Bắc Giang: Nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường
BẮC GIANG - Trước hiệu quả của mô hình canh tác lúa thân thiện môi trường, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đang thực hiện các giải pháp nhân rộng.
Theo đó, Hội Nông dân ban hành Đề án “Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2025-2030”.
Tổng kinh phí thực hiện khoảng 47,5 tỷ đồng (từ nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn đối ứng của nhân dân) nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm xây dựng được mô hình trình diễn trên diện tích 500 ha lúa 2 vụ/năm; đến năm 2030 xây dựng được mô hình trình diễn trên tổng diện tích 3 nghìn ha lúa được sản xuất theo kỹ thuật canh tác thân thiện với môi trường.
Một góc cánh đồng lúa xã Xuân Phú (Yên Dũng). |
Phấn đấu đến năm 2030 có trên 45 nghìn hộ nông dân áp dụng 1 trong 3 kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; ít nhất 70% rơm rạ tại các vùng trồng được thu gom hoặc xử lý bằng chế phẩm xử lý rơm rạ tại đồng ruộng.
Thành lập được ít nhất 2 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh lúa gạo thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị sản phẩm gạo trồng theo phương pháp canh tác thân thiện với môi trường. Đồng thời tiếp tục tổ chức tập huấn, trang bị kiến thức cho cán bộ hội nông dân các cấp trong tỉnh về canh tác lúa thân thiện với môi trường và kỹ năng cần thiết để trở thành tuyên truyền viên vận động nông dân áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án, Hội Nông dân tỉnh tập trung làm tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo thực hiện việc triển khai các nội dung của Đề án đến các cấp Hội trong tỉnh.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền, đào tạo và tập huấn, phổ biến kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; kịp thời phát hiện, thông tin những mô hình, điển hình, cách làm mới đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất lúa.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng quy trình sản xuất lúa thân thiện với môi trường để nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho các hộ nông dân, vừa đào tạo vừa thực hành và thăm quan các mô hình trong và ngoài tỉnh. Lựa chọn, xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên trong cộng đồng là những chủ hộ tham gia mô hình có trình độ, sức khỏe, trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác cộng đồng.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP, thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm lúa gạo thân thiện với môi trường gắn với các điểm, tour du lịch trong tỉnh.
Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, giảm phụ thuộc vào phân bón và thuốc bảo vệ thực vật gây ảnh hưởng đến chất lượng gạo, gây ô nhiễm môi trường, nhằm tăng năng suất và chất lượng gạo. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo; nâng cao năng lực tổ chức của các Hợp tác xã, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo.
Hội Nông dân tỉnh đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến, tuyên tuyền các chủ trương, nội dung hỗ trợ của Đề án để các tổ chức, cá nhân và nông dân biết triển khai thực hiện có hiệu quả. Chỉ đạo, quản lý phát triển vùng sản xuất lúa áp dụng canh tác thân thiện với môi trường trên địa bàn theo Đề án đã được phê duyệt. Chủ động trích ngân sách địa phương hỗ trợ thêm cho phát triển sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Được biết, những năm qua, giải pháp canh tác lúa thân thiện môi trường triển khai trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực. So với ruộng đối chứng, diện tích lúa áp dụng các kỹ thuật này có bộ rễ phát triển mạnh, cây cứng khỏe, khả năng chống lại sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe hơn, năng suất lúa tăng từ 20-30%. Đặc biệt giảm chi phí canh tác, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.
Ý kiến bạn đọc (0)