Danh Thắng vững bước trên đường phát triển
BẮC GIANG - Từng được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (XDNTM) ở giai đoạn đầu, xã Danh Thắng (Hiệp Hòa) có điều kiện tiếp cập, thụ hưởng các chính sách, dự án hỗ trợ phát triển KT-XH. Cũng nhờ vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững triển khai trên địa bàn xã đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, phát huy được nhiều nguồn lực để hoàn thành mục tiêu kế hoạch.
Triển khai chính sách kịp thời, đầy đủ
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn được Đảng uỷ, UBND xã chỉ đạo quyết liệt, các chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh, sự chỉ đạo của huyện được cụ thể hóa sát với tình hình thực tế. Bám sát các mục tiêu giai đoạn 2021-2025, Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện chương trình của xã xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể từng năm và cả giai đoạn. Hằng năm, xã đều cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn nâng cao năng lực do BCĐ giảm nghèo tỉnh và huyện tổ chức để nắm rõ chủ trương, mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, phương thức tiếp cận, phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện.
Kết nối giao thông tốt thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển. |
Công tác tuyên truyền luôn đi trước một bước nhằm giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn nắm vững chủ trương, chính sách về phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững từ đó tích cực ủng hộ, tham gia, tổ chức thực hiện chương trình có hiệu quả. Các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả được phổ biến nhằm khơi dậy, lan tỏa ý chí chủ động vươn lên của người nghèo. Nội dung, nhiệm vụ của các dự án, tiểu dự án giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch.
Song hành với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã tập trung cao cho chương trình MTQG XDNTM). Các nguồn lực đầu tư được lồng ghép, sử dụng hiệu quả cho phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, chuyển đổi cơ cấu lao động, bảo đảm vệ sinh môi trường, tạo động lực thúc đẩy KT-XH, giảm nghèo nhanh và bền vững tạo ra những thay đổi đáng kể trong đời sống nhân dân. Xã tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo; hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên cho các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội như Hội LHPN, Đoàn thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tham gia thực hiện phong trào XDNTM, xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, các tệ nạn xã hội; hỗ trợ nhau về ngày công, giống, vốn sản xuất, động viên các hoàn cảnh gặp rủi ro, hoặn nạn nỗ lực khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Mô hình chăn nuôi dê thương phẩm cho thu nhập cao, ổn định của gia đình chị Nguyễn Thị Thêm ở thôn Nam Đồng. |
Thực hiện các dự án, tiểu dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, UBND xã triển khai mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản với 22 hộ dân tham gia, tổng kinh phí thực hiện 583 triệu đồng từ chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và đối ứng của các hộ tham gia dự án. Hỗ trợ việc làm bền vững cho người lao động, hằng năm UBND xã phối hợp với các DN tuyển dụng lao động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người dân có nhu cầu trên địa bàn. Hiện toàn xã có khoảng 1,6 nghìn lao động đang làm việc trong các DN trong và ngoài xã với mức thu nhập bình quân từ 7-8 triệu đồng/ người/tháng. Nguồn vốn tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH huyện dư nợ gần 27,4 tỷ đồng với 539 khách hàng vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả phục vụ sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các mục tiêu an sinh khác.
Trên địa bàn xã xuất hiện những điển hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao, như Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, thôn Nam Đồng chuyên chăn nuôi lợn và chế biến thực phẩm từ thịt lợn. Đây là mô hình hoạt động theo chuỗi khép kín từ khâu sản xuất thức ăn, chăn nuôi đến chế biến thành phẩm. Hiện HTX có 3 sản phẩm là giò lụa, chả lụa, xúc xích heo thảo dược được chứng nhận OCOP 4 sao. Doanh thu hằng năm của HTX đạt hơn 40 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động với thu nhập bình quân 10 triệu đồng/tháng.
Cũng ở thôn Nam Đồng, một điển hình về nỗ lực thoát nghèo và làm giàu được nhiều người nhắc đến là trường hợp vợ chồng chị Nguyễn Thị Thêm và anh Chu Đắc An. Cách đây hơn 10 năm về trước, anh chị chật vật xoay sở lo cuộc sống hằng ngày với đồng lương công nhân của chị và công việc thợ xây của anh; canh tác ruộng, vườn cho thu nhập không đáng kể. Từ những đồng vốn tích lũy được và vay thêm, anh chị đầu tư hơn 100 triệu đồng làm chuồng trại, mua con giống, thức ăn bắt tay vào chăn nuôi dê. Bước khởi đầu thuận lợi nhưng rồi dịch bệnh, thua lỗ, phải bỏ trống chuồng, cố gắng tìm kiếm con đường khác song suy tính kỹ sau 1 năm, anh chị vẫn chọn con dê để bắt đầu lại. Đến nay, khu chuồng trại chăn nuôi dê được đầu tư quy củ trên diện tích hơn 2 nghìn m2 đất của gia đình; thường xuyên có khoảng 350-400 con/lứa với 4 lứa/năm bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn; đầu ra ổn định với các nhà hàng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ một hộ cận nghèo, anh chị đã có của ăn, của để, xây dựng được cơ ngơi bạc tỷ; tạo việc làm thời vụ cho hàng chục lao động địa phương.
Trao tiền hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ cận nghèo ở thôn Danh Thượng 2. |
Hoàn thành sớm các mục tiêu
Chương trình MTQG XDNTM, giảm nghèo bền vững đã làm thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn xã Danh Thắng. Giao thông kết nối thuận tiện trong và ngoài xã thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát triển. Toàn xã có gần 1,4 nghìn hộ xây dựng được nhà ở kiên cố (chiếm 68% tổng số hộ dân trong xã). Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt hơn 61,5 triệu đồng/người (tăng hơn 10 triệu đồng so với năm 2021). Xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao theo chuẩn giai đoạn 2021-2025; hoàn thành tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu. Kết quả giảm nghèo các năm của giai đoạn 2021-2025 đều đạt mục tiêu đề ra, trong đó năm 2024, toàn xã còn 20/2027 hộ nghèo (tỷ lệ 0,84); 49 hộ cận nghèo (tỷ lệ 2,07%); tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 99,08%. Cũng trong năm, xã vận động nguồn lực xóa 6 nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và hộ cận nghèo, toàn bộ là xây mới; mức hỗ trợ hộ nghèo 50 triệu đồng, hộ cận nghèo 40 triệu đồng. Các ngôi nhà mới xây đều bảo đảm đủ tiêu chí 3 cứng (nền cứng, tường cứng, mái cứng), khang trang, sạch sẽ, thuận tiện cho sinh hoạt. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Toàn bộ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đi học đúng độ tuổi. Các chỉ tiêu về hộ nghèo, hộ cận nghèo được sử dụng nước sinh hoạt và nhà tiêu hợp vệ sinh đều vượt.
Giai đoạn tiếp theo, cấp ủy, chính quyền xã Danh Thắng quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu sử dụng lao động công nghiệp trên địa bàn. Xã tập trung cao thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin). Cùng đó, xã tiếp tục huy động và lồng ghép có hiệu quả nguồn lực của Nhà nước và nguồn lực trong nhân dân để thực hiện các công trình, dự án; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn huy động đóng góp của nhân dân trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH; thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tích cực tham gia; củng cố, duy trì bền vững các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn kiểu mẫu. Tăng cường hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, đưa các loại cây con, giống mới vào sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người dân. Quan tâm giải quyết kịp thời, đầy đủ chính sách bảo trợ xã hội, chính sách ưu đãi đối với người có công; đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm an sinh xã hội.
Ý kiến bạn đọc (0)