Phi hạt nhân hóa Triều Tiên: Lộ trình dài hơi và đầy chông gai
Nếu như cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ nhất giữa ông Trump và ông Kim diễn ra hồi tháng 6 vừa qua chủ yếu mang tính biểu tượng thì cuộc gặp sắp tới sẽ bàn cụ thể các đường đi, nước bước để Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa. Chặng đường phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên sẽ rất dài, đòi hỏi Mỹ- Triều Tiên sẽ còn có thêm nhiều cuộc gặp thượng đỉnh khác.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên ngày 12-6 tại Singapore. |
Có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh ở Singapore cũng như nhiều cuộc gặp cấp cao sau đó đã mở ra một tiến trình ngoại giao trên bán đảo Triều Tiên. Thành quả có được từ cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều lần thứ nhất là việc Bình Nhưỡng cam kết thực hiện phi hạt nhân hóa, Mỹ-Hàn ngừng các cuộc tập trận chung và Triều Tiên trao trả số hài cốt binh sĩ Mỹ còn lại sau Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, việc thiếu tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa trong 4 tháng qua khiến Mỹ và Triều Tiên đang nỗ lực dàn xếp cho cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai.
Những thách thức thực sự đang chờ đợi bởi phi hạt nhân hóa Triều Tiên là một lộ trình dài hơi và đầy chông gai, cần phải giải quyết những khó khăn của vấn đề phi hạt nhân hóa. Những thách thức này cần được giải quyết trước khi có được những tiến triển mang tính kỹ thuật. Mỹ yêu cầu nhanh chóng tiến hành phi hạt nhân hóa theo nguyên tắc: Hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng (CVID), trong khi Triều Tiên muốn thực hiện giải trừ hạt nhân từng bước tương xứng với hành động của Mỹ.
CVID không phải là một mục tiêu mang tính thực tế bởi bất cứ thỏa thuận phi hạt nhân hóa nào - dù lớn hay nhỏ, mơ hồ hay rõ ràng - với chế độ hiện nay ở Triều Tiên cũng đều có thể bị đảo ngược. Với việc quá tập trung vào CVID, có một nguy cơ hiện hữu là những tiến triển đạt được gần đây có thể nhanh chóng tiêu tan.
Hiển nhiên, mục tiêu cấp bách nhất chính quyền Mỹ đặt ra trong vấn đề Triều Tiên là phi hạt nhân hóa, nhưng bất cứ nỗ lực nào hướng tới cái đích đó cũng phải phù hợp với một viễn cảnh lớn - theo đó có thể đưa Triều Tiên trở thành một nhà nước bình thường không có vũ khí hạt nhân. Mỹ và các đồng minh không nên đặt mục tiêu lật đổ chế độ cầm quyền hiện nay ở Bình Nhưỡng, mà thay vào đó cần hỗ trợ để nước này thiết lập mối quan hệ bình thường với thế giới bên ngoài, cũng như bảo đảm để Triều Tiên trở thành một quốc gia bình thường trong tương lai.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un - lần thứ ba gặp nhau trong năm nay. |
Mỹ cần phải rất thực tế khi đối phó với một Triều Tiên nhiều khả năng không muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Triều Tiên có kỹ thuật và nhân lực để lắp ráp các loại vũ khí hạt nhân mới chỉ trong vài tháng hoặc vài tuần. Ngay cả ở thời điểm hiện tại, bất chấp lời hứa hẹn sẽ tiến tới phi hạt nhân hóa, các kỹ sư hạt nhân Triều Tiên vẫn có thể đào tạo một thế hệ chuyên gia về vũ khí hạt nhân cho tương lai.
Vấn đề phi hạt nhân hóa có kiểm chứng cũng đứng trước nhiều thách thức lớn. Cho dù Triều Tiên vừa cam kết sẽ mời các quan sát viên quốc tế tới bãi thử hạt nhân Punggye-ri bị phá dỡ hồi tháng 5 vừa qua, những điều đó cũng không có nhiều tác động thực tế đến quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Cho đến nay, Bình Nhưỡng chưa hề công khai bản danh sách các kho vũ khí hạt nhân, các cơ sở sản xuất và kho chứa nguyên liệu urani. Ngay cả khi các thanh sát viên quốc tế và Mỹ được tự do đi lại ở Triều Tiên thì việc xác định các cơ sở làm giàu urani, các bệ phóng tên lửa di động cũng rất khó thực hiện.
"Trái tim" của chương trình phát triển hạt nhân ở Triều Tiên chính là tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Là một tổ hợp cách Bình Nhưỡng khoảng 100 km về phía Bắc, Yongbyon được biết đến là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên và cũng là nơi sản sinh ra chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Theo 38 North, lò phản ứng ở Yongbyon hoạt động thì mỗi năm có thể sản xuất khoảng 6 kg plutoni, đủ để sản xuất khoảng 2 quả bom hạt nhân. Hiện Bình Nhưỡng khẳng định sẽ chỉ phá hủy tổ hợp Yongbyon nếu Mỹ thực thi những hàng động tương xứng.
Bãi thử hạt nhân Triều Tiên bị phá hủy. |
Mặc dù Triều Tiên luôn phủ nhận sự tồn tại của các cơ sở bí mật khác, song truyền thông Mỹ dẫn các nguồn tin tình báo lại cho biết trong nhiều tháng trở lại đây chính quyền Kim Jong-un đã cho tiến hành làm giàu urani tại một cơ sở bí mật ở ngoại ô Bình Nhưỡng, vốn được biết đến với tên gọi Kangson. Triều Tiên cũng đã tiến tới phát triển loại tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng, có thể phóng từ các loại bệ phóng di động khó phát hiện. Ngoài ra, kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hiện nay cũng rất mơ hồ. Giới chức tình báo Mỹ ước tính Triều Tiên hiện sở hữu khoảng từ 30-60 đầu đạn hạt nhân, trong khi đó Cơ quan tình báo Hàn Quốc hồi tháng trước nói rằng số lượng đó là khoảng 100.
Để thực hiện vấn đề phi hạt nhân hóa, chính quyền Bình Nhưỡng muốn Mỹ và Hàn Quốc trước tiên phải đưa ra một tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Gần 7 thập kỷ sau hiệp định đình chiến mang tính lịch sử, hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong thời chiến. Việc Mỹ đồng ý ra tuyên bố kết thúc chiến tranh và ký kết hiệp định hòa bình với Triều Tiên sẽ kéo theo hệ lụy là Washington phải chấm dứt các cuộc tập trận với Hàn Quốc, đồng thời rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên, đây là điều mà Bình Nhưỡng rất muốn để bảo đảm khả năng không bị tấn công bất ngờ.
Cho dù Tổng thống Trump đã úp mở khả năng sẵn sàng ra một tuyên bố như vậy, nhưng rất nhiều thế lực chính trị ở Mỹ đang gây sức ép với ông Trump, với họ một tuyên bố hòa bình không nên có trước những tiến triển trong vấn đề hạt nhân. Nhiều đảng phái chính trị ở Hàn Quốc cũng không muốn Mỹ rút lại "chiếc ô an ninh" bảo vệ Hàn Quốc suốt nhiều thập kỷ qua.
Gần 7 thập kỷ sau hiệp định đình chiến mang tính lịch sử, hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong thời chiến. Việc Mỹ đồng ý ra tuyên bố kết thúc chiến tranh và ký kết hiệp định hòa bình với Triều Tiên sẽ kéo theo hệ lụy là Washington phải chấm dứt các cuộc tập trận với Hàn Quốc, đồng thời rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên. |
Rõ ràng, chiến lược "ngoại giao thượng đỉnh" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong nửa đầu năm 2018 đã góp phần làm thay đổi một cách ngoạn mục tình hình chính trị khu vực. Những tiến triển hậu cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore cũng như các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều gần đây cho thấy Triều Tiên đã đặt ra lộ trình phù hợp nhất cho họ. Phía Triều Tiên hoàn toàn không cần vội vã bởi không giống như ông Trump hoặc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, nhà lãnh đạo Kim Jong-un không bị hạn chế về thời gian và theo đó có thể đặt mục tiêu dài hơi hơn.
Việc Tổng thống Trump chờ đợi tới sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào 6-11 tới mới tiến hành cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên cho thấy bầu cử giữa kỳ là một nhân tố quan trọng để dự báo viễn cảnh các cuộc đàm phán Mỹ-Triều. Nếu đảng Cộng hòa mất quyền kiểm soát Hạ viện, và có khả năng là cả Thượng viện, ông Trump sẽ bị suy yếu về mặt chính trị, khiến ông khó có khả năng theo đuổi tiến trình phi hạt nhân hóa một cách nhanh chóng với Triều Tiên.
Ngoài ra, nhiều nhà quan sát cho rằng quan hệ liên Triều cải thiện mạnh mẽ có thể gây ảnh hưởng ngược, làm chậm tiến trình phi hạt nhân hóa. Hàn Quốc có thể sẵn sàng hỗ trợ kinh tế cho Triều Tiên trong bối cảnh nền kinh tế này trì trệ do phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế. Nếu ông Kim Jong-un nhận được những gì mà ông ta mong muốn từ Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong lĩnh vực kinh tế, Triều Tiên có thể sẽ "không còn động lực" để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa nữa.
Thanh Bình
Ý kiến bạn đọc (0)