Sự ích kỷ làm suy yếu Man Utd
"Tôi cho rằng chúng tôi đã không thi đấu cùng nhau trên sân. Nhìn vào lực lượng, Man Utd đang sở hữu những cầu thủ không thể tin được. Thế nhưng, đôi khi chất lượng là chưa đủ". Đó là lời trần tình của Luke Shaw sau khi chứng kiến đội nhà để thua trước Wolves.
Sự ích kỷ của từng cá nhân đang làm hại Man Utd. |
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề về "tính tập thể" được lôi ra để mổ xẻ, giải thích cho thất bại của Man Utd. Thậm chí, ngay cả khi họ chiến thắng, vấn đề này cũng được nhắc tới.
Sau khi chứng kiến Man Utd tạo nên màn lội ngược dòng trước Atalanta ở Champions League, cựu danh thủ Paul Scholes đã nhấn mạnh rằng CLB đang trình diễn thứ bóng đá vô hồn, không có sự gắn kết. Quan điểm này từng được Jamie Carragher hay Roy Keane nhiều lần lặp lại trước đây.
Sự ích kỷ của từng cá nhân mới là nguyên nhân chính khiến cho Man Utd không thể gượng dậy nổi. Trước đây, nhiều người đã đổ lỗi cho HLV Solskjaer không biết tận dụng các ngôi sao. Nhưng có thể thấy, tới khi Rangnick tới làm việc, mọi chuyện chẳng khác là bao.
Đáng ra, Man Utd có thể có kết quả tốt hơn trước Wolves nếu như từng cá nhân chơi bóng vì đồng đội hơn, thay vì đặt cái tôi và thành tích của mình lên quá cao. Những hình ảnh dưới đây đã chỉ ra điều đó.
Tình huống ở đầu trận đấu, Sancho nhận bóng khi trước mặt anh là hai cầu thủ Wolves. Nhưng thay vì chuyền bóng cho C.Ronaldo (ở cánh trái), Cavani (đang băng lên) thì tiền vệ này chọn cách dứt điểm. |
Cuối cùng, cú dứt điểm của Sancho không qua được hậu vệ Wolves. |
Tình huống tương tự ở phút 42, Cavani gần như bỏ quên Greenwood băng lên rất trống trải bên cánh phải. |
Tiền đạo người Uruguay lựa chọn dứt điểm từ xa, thay vì phương án dễ thành bàn hơn là chuyền cho Greenwood. |
Chứng kiến điều đó, tờ Daily Mail lại đặt ra câu hỏi: "Phải chăng những ngôi sao Man Utd đang tìm cách lật ghế HLV thêm một lần nữa?". Tờ báo này mô tả bầu không khí ở Carrington sau trận đấu với Wolves là ngột ngạt. Hơn một nửa đội hình Man Utd cảm thấy khó chịu và chỉ chăm chăm vào cảm xúc cá nhân, mà quên đi phải cùng tập thể đứng dậy.
Hồi tháng 11 năm ngoái, C.Ronaldo từng tổ chức một buổi tiệc riêng để gắn kết các đồng đội nhưng… có một vài người vì lý do nào đó không muốn tham dự buổi tiệc. CR7 được cho rằng đã bị "sốc văn hóa" của Man Utd ở thời điểm hiện tại. Nó quá khác thời kỳ đầu mà anh từng thi đấu cho CLB dưới sự dẫn dắt của Sir Alex Ferguson.
Zlatan Ibrahimovic cũng cảm thấy như vậy khi đặt chân tới Old Trafford vào năm 2016. Tiền đạo người Thụy Điển mô tả trong cuốn tự truyện của mình: "Mọi người đều nghĩ rằng Man Utd là đội bóng hàng đầu thế giới, giàu có và quyền lực. Những điều đó có thể thấy từ bên ngoài. Nhưng khi tôi tới đó thì mới nhận ra rằng, đó là đội bóng nhỏ bé, có tâm lý khép kín".
Ở Mỹ, có một thuật ngữ dành riêng cho giới vận động viên là "những kẻ giết những HLV". Dường như điều đó đang tồn tại ở Man Utd. Roy Keane không ngần ngại cho rằng những cầu thủ Man Utd lật ghế của Mourinho. Ông cũng không ngạc nhiên nếu như Solskjaer cũng bị tương tự như vậy.
"Các cầu thủ Man Utd từng phản bội HLV Mourinho. Họ có thể cũng là vậy với Solskjaer. Man Utd đang có quá nhiều cầu thủ giả dối và họ là nỗi ô nhục của CLB"- Roy Keane tuyên bố thẳng với báo giới.
Sự xuất hiện của HLV Rangnick không giải quyết được vấn đề ở Man Utd, sự ích kỷ khiến họ đang ngày càng bị "đục rỗng tuếch" và chỉ là tập thể hào nhoáng ở bên ngoài. |
HLV Rangnick mang thứ bóng đá Gegen-pressing tới Man Utd cùng tham vọng vực dậy đế chế. Thế nhưng, có lẽ, chiến lược gia người Đức cũng chỉ "nhìn từ bề ngoài" (giống như lời của Ibrahimovic). Còn thực tại bên trong, mọi thứ phức tạp hơn rất nhiều.
Theo nguồn tin từ tờ Mirror, lúc này, có tới 11 cầu thủ đang đòi rời khỏi Man Utd. Một vài cái tên tiêu biểu có thể kể ra như Anthony Martial, Edinson Cavani, Donny van de Beek, Dean Henderson, Juan Mata và Jesse Lingard.
Trong khi đó, cũng theo nguồn tin này, có ba người khó chịu với sự xuất hiện của C.Ronaldo, đó là Harry Maguire, Edinson Cavani và Mason Greenwood. Đơn giản vì điều đó xâm phạm trực tiếp tới vị trí cũng như quyền lợi của họ tại CLB. Chi tiết này càng tô điểm hơn về sự ích kỷ của từng cá nhân.
Sự ích kỷ là một thứ dễ lây lan. Ban đầu, nó tới ở vài cá nhân đơn lẻ nhưng rồi sau đó, nó lan rộng tới cả đội bóng vì "đụng chạm quyền lợi". Trong sự nghiệp, HLV Rangnick có kinh nghiệm quản trị của nhiều đội bóng nhưng vấn đề ở chỗ, ông chưa bao giờ làm việc ở đội bóng lớn nào. Ngay cả khi đã thuê chuyên gia tâm lý học, Sascha Lense tới làm việc ở đội bóng, chiến lược gia người Đức cũng không thể ngăn chặn nổi tình hình.
Sự ích kỷ giống như thứ "mối mọt" đang ngày ngày đục khoét Man Utd, khiến cho tập thể này trở nên rỗng tuếch từ bên trong. Tất cả chỉ là vẻ ngoài hào nhoáng nhưng không hiệu quả.
Ý kiến bạn đọc (0)