên bờ sinh sống. Đến nay, dự án làm cầu được giao cho tỉnh Bắc Giang chủ trì triển khai theo kế hoạch.
Được biết, hiện UBND tỉnh đã ban hành Tờ trình số 1340/TTr-UBND về việc đề nghị thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà trên bãi sông Vân Hà - Tiên Sơn (thị xã Việt Yên) gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cho phép xây dựng trong tháng 4/2025.
Ông Lê Hoàng Bách, Phó Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên thông tin, trong khi chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND thị xã đã thông báo thu hồi đất để thực hiện dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai xã Vân Hà. UBND xã Vân Hà đã nhiều lần tổ chức hội nghị với sự có mặt của các hộ dân liên quan nhằm thông qua phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (diện tích 5 ha, ở đồng Xăng Thấp, thôn Yên Viên) để thực hiện dự án. Hiện cơ bản các hộ dân có đất bị thu hồi đều đồng thuận với chủ trương, kế hoạch của tỉnh.
Dự kiến, ngày 15/4, Sở Xây dựng ban hành thông báo kết quả thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở dự án; ngày 10/6/2025, chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh) tổ chức lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng, khởi công thi công công trình (hạ tầng giao thông nội bộ, hệ thống điện, cấp thoát nước,…); bàn giao công trình đưa vào sử dụng vào ngày 31/12/2025.
Với tinh thần quyết liệt, khẩn trương của các cấp, các ngành trong tỉnh và tỉnh bạn Bắc Ninh, sự đồng ý, chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, khát vọng “lên bờ” từ nhiều đời nay của người dân Nguyệt Đức sẽ sớm trở thành hiện thực.
Ý kiến bạn đọc (0)