Ông Hoàng Đình Quê giành giải Nhất Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ X
BẮC GIANG - Ông Hoàng Đình Quê, thôn Quỳnh Sơn, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) vừa được trao giải Nhất Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc" lần thứ X với giải pháp: “Quản lý chất thải trong trang trại chăn nuôi lợn theo hướng kinh tế tuần hoàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Ngày 3/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức trao giải Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" lần thứ X (2023 - 2024).
Ông Hoàng Đình Quê (bên phải) nhận giải Nhất Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" lần thứ X -2024. |
Tại Cuộc thi này, ông Hoàng Đình Quê (SN 1970) - chủ trang trại chăn nuôi lợn ở thôn Quỳnh Sơn đã giành giải Nhất toàn quốc (lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản) với giải pháp: “Quản lý chất thải trong trang trại chăn nuôi lợn theo hướng kinh tế tuần hoàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Gia đình ông Quê có trang trại lợn nuôi gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, mỗi lứa khoảng 2.000 con. Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, năm 2022, ông Quê đã cải tiến mô hình chăn nuôi hiện tại của gia đình theo hướng tuần hoàn.
Giải pháp của ông là sử dụng khí gas từ chất thải chăn nuôi để chạy máy phát điện. Theo đó, ông cải tiến 2 hầm khí gas diện tích 3.000m2, đủ ga để chạy máy phát điện. Theo tính toán, trước đó gia đình tiêu thụ điện lưới mỗi tháng hết từ 50-60 triệu đồng (tương đương 600-700 triệu đồng/năm). Khi có máy phát điện, ông Quê tận dụng được từ khí gas, mỗi tháng tiết kiệm được từ 25-30 triệu đồng, không lo bị mất điện.
Mô hình tuần hoàn khép kín tại trang trại của ông Hoàng Đình Quê. |
Tiếp theo, chất thải cứng ông đem nuôi giun trùn quế. Giun cỡ to phục vụ chăn nuôi, giảm nguồn thức ăn, phân trùn quế bán phục vụ trồng trọt. Mỗi năm gia đình ông thu lãi từ 400- 450 triệu đồng. Phân trùn quế không chỉ bán ra thị trường, ông còn để bón cho 5.000m2 nhà màng, nhà lưới trồng dưa lưới, dưa chuột, rau sạch của gia đình, cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Nước thải của lợn, qua phân tích bảo đảm tiêu chuẩn, ông đem tưới cho các loại cây ăn quả, rửa chuồng trại...
Hiệu quả kinh tế khi áp dụng mô hình tuần hoàn hoàn chỉnh, tăng thu nhập cho gia đình 500-600 triệu đồng/năm so với khi chưa áp dụng. Tồng thu nhập của gia đình hiện nay từ 2,5 - 3 tỷ đồng/năm. Đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái trong lành, hạn chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe con người.
Theo ông Quê, giải pháp này có thể áp dụng tại các trang trại quy mô từ 500 con/lứa trở lên, rất phù hợp với các xã, thôn xây dựng nông thôn mới.
Ông Hoàng Đình Quê thao tác cho lợn ăn thông qua điện thoại di động. |
Trao đổi với lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang được biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.000 trang trại chăn nuôi lợn. Quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, vấn đề chất thải chăn nuôi gắn bảo vệ môi trường sinh thái được quan tâm hàng đầu.
Vì vậy, giải pháp “Quản lý chất thải trong trang trại chăn nuôi lợn theo hướng kinh tế tuần hoàn, đem lại hiệu quả kinh tế cao” của ông Hoàng Đình Quê có ý nghĩa thiết thực, có thể áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, được Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp và đánh giá mô hình mới hoàn chỉnh, mô hình điểm của tỉnh Bắc Giang và các tỉnh miền Bắc.
Năm 2023, với đề tài này, ông Quê tham gia dự Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông do UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức và đoạt giải Nhất. Năm 2024 ông vinh dự được Hiệp Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trao Giấy Chứng nhận cơ sở chăn nuôi tuần hoàn đạt danh hiệu doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để hàng hoá, thương hiệu Việt Nam phát triển.
Ông Quê được công nhận là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021"; được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú" năm 2022.
Ông Hoàng Đình Quê (người chính giữa) chụp ảnh lưu niệm với cán bộ Hội Nông dân. |
Được biết, Cuộc thi "Sáng tạo kỹ thuật nhà nông" toàn quốc lần thứ X (2023 - 2024), Ban Tổ chức nhận được 88 giải pháp sáng tạo kỹ thuật của 36/63 tỉnh, TP trên cả nước. Tác giả tham gia ở 3 lĩnh vực: Cơ khí và chế biến; Chăn nuôi và thuỷ sản; Trồng trọt, sinh học và môi trường. Mỗi lĩnh vực có 1 bộ giải thưởng gồm: 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba và 5 giải Khuyến khích.
Ý kiến bạn đọc (0)