Phiên chất vấn rất cần có "lửa"
Ông Hà Văn Bé, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND tỉnh) chất vấn về hoạt động của đài truyền thanh cơ sở trong một phiên giải trình. Ảnh: Mỹ Bình |
"Biết rồi mới hỏi"
Thực tế cho thấy, để tạo nên một phiên chất vấn và trả lời chất vấn hiệu quả phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó vấn đề quan trọng trước tiên là lựa chọn nội dung. Để phiên chất vấn không “nhạt”, nội dung đưa ra chất vấn phải là những vấn đề nóng bỏng, bức xúc, mang tính thời sự, đang có những bất cập trong quá trình thực hiện ở các địa phương. Không nhất thiết vấn đề nào đưa ra chất vấn cũng đòi hỏi phải là những vấn đề to tát, “có tầm”. Có thể, đó chỉ là một vấn đề vướng mắc, bất cập cụ thể ở một xã, một huyện trong quá trình thực thi chính sách.
Tuy nhiên, đó phải là vấn đề được nhiều người quan tâm, có tác động tới sự phát triển KT-XH, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Nguồn cung cấp thông tin tốt nhất cho mỗi đại biểu HĐND để lựa chọn vấn đề chất vấn chính là thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, thông qua công việc, sinh hoạt tiếp xúc hằng ngày, qua phản ánh của báo chí, dư luận. Hiểu rõ điều này, các đại biểu đang công tác ở cơ sở, đại biểu mới ứng cử lần đầu hoàn toàn có thể tự tin khi tham gia chất vấn.
Theo quy định của Điều 96- Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015: “Đại biểu HĐND có quyền chất vấn chủ tịch UBND, phó chủ tịch UBND, ủy viên UBND, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Người bị chất vấn phải trả lời về những vấn đề mà đại biểu HĐND chất vấn”. |
Ngoài việc lựa chọn vấn đề sát và trúng, để phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành công, người chất vấn và trả lời chất vấn phải có được những kỹ năng nhất định trong cách hỏi và trả lời. Trong cuộc sống hằng ngày, thường “không biết mới hỏi”, nhưng trong chất vấn của đại biểu HĐND là “biết rồi mới hỏi”.
Điều đó có nghĩa là trước khi đặt câu hỏi, đại biểu phải nắm được việc đó ra sao, bất cập thế nào, trách nhiệm thuộc về ai và phải nắm chắc một số chứng cứ mới có thể “theo keo”, hỏi tiếp các câu hỏi phụ nếu như người trả lời chất vấn trả lời quanh co, né tránh, không đúng vấn đề trọng tâm. Vì hỏi - đáp trực tiếp trên diễn đàn nên câu hỏi cũng phải ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để người nghe dễ hiểu, nhất là đối với các câu hỏi phụ, cả người hỏi và người trả lời không có văn bản chuẩn bị trước.
Đối với người trả lời chất vấn, câu trả lời nên đi thẳng vào vấn đề, giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu chất vấn và nêu rõ trách nhiệm nào thuộc về cá nhân, về ngành và giải pháp khắc phục. Nếu đưa ra những lời hứa, phải xem xét, cân nhắc trước về tính khả thi. Nếu đã hứa phải quyết tâm thực hiện. Trên thực tế, có những người đã trả lời tương đối tốt, thể hiện rõ trách nhiệm đối với những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, song không ít các tư lệnh ngành “mất điểm” với cử tri qua theo dõi truyền hình trực tiếp khi trả lời rườm rà, vòng vo, né tránh “đá bóng sang sân khác”, không làm rõ trách nhiệm của cá nhân, của ngành và giải pháp khắc phục.
Cần "lửa" nhiệt tình, trách nhiệm
Cùng với hai yếu tố nêu trên, để phiên chất vấn và trả lời chất vấn thành công còn có vai trò điều hành, dẫn dắt, kết nối linh hoạt của chủ tọa phiên họp (chủ tịch, phó chủ tịch HĐND); sự tham gia của cử tri qua số điện thoại đường dây nóng tạo thêm sự sinh động, tương tác; văn hóa trong chất vấn và trả lời chất vấn. Ngoài ra, còn có một yếu tố tuy không thuộc về kỹ năng hoạt động nhưng lại rất quan trọng đó chính là chất “lửa”, xuất phát từ tinh thần trách nhiệm, từ cái tâm của cả người chất vấn và người trả lời trước những vấn đề bức xúc mà cử tri đã quan tâm và chờ đợi hướng giải quyết.
Những năm qua, hoạt động của HĐND tỉnh ngày càng được đổi mới, nâng cao chất lượng, nhất là từ khi bước vào nhiệm kỳ 2016-2021, cũng là nhiệm kỳ đầu tiên hoạt động theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đặc biệt, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã có bước “đột phá” trong đổi mới hình thức và cách thức tổ chức.
Tại hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm hoạt động HĐND 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc tổ chức tại tỉnh Hà Giang trung tuần tháng 3-2017 vừa qua, những con số biết nói qua hoạt động của HĐND tỉnh Bắc Giang đã tạo ấn tượng đối với các tỉnh bạn. Bởi lẽ, mới qua 8 tháng của nhiệm kỳ mới, ngoài các hoạt động giám sát, khảo sát theo luật định, HĐND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức được 8 phiên họp thường kỳ hằng tháng của Thường trực HĐND và tại mỗi phiên họp đều có hoạt động giải trình qua chất vấn và trả lời chất vấn. Ngay tại kỳ họp thứ nhất của HĐND tỉnh (tháng 7-2016), có 29 câu hỏi chất vấn; tại kỳ họp thứ 2 (tháng 12-2016) có 46 câu hỏi chất vấn gửi về Thường trực HĐND tỉnh.
Hầu hết các ý kiến chất vấn đều phản ánh những vấn đề bức xúc, nóng bỏng đang là mối quan tâm của cử tri ở các địa phương như: Tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường ở nông thôn; đầu tư thiếu hiệu quả từ các mô hình ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ phát triển sản xuất; vấn đề nợ bảo hiểm xã hội của người lao động kéo dài tại các doanh nghiệp; tình trạng xe quá khổ quá tải lưu thông trên đường chậm được khắc phục... Trên cơ sở ý kiến chất vấn của các đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh đã yêu cầu thủ trưởng các ngành có liên quan giải trình, làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục, báo cáo lại kết quả thực hiện tại kỳ họp HĐND tỉnh lần sau.
Thiết nghĩ, để các phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đáp ứng sự mong đợi, tin tưởng của cử tri, đòi hỏi mỗi đại biểu HĐND không chỉ trau dồi, nâng cao hiểu biết, kỹ năng hoạt động mà còn phải luôn giữ trong mình chất “lửa” của nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm.
Lê Thị Huyền
Ý kiến bạn đọc (0)