Thực hiện mục tiêu “3 an”: Chủ trương đúng, dân an vui - Bài 3: Đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe người dân là trên hết
BẮC GIANG - “An toàn” trong phương châm bảo đảm “3 an” của Bắc Giang là trạng thái được bảo vệ khỏi sự tổn hại hoặc các kết quả không mong muốn; là an toàn về sức khỏe và tính mạng con người, là an toàn khi tham gia giao thông, trong lao động, sản xuất... Bởi vậy, bên cạnh ngăn ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, tỉnh Bắc Giang còn có nhiều biện pháp mạnh nhằm tăng cường phòng cháy, chữa cháy (PCCC), bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chủ động phòng ngừa cháy, nổ
Với đặc điểm phát triển nhanh chóng về công nghiệp, thu hút đầu tư và đô thị, trên địa bàn tỉnh xuất hiện hàng loạt khu, cụm công nghiệp; TP Bắc Giang và các huyện, thị xã mở rộng diện tích, kéo theo là hàng vạn lao động từ nhiều tỉnh, TP đổ về tìm kiếm việc làm, sinh sống. Do tốc độ xây dựng “nóng” nên trên địa bàn tỉnh có nhiều nhà trọ cho công nhân, chung cư cũ không bảo đảm tiêu chuẩn về PCCC, nguy cơ mất an toàn cao.
Công an huyện Lục Nam hướng dẫn người dân, cán bộ xã Vô Tranh kỹ năng xử lý đám cháy do rò rỉ gas. |
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh, nguy cơ mất an toàn cháy nổ nhức nhối nhất là ở các khu nhà trọ. Thống kê trên địa bàn tỉnh có gần 4,8 nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ thuê trọ. Qua kiểm tra, rà soát có 579 cơ sở vi phạm quy định về PCCC; trong đó, thị xã Việt Yên có 418 cơ sở; TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng mỗi nơi có 31 cơ sở; số còn lại ở các huyện: Hiệp Hòa, Lạng Giang… Khảo sát tại thị xã Việt Yên cho thấy nhiều nhà trọ được xây dựng tự phát từ lâu, thường xuyên có hàng trăm công nhân, lao động, khách thuê trọ nhưng không có thiết kế để PCCC, thiếu các trang thiết bị PCCC cần thiết.
Đến gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên ở tổ dân phố Núi Hiểu, phường Quang Châu, chúng tôi “choáng ngợp” bởi quy mô các khu nhà trọ mọc lên nhanh chóng. Các dãy nhà cao tầng được xây nối liền nhau như “mê cung” với 200 phòng trọ nhưng tồn tại nhiều bất cập về PCCC; cầu thang, lối đi nhỏ hẹp, chỉ có 1 thang máy, nếu xảy ra hỏa hoạn thì người ở trong khó có thể tìm ra lối thoát. Mỗi tầng với hàng chục phòng trọ nhưng chỉ có 2 bình chữa cháy loại nhỏ. Tầng 1 để xe máy, xe máy điện, phía ngoài kết hợp kinh doanh và chỗ ở của chủ nhà nhưng không có thiết bị báo cháy tự động, không có tường ngăn khiến nguy cơ cháy nổ càng cao. Ông Tuyên thừa nhận: “Gia đình tôi xây 1 tòa nhà 8 tầng, 1 tòa 7 tầng và 3 tòa 4 tầng, chia thành các phòng nhỏ để cho thuê. Giữa các tòa nhà có lối thông nhau. Tuy nhiên, do xây dựng hoàn toàn không có thiết kế, có tiền đến đâu xây đến đó nên khi được các cán bộ cảnh sát PCCC kiểm tra, chỉ ra những vấn đề tồn tại, tôi nhận ra nhiều chỗ mất an toàn”.
Trước thực trạng trên, cơ quan chức năng đã quyết định yêu cầu tạm dừng hoạt động gần 600 phòng trọ, cơ sở kinh doanh không bảo đảm về an toàn PCCC và CNCH ở trong toàn tỉnh để bảo đảm tính mạng, tài sản của nhân dân. Khi nào các phòng trọ, cơ sở kinh doanh này bổ sung, hoàn thiện đầy đủ các điều kiện về PCCC và CNCH thì tiếp tục được phép hoạt động trở lại.
Trao đổi với Trung tá Nguyễn Minh Tiến, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH được biết, để ngăn ngừa mối nguy cháy nổ, Công an tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác PCCC và CNCH trong tình hình mới. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chủ cơ sở, doanh nghiệp, nhân dân chấp hành đầy đủ quy định về PCCC. Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH cũng đã hướng dẫn, kiểm tra an toàn đối với hơn 3 nghìn lượt cơ sở; xây dựng và duy trì hoạt động 760 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 422 “Điểm chữa cháy công cộng”…
Bảo đảm không ai bị tổn thương
Những năm gần đây, do mức sống, thu nhập người dân được nâng cao nên nhu cầu mua sắm, sử dụng phương tiện giao thông tăng mạnh. Bắc Giang được đánh giá là một trong những địa phương gia tăng nhanh số lượng phương tiện giao thông cá nhân, hiện toàn tỉnh đang quản lý hơn 116 nghìn ô tô và gần 1,3 triệu mô tô, xe máy. Do ý thức của bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế nên tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp. Để lập lại trật tự ATGT, bảo đảm cho người dân khi ra đường an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do TNGT, Bắc Giang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn kỹ năng xử lý tình huống giao thông...
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn lái xe hoạt động trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Lạng Giang. |
Đặc biệt là tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự ATGT, xác định đây là giải pháp trọng tâm, ưu tiên hàng đầu nhằm tạo chuyển biến tích cực, tiến tới hình thành thói quen, văn hóa “Đã uống rượu bia không lái xe”. Quyết liệt xử lý xe chở khách, chở công nhân, xe quá tải, xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, không bảo đảm các quy định về kinh doanh vận tải, điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện… với tinh thần "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Quyết tâm này được các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, đơn cử như Công an huyện Yên Thế huy động tối đa lực lượng, phương tiện, tổ chức tuần tra khép kín các tuyến đường quản lý. Cùng với lực lượng cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ ban đêm trên tuyến đường tỉnh 292 tại thị trấn Bố Hạ, chúng tôi ghi lại nhiều trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý kiên quyết. Anh T.V.Q (SN 1985) ở xã Hương Lạc (Lạng Giang) điều khiển xe ô tô nhưng trong hơi thở có nồng độ cồn 0,039mg/l. Dù anh Q thanh minh chỉ uống một cốc bia khi gặp bạn bè, người quen và tìm cách kéo dài thời gian nhưng sau khi được giải thích mềm dẻo, cương quyết, anh Q nhận ra vi phạm và ký vào biên bản xử lý.
Sự quyết liệt trong xử lý vi phạm ATGT còn được thể hiện qua một loạt các chỉ thị, quy định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc này. Theo đó, nhiều cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang đã bị “bêu tên”, xử lý kỷ luật từ khiển trách đến cảnh cáo.
Cảnh sát giao thông huyện phối hợp với Trường THPT Yên Dũng số 2 duy trì mô hình cổng trường an toàn. |
Bên cạnh xử lý nghiêm những vi phạm để làm thay đổi nhận thức, hành vi của người điều khiển phương tiện, Bắc Giang còn chú trọng phát triển và hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, xóa các “điểm đen” TNGT, hạn chế các vụ tai nạn xảy ra do nguyên nhân khách quan, đường xuống cấp. Từ đầu năm đến nay, Sở Giao thông - Vận tải tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện bảo trì đối với hệ thống đường tỉnh. Hiện nay đang triển khai 16 dự án bảo trì, sửa chữa và đôn đốc UBND các huyện, thị xã, TP thực hiện công tác quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ theo phân cấp.
Sở Giao thông - Vận tải và Ban ATGT tỉnh phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương rà soát các vị trí "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT, điểm bất hợp lý về tổ chức giao thông trên các tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay xác định được 370 điểm cần xử lý; trên cơ sở đó đề xuất phương án xử lý, giải quyết dứt điểm.
Quá trình xử lý phải thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chấp nhận việc can thiệp, tác động để bỏ qua vi phạm. Cảnh sát giao thông khi xử lý vi phạm nồng độ cồn phải xác minh nếu là cán bộ, công chức, viên chức thì thông báo về cơ quan quản lý để kỷ luật. Các cơ quan khi nhận được thông báo cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nồng độ cồn hoặc không hợp tác với lực lượng chức năng phải xử lý nghiêm minh. Nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị gương mẫu, phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu không lợi dụng uy tín, vị trí công tác để can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn. Vì thế, đến nay Bắc Giang đã thực hiện đạt mục tiêu giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí, mang lại sự an toàn cho mỗi người dân khi tham gia giao thông. Cụ thể, trong 9 tháng, toàn tỉnh xảy ra 243 vụ TNGT, làm chết 147 người, làm bị thương 130 người; so với cùng kỳ năm 2023, giảm 33 vụ, 9 người chết và 37 người bị thương.
Đoàn kiểm tra liên ngành TP Bắc Giang kiểm tra an toàn thực phẩm bếp ăn cơ sở mầm non độc lập Vườn Hồng ở phường Ngô Quyền. |
Bên cạnh tập trung làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và bảm đảm trật tự an toàn giao thông, với chủ trương xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, các cấp ủy đảng, chính quyền và ngành chức năng trên địa bàn tỉnh còn tăng cường thực hiện các biện pháp bảm đảm an toàn lao động, an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Ngay từ đầu năm, chuẩn bị bước vào mùa lễ hội, thực hiện mục tiêu “3 an”, trong đó có “an toàn”, Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các phòng, đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ATVSTP. Với trách nhiệm của mình, UBND các địa phương đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, nhắc nhở các chủ cơ sở kinh doanh; đồng thời tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền về ATVSTP. Chính vì thế, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh Bắc Giang không có vụ ngộ độc thực phẩm lớn; các vụ mất an toàn lao động gây chết người cũng không xảy ra, bảo đảm chủ trương đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân là trên hết .
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc (0)