Siêu lừa Mỹ hai lần bán Tháp Eiffel
Tháng 5-1925, một tờ báo tại Paris đăng tải bài viết về tình trạng xuống cấp của Tháp Eiffel. Hơn 30 năm sau khi tòa tháp biểu tượng nước Pháp được xây dựng, công trình khổng lồ bằng thép này đang thực sự cần một cuộc đại tu. Bài báo cũng nêu ý kiến cho rằng, chính phủ Pháp có thể cân nhắc phương án phá bỏ tháp để đỡ tốn kém hơn là tu sửa.
Ảnh “siêu lừa” Lustig trong hồ sơ truy nã của cảnh sát Mỹ. |
Hầu hết độc giả lướt qua bài báo đó sẽ nghĩ thầm: “C’est la vie!” (“Đời là thế”) rồi bỏ ngay khỏi đầu. Nhưng Victor Lustig không phải là một người trong số đó. Hắn là tay lừa khét tiếng bậc nhất thế giới. Khi đọc được bài báo, Lustig nghĩ ngay đến một âm mưu khiến hắn trở nên “vĩ đại”.
Thành thạo 5 ngoại ngữ khác nhau, sử dụng 22 tên giả, cộng với đầu óc tinh quái và ngoại hình “thôi miên” người khác, “siêu lừa” người Mỹ gốc Séc, Victor Lustig đã lừa được rất nhiều tiền và tài sản của người khác. Hắn ta bắt đầu chiêu lừa của mình trên những chuyến tàu du lịch đầy những vị khách giàu có. Một trong những chiêu của Lustig là đóng vai nhà sản xuất nhạc kịch Broadway, rồi dụ “con mồi” tham gia ngành công nghiệp giải trí bằng cách đầu tư vào những dự án sản xuất “trên giấy”. Cho tới năm 1925, Lustig đã bị bắt giữ trên 40 lần và bị nhiều cơ quan thực thi pháp luật khắp thế giới truy nã.
Lustig chưa bao giờ xúc tiến một vụ lừa mà không nghiên cứu và chuẩn bị thật cẩn trọng. Trong phi vụ tại Paris, hắn chuẩn bị một loạt các tài liệu giả để "hô biến" mình thành một quan chức chính phủ, với chức danh chính thức là Phó Tổng Giám đốc của Bộ Bưu chính Viễn thông. Sau đó Lustig gửi thư tới 5 nhà buôn sắt thép phế liệu nổi tiếng nhất tại Paris, mời 5 “đại gia” gặp gỡ tại một phòng hạng sang ở khách sạn để bàn chuyện làm ăn khẩn.
Sau bữa tối với rượu vang hảo hạng, Lustig thông báo rằng, chính phủ đã quyết định sẽ dỡ bỏ Tháp Eiffel và rao bán 7.000 tấn thép cho nhà thầu nào trả giá cao nhất. Lustig không quên gợi nhớ các vị khách rằng Tháp Eiffel ban đầu được xây dựng chỉ như một cổng chào cho Hội chợ Thế giới vào năm 1889 và chưa bao giờ nằm trong kế hoạch duy trì vĩnh cửu. Hắn còn dẫn lời nhà văn Pháp nổi tiếng Guy de Maupassant rằng: “Những gì sẽ trở thành suy nghĩ của thế hệ chúng ta là liệu ta có nên đập phăng cái khối kim tự tháp lêu nghêu này không”.
Lustig đã có một màn thể hiện đầy xúc động, giải thích rằng chi phí để duy trì Tháp Eiffel quá cao đã khiến chính phủ phải tính đến nước “cực chẳng đã” là dỡ bỏ công trình. Tất nhiên, đó cũng là một quyết định gây tranh cãi và vẫn giữ bí mật.
Vài ngày sau đó, cả 5 đại gia phế liệu đều nộp hồ sơ dự thầu. Nhưng Lustig đã chọn được con mồi của mình, đó là André Poisson. Hắn thông báo với Poisson rằng, ông ta đã giành được quyền thầu toàn bộ sắt thép phế liệu từ Tháp Eiffel khi bị tháo dỡ. Lustig tế nhị chia sẻ rằng những người “đầy tớ công” như ông ta trông ăn mặc bảnh bao nhưng thực ra chỉ nhận một đồng lương eo hẹp. Poisson lập tức hiểu ngay rằng đó là lời gợi ý phải chi “phong bì” nặng đô để bảo đảm gói thầu.
Tờ tiền 5 dollar giả do Lustig và đồng bọn làm ra. |
Với tiền trong tay, Lustig bỏ trốn đến Áo. Hắn sống thoải mái ở đó trong khi nạn nhân còn chưa biết họ bị lừa. Sau vài tuần, Lustig để ý báo chí Pháp xem có thấy đưa tin gì về vụ lừa dỡ Tháp Eiffel hay không, nhưng tuyệt nhiên không có gì. Hắn hiểu rằng, Poisson đành ngậm đắng nuốt cay với cú lừa vì không muốn ê chề trước mọi người.
Sáu tháng sau, Lustig trở lại Paris, và sử dụng lại đúng chiêu lừa trên với 5 nhà buôn phế liệu khác. Thật kỳ lạ, hắn lại bán được Tháp Eiffel một lần nữa. Nhưng lần này, nạn nhân đã đến trình báo cảnh sát và câu chuyện được phơi trên báo chí. Lustig nhanh chóng chuồn khỏi châu Âu tới Mỹ.
Hắn tiếp tục cuộc sống của một gã lừa đảo “lịch sự”, với những chiêu lừa như bán chiếc “hộp thần kỳ” có thể in ra tiền giả y như thật. Lustig còn nổi tiếng với việc qua mặt được cả ông trùm thế giới tội phạm ở Chicago, Al Capone. Hắn dụ Capone đầu tư 50.000 USD vào một dự án lừa đảo. Lustig để tiền nằm đó chừng 2 tháng, rồi quay lại nói với Capone rằng kế hoạch làm ăn thất bại. Khi Capone sắp nổi điên, Lustig mang trả lại ông trùm đủ 50.000 USD. Capone quá ấn tượng với phong cách làm ăn “sòng phẳng” của Lustig và thưởng cho hắn 1.000 USD.
Cuối cùng Lustig bị cảnh sát Mỹ bắt vào năm 1936 và bị kết án 11 năm tù. Hắn chết trong tù vào năm 1947.
Theo Báo Tin tức
Ý kiến bạn đọc (0)