Tăng quyền lợi cho công nhân qua thỏa ước lao động tập thể
87% DN ký kết thỏa ước
Theo Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, hiện toàn tỉnh có 546 DN thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, chiếm tỷ lệ 87% số DN có tổ chức công đoàn. Riêng năm 2021, có 57 bản TƯLĐTT được ký mới.
Dây chuyền sản xuất tại Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu). |
Bà Diêm Bích Liên, Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động cho biết, 80% thỏa ước có từ 3-5 nội dung có lợi cho NLĐ nằm ngoài các quy định pháp luật, chủ yếu về chế độ phúc lợi như ăn ca, thăm hỏi ốm đau, trợ cấp khó khăn đột xuất.
Điển hình như: Công ty TNHH Haem Vina (KCN Song Khê - Nội Hoàng) phát vitamin cho công nhân nữ có thai; Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG (Lạng Giang), Công ty TNHH Crystal Martin Việt Nam (KCN Quang Châu) tặng NLĐ một hộp sữa tươi/ngày để bổ sung dinh dưỡng; Công ty TNHH Mplus Hà Nội (Tân Yên) bố trí mỗi suất ăn có bổ sung hoa quả tươi tráng miệng và trong 1 tháng, NLĐ được cải thiện 2 bữa ăn đặc biệt có giá trị dinh dưỡng cao hơn.
Công ty TNHH Luxshare ICT Vân Trung (KCN Vân Trung)- DN hiện có số đoàn viên lớn nhất tỉnh với khoảng 26 nghìn người, từ khi đi vào hoạt động (năm 2019), ban chấp hành công đoàn được thành lập và thương lượng, ký kết thỏa ước. Với số lượng công nhân lớn như hiện nay, nhiệm vụ hạn chế tranh chấp lao động luôn được DN đặt lên hàng đầu.
Anh Bùi Văn Trường, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Tại đây đã từng xảy ra ngừng việc tập thể vì những mâu thuẫn đáng lẽ có thể giải quyết kịp thời thông qua thỏa ước. Vì vậy, bên cạnh việc rà soát để điều chỉnh, bổ sung hằng năm, công đoàn duy trì lấy ý kiến của đoàn viên một lần/tháng để tổng hợp. Sau đó, định kỳ 3 tháng, đề xuất với ban lãnh đạo đưa thêm các điều khoản phụ phù hợp điều kiện thực tế, tăng mức độ có lợi nhằm cải thiện đời sống đoàn viên vào thỏa ước để làm căn cứ giám sát việc thực hiện.
Công nhân Lăng Thị Bình (SN 1996) chia sẻ: “Trung bình mỗi tháng, thu nhập của tôi khoảng 9 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống và tiết kiệm được một khoản nhỏ. Nhiều nguyện vọng chính đáng của chúng tôi đều được lãnh đạo lắng nghe, bổ sung vào TƯLĐTT nên mọi người yên tâm làm việc”.
Được biết, trong thỏa ước đang áp dụng của DN, ngoài thực hiện một số quy định bắt buộc, chủ sử dụng lao động còn hỗ trợ hằng tháng cho mỗi công nhân tiền đi lại (300 nghìn đồng); nhà ở (500 nghìn đồng); sinh hoạt (300 nghìn đồng); thưởng thâm niên (400 nghìn đồng); bổ sung dinh dưỡng và liên tục đổi thực đơn bữa ăn ca để NLĐ lựa chọn.
Phát huy vai trò cán bộ cơ sở
Đánh giá về chất lượng TƯLĐTT trên địa bàn tỉnh hiện nay, ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng: Vẫn còn tình trạng DN ký thỏa ước mang tính hình thức, đối phó, nội dung chủ yếu là sao chép một số quy định bắt buộc của pháp luật lao động hoặc chưa cụ thể hóa điều khoản; không sửa đổi, bổ sung kịp thời khi các văn bản quy phạm pháp luật có thay đổi hoặc phát sinh chế độ liên quan đến NLĐ. Thêm nữa, những điều khoản có lợi trong thoả ước mới chỉ dừng ở chế độ phúc lợi, chưa có nhiều nội dung về tiền lương, thời gian làm việc, nghỉ ngơi.
Mỗi ngày, công nhân Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LGG được tặng một hộp sữa tươi để nâng cao sức khỏe. |
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do chủ sử dụng lao động chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của TƯLĐTT. Họ lo ngại khi ký kết văn bản này sẽ ràng buộc trách nhiệm, ảnh hưởng đến lợi nhuận sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ cán bộ công đoàn chuyên trách mới chỉ chiếm 2%. Một khó khăn nữa là hiện mới chỉ có 626/3 nghìn DN đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở. Trong khi theo quy định, đại diện tập thể lao động để ký kết TƯLĐTT với chủ sử dụng là công đoàn cơ sở.
Trường hợp DN chưa thành lập công đoàn thì vai trò thương lượng thuộc về công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Thực tế, số thỏa ước ký kết được bằng phương thức này trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. LĐLĐ huyện Hiệp Hòa là đơn vị đầu tiên của tỉnh thương lượng, ký kết thỏa ước tại Công ty TNHH Một thành viên Vina Prauden, xã Danh Thắng - thời điểm năm 2018 chưa thành lập công đoàn cơ sở.
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai, ông Ngô Quang Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện cho biết: Hằng năm, trên cơ sở rà soát số DN thành lập, số đủ điều kiện thành lập công đoàn, đơn vị tham mưu với UBND huyện gửi công văn chỉ đạo các DN xây dựng thỏa ước gắn với nội quy lao động và chính sách pháp luật hiện hành; phân công cán bộ chuyên trách bám sát địa bàn, thường xuyên tiếp cận để tuyên truyền.
Hiện toàn tỉnh có 546 DN thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT, chiếm tỷ lệ 87% số DN có tổ chức công đoàn. Năm 2021, có 57 bản TƯLĐTT được ký mới. |
Đồng thời, soạn thảo, ban hành tờ gấp hướng dẫn riêng về quy trình thương lượng để chủ DN, NLĐ tìm hiểu, phối hợp thực hiện. Hiện trên địa bàn huyện có 40/40 DN có tổ chức công đoàn ký kết TƯLĐTT.
Một bản thỏa ước thực sự chất lượng phụ thuộc lớn vào vai trò của cán bộ công đoàn. Để tiếp tục nâng chất lượng cũng như nâng tỷ lệ DN ký thỏa ước, tổ chức công đoàn chú trọng bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng vận động cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trong DN; nghiên cứu thành lập tổ tư vấn về nội dung này ở các cấp công đoàn để hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục, nhất là tuyên truyền nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động về TƯLĐTT.
Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về lao động và công đoàn, nâng cao trách nhiệm của các bên trong thực hiện thỏa ước, hướng đến mục tiêu cuối cùng là bảo vệ lợi ích đoàn viên, NLĐ.
Bài, ảnh: Tường Vi
Ý kiến bạn đọc (0)