Thay đổi tư duy để nâng tầm các sản phẩm OCOP
Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đại diện một số sở, ngành liên quan, Văn phòng điều phối NTM tỉnh, UBND các huyện, TP.
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay 63/63 tỉnh, TP đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm với 8.478 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao. Về du lịch nông thôn, toàn quốc có 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, điểm du lịch.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
Tại Bắc Giang có 180 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên, 42 sản phẩm đạt 4 sao, trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao; 138 sản phẩm đạt 3 sao. Đáng chú ý có một sản phẩm thuộc nhóm du lịch cộng đồng, điểm du lịch được công nhận 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh được đánh giá, phân hạng đều là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh; có xuất xứ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021- 2025, cả nước phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 10 nghìn sản phẩm được công nhận OCOP, trong đó có 400-500 sản phẩm đạt 5 sao; củng cố, nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn...
Mỗi tỉnh, TP phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất một mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù...
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần triển khai Chương trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Có ý kiến đề nghị, để các sản phẩm OCOP phát huy giá trị sau khi được công nhận cần đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra, nhất là chất lượng, an toàn thực phẩm; tập trung xây dựng để hình thành các điểm đến về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa...
Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn, có ý kiến nêu cần rà soát, tích hợp và bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch xây dựng NTM; xây dựng bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về công nhận điểm du lịch nông thôn gắn với công tác quản lý nhà nước về du lịch.
Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân...
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Duca của Hợp tác xã dịch vụ công nghệ cao Duca, xã Thượng Lan (Việt Yên) vừa được công nhận OCOP 3 sao. |
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để các chương trình phát huy hiệu quả, các ngành, địa phương cần triển khai linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Trong đó, tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn.
Đồng chí lưu ý, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng NTM. Căn cứ các giải pháp, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các ngành, địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy, kiến thức, hành động cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ cũng như cộng đồng và khách du lịch về phát triển du lịch nông thôn bền vững trong xây dựng NTM.
Để sản phẩm OCOP đi xa, các chủ thể cần quan tâm đến tư duy hợp tác, cùng nhau phát triển để nâng tầm các sản phẩm; quan tâm xây dựng câu chuyện cho các sản phẩm OCOP, điểm du lịch nhằm tạo sự khác biệt. Cùng đó cần chuyển từ tư duy người đi bán hành sang tư duy người đi mua hàng để chăm chút hơn cho sản phẩm mình làm ra. Các địa phương quan tâm tạo không gian cho sản phẩm OCOP, vừa để trưng bầy, vừa là điểm mời gọi các đối tác đến hợp tác, quảng bá sản phẩm. Quan tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đa dạng hóa chuỗi giá trị; kéo người đô thị, khách nước ngoài về nông thôn để kích hoạt du lịch tại các làng quê, tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp và PTNT công bố, trao giấy chứng nhận công nhận 20 sản phẩm đạt OCOP quốc gia (5 sao) năm 2020 cho các chủ thể.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)