Quản lý thị trường thiết bị làm mát: Chặn hàng "rởm", bảo vệ người tiêu dùng
BẮC GIANG - Vào mùa nắng nóng, nhu cầu mua sắm, sử dụng các mặt hàng, thiết bị làm mát tăng cao. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, kém chất lượng. Nhằm kiểm soát thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc.
Rao bán hàng không được phép nhập khẩu
Thời tiết miền Bắc đang bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Nhu cầu mua sắm, sử dụng các thiết bị làm mát của người dân tăng cao. Các cửa hàng, siêu thị bày bán nhiều mặt hàng với chủng loại, mẫu mã phong phú, giá cả phù hợp, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng song vẫn có những cá nhân, tổ chức bán hàng không rõ xuất xứ, khó kiểm chứng chất lượng. Đơn cử như hàng “Nhật bãi”, đây là những mặt hàng thiết bị điện tử, điện lạnh, sản phẩm công nghệ nội địa Nhật Bản nhưng người dân nước sở tại không sử dụng, trở thành phế liệu. Bằng nhiều cách, hàng “Nhật bãi” được nhập về Việt Nam. Một số món đồ vẫn có thể sử dụng, một số đã hỏng một phần hoặc toàn bộ. Người bán sửa chữa, vệ sinh lại máy móc trước khi tung ra thị trường.
|
Rao bán điều hòa "Nhật bãi" trên mạng xã hội. |
Liên hệ với một người bán hàng “Nhật bãi” tại thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) để hỏi mua điều hòa, người này nhiệt tình tư vấn: “Sử dụng điều hòa “Nhật bãi” thì khỏi chê rồi. Giá từ 8,5-15 triệu đồng/chiếc. Dùng điều hòa này chỉ có thích thôi, không bị khô da, rất tiết kiệm điện”. Khi người mua thắc mắc nếu hỏng thì tìm kiếm linh kiện thay thế có dễ dàng không thì người bán khẳng định: “Bên em bảo hành hai năm, lỗi một đổi một nhưng không thể hỏng được; là đơn vị uy tín, chị không phải lo về chất lượng vì ở đây chỉ bán hàng tuyển chọn". Ngỏ ý muốn đến cửa hàng để xem trực tiếp, người này nói: “Tất cả đều để trong kho, chị cứ kết bạn zalo rồi em tư vấn cụ thể”. Được biết, cơ sở này đã bán nhiều điều hòa “Nhật bãi” cho khách hàng ở trong và ngoài huyện. Điều hòa cũ là mặt hàng khó kiểm định về chất lượng và cũng không được phép nhập khẩu, kinh doanh trên thị trường.
Bên cạnh điều hòa, sản phẩm áo điều hòa cũng được nhiều người tìm mua để hạ nhiệt trong những ngày nắng nóng. Giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/áo. Nhiều người dân lao động chọn mua áo điều hòa giá rẻ vì phù hợp với túi tiền nhưng chỉ được ít ngày đã bị lỗi, hỏng. Bà Nguyễn Thị S, xã Đào Mỹ (Lạng Giang) phàn nàn: “Tôi mua một áo điều hòa giá 350 nghìn đồng và được người bán quảng cáo là hàng chất lượng. Khi mua, tôi cũng chỉ quan tâm tới giá, sản phẩm làm mát trong bao lâu mà không hỏi về nguồn gốc xuất xứ. Sử dụng được một tuần, thiết bị quạt lắp vào áo bị hỏng, không thể sửa chữa”. Hiện trên thị trường và trên mạng xã hội rao bán nhiều áo điều hòa giá rẻ nhưng được người bán khẳng định là hàng chính hãng, chất lượng tốt, tuy nhiên chất lượng khó kiểm chứng.
Tăng cường kiểm tra
Nghị định 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định rõ danh mục hàng hóa cấm xuất-nhập khẩu, trong đó có hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng đã qua sử dụng. Vì thế, việc kinh doanh điều hòa “Nhật bãi” nói riêng, các đồ điện tử cũ nhập lậu từ nước ngoài nói chung không có hóa đơn, giấy tờ liên quan đến sản phẩm, không được kiểm chứng chất lượng đều là mặt hàng bị cấm kinh doanh. Ngoài ra, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng quy định, hành vi nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng để tái chế bị nghiêm cấm. Cá nhân có hành vi nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện vật liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc trái quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để kinh doanh sẽ bị xử phạt hành chính từ 100-150 triệu đồng và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, hình thức xử phạt bổ sung. Đối với tổ chức, mức phạt tăng gấp đôi.
|
Lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh Huyên Khang, xã Đào Mỹ (Lạng Giang). |
Quy định là vậy nhưng thực tế việc kiểm tra, xử lý các vi phạm liên quan đến mặt hàng này vẫn gặp nhiều vướng mắc. Phần lớn người bán không có địa điểm kinh doanh cụ thể; bán hàng online nên gây khó khăn trong công tác nắm bắt, xử lý. Một bộ phận người tiêu dùng có tâm lý thích sử dụng hàng “bãi” nên người bán vẫn tìm mọi cách “tuồn” sản phẩm ra thị trường.
Nhận định thời gian tới, nhu cầu mua sắm các thiết bị làm mát tiếp tục tăng. Để bình ổn thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ đầu tháng 4/2024 đến nay, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý các vi phạm. Cuối tháng 5, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) phối hợp với Đội QLTT số 3 (Cục QLTT tỉnh) kiểm tra cơ sở kinh doanh Huyên Khang ở xã Đào Mỹ (Lạng Giang) phát hiện, thu giữ 400 bộ quạt của áo điều hòa cùng phụ kiện do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ; tổng trị giá 60 triệu đồng. Chủ cơ sở thừa nhận mua trôi nổi trên thị trường toàn bộ số hàng hóa trên để bán kiếm lời. Hộ kinh doanh Huyên Khang bị xử phạt 32,5 triệu đồng.
Mới đây, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp kiểm tra và xử lý hai trường hợp không niêm yết giá hàng hóa theo quy định (trong đó có nhiều mặt hàng, thiết bị làm mát như quạt, điều hòa các loại). Đó là hộ kinh doanh Vũ Văn Chính ở thị trấn Nham Biền (Yên Dũng) và Công ty TNHH Thương mại dịch vụ điện lạnh Thành Hưng, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang); tổng mức phạt gần 2,3 triệu đồng.
Đại diện lãnh đạo Cục QLTT tỉnh cho biết thêm, trong tháng 7 và tháng 8/2024, Cục QLTT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các phòng chuyên môn, Đội QLTT trực thuộc kiểm tra định kỳ, chuyên đề về các mặt hàng điện tử, điện lạnh để kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Khắc phục khó khăn về nhân lực, các phòng chuyên môn và đội QLTT phụ trách địa bàn tiếp tục quan tâm phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị liên quan để tuyên truyền, xử lý; phát huy vai trò của nhân dân trong thông báo, tố giác các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng nên lựa chọn địa chỉ uy tín để mua sản phẩm làm mát rõ nguồn gốc, không ham rẻ mua hàng kém chất lượng, trôi nổi.
Bài, ảnh: Thành Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)