Xã Ngọc Châu: Năng động phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Xác định nâng cao thu nhập là yếu tố quan trọng để giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Ngọc Châu (Tân Yên) đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết, nâng giá trị nông sản; quan tâm phát triển công nghiệp, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Liên kết sản xuất, nâng giá trị nông sản
Đến làng nghề mỳ gạo Châu Sơn vào một ngày cuối thu, chúng tôi ấn tượng trước hình ảnh những ngôi nhà khang trang, bề thế nằm san sát nhau. Có thể nhận thấy bà con nơi đây đang được “hưởng lộc” từ nghề bởi “yêu nghề thì nghề chẳng phụ”. Người dân Châu Sơn dù già hay trẻ khi nói về nghề làm mỳ gạo, ai nấy đều tự hào. Ông Nguyễn Văn Khang, Trưởng thôn Châu Sơn nói: “Thôn có 179 hộ, trong đó có 70 hộ sản xuất mỳ gạo với hơn 200 lao động. Không chỉ làm riêng lẻ, các hộ còn liên kết thành lập hợp tác xã (HTX) để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Nhờ nghề truyền thống này mà kinh tế bà con khấm khá, có điều kiện xây nhà khang trang”.
Từ nhiều năm nay, chị Lê Thị Hằng, thành viên HTX Sản xuất, tiêu thụ mỳ gạo Quế Hằng Châu Sơn không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương. |
Tiêu biểu trong số đó phải kể đến HTX Sản xuất, tiêu thụ mỳ gạo Quế Hằng Châu Sơn. HTX được thành lập từ năm 2015, đến nay có 15 thành viên chuyên sản xuất và tiêu thụ mỳ phở, mỳ bún các loại. Năm 2019, sản phẩm mỳ gạo Châu Sơn được chứng nhận OCOP 3 sao. Ngoài tiêu thụ sản phẩm của HTX, đơn vị còn bao tiêu mỳ phở, mỳ bún cho hơn 90 hộ khác trên địa bàn xã. Doanh thu trung bình mỗi năm khoảng 7 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt gần 1 tỷ đồng. Chị Lê Thị Hằng, thành viên HTX cho biết: “Gia đình đầu tư nhiều máy móc như: Máy vo gạo, xay bột, ép bột, máy tráng phục vụ sản xuất. Tại đây có 4 lao động làm việc thường xuyên; thu nhập trung bình 6-8 triệu đồng/người/tháng. Trung bình mỗi ngày, nhà tôi nhà làm 2 - 2,5 tạ mỳ. Sản phẩm sản xuất ra được tư thương đến tận nơi thu mua”.
Cách đó không xa là HTX Măng lục trúc Lâm Sinh Ngọc Châu ở thôn Trại Mới được thành lập từ năm 2018. HTX chuyên trồng măng lục trúc theo tiêu chuẩn hữu cơ, cung cấp giống và chế biến các sản phẩm. Năm 2019, sản phẩm măng tươi lục trúc được chứng nhận OCOP 4 sao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng tre lục trúc lấy măng, từ năm 2020, nhiều hộ trong và ngoài xã nhân rộng cây trồng này. Riêng ở thôn Trại Mới đến nay có hơn 40 hộ trồng tre lục trúc, nhiều gia đình thu mỗi năm 200-300 triệu đồng/năm. Hiện HTX có 26 thành viên tham gia. 6 điểm thu mua, sơ chế măng của HTX tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với thu nhập từ 9-15 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, HTX còn cung ứng cây giống miễn phí cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong huyện và hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc để bà con có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thành viên HTX Măng lục trúc Lâm sinh Ngọc Châu thu hoạch măng. |
Xây dựng đời sống mới
Xã Ngọc Châu có hơn 1,9 nghìn hộ dân. Theo ông Lê Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, xã khuyến khích người dân duy trì một số nghề truyền thống như làm mỳ, trồng lúa, chăn nuôi...; liên kết thành lập các HTX nông nghiệp. Cùng với nông nghiệp, xã chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp. Hiện nay trên địa bàn xã có 344 hộ dân tham gia sản xuất kinh doanh, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ với hơn 700 lao động. Ngoài ra còn có 35 doanh nghiệp, HTX đang hoạt động, tạo việc làm ổn định cho hơn 600 lao động địa phương; nhiều mô hình trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và kinh doanh tổng hợp cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/năm.
Công ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. |
Cùng với phát triển kinh tế, những năm qua, Ngọc Châu đã huy động các nguồn lực, đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thiết chế văn hóa. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Hiện nay, Trường THCS Ngọc Châu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; các trường học gồm mầm non, tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
Người dân tích cực tham gia đóng góp cùng chính quyền địa phương xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, nâng cấp đường làng ngõ xóm phong quang, sạch đẹp. Các gia đình chỉnh trang nhà cửa, làm mới các tuyến đường ngõ xóm, xây dựng thôn văn hóa sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Nhiều câu lạc bộ văn nghệ, cầu lông, bóng chuyền, bóng đá... được thành lập trong các khu dân cư, các cơ quan, trường học và sinh hoạt sôi nổi.
Năm 2023, tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu văn hóa của xã là 93,9%; 11/12 thôn đạt khu dân cư văn hóa. Ngày 20/3/2023, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định công nhận xã Ngọc Châu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao - đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân trong xã. Hằng năm, xã lồng ghép các nguồn lực hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà đại đoàn kết; hỗ trợ cây, con giống và thăm, tặng quà cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Như trường hợp của bà Hoàng Thị Định, hộ nghèo thôn Trung Đồng nhờ được giúp đỡ kinh phí, ngày công lao động, vừa qua bà đã có ngôi nhà mới kiên cố, che nắng, che mưa. Năm 2023, Ngọc Châu còn 38 hộ nghèo, tỷ lệ 1,95% và 44 hộ cận nghèo, tỷ lệ 2,26%.
Để thực hiện thành công chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thời gian tới, xã Ngọc Châu tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực xã hội, ưu tiên hỗ trợ vốn, đầu tư sản xuất để người dân phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Cùng đó, quan tâm trợ giúp người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp thoát nghèo bền vững. Thực hiện các phong trào thi đua giảm nghèo, khích lệ ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng của người dân.
Ý kiến bạn đọc (0)