Nụ cười trong nắng thu
Nhà đóng cửa. Cách đó chừng mươi mét, lại có một nhà nữa cũng đóng cửa, nhà kế đó cũng vậy. Về rồi kìa. Xe máy cùi bắp, gọi đại vậy vì nghe tiếng nổ chứ không biết phải gọi nó là chiếc xe gì nữa. Y như một cái lõi sắt có gắn động cơ vậy. Thấy hai vợ chồng về, tôi chủ động nở một nụ cười chào. Anh chồng làm như không thấy tôi, đi thẳng vào nhà. (Cảnh này quen rồi, không sao).
Ảnh minh họa. |
Chị vợ đứng lại trước mặt, nhưng vẫn không cười, tôi cũng không được hưởng cái vinh dự được mời vào nhà. Lúng túng, ngượng ngập, chắc là cả hai. Hiểu chị thấy ngại có người lạ chờ trong khi nhà cửa rách nát, tôi không khách khí mà giới thiệu luôn mình là giáo viên ở trường THCS, vì nghe em Huệ học xong lớp 5 nhưng năm học tới sẽ không ra lớp 6 nữa nên mới tới nhà tìm hiểu nguyên do, mong gia đình thu xếp cho em được đến trường.
Chị nói làm về mệt, giờ muốn đi nghỉ sớm. Còn chuyện học của bé Huệ, cảm ơn cô đã quan tâm nhưng cháu nó sẽ không đi học nữa, biết đọc biết viết là được rồi. Thấy tôi còn đứng lại với đôi mắt buồn, chị giải thích: Nó không muốn học nữa đâu cô. Vậy cũng tốt, chán học thì ở nhà chăm em cho mẹ đi làm. Chị nói mà không nhìn vào ai, y như nói bâng quơ một chuyện rất khách quan. Chị nói xong thì đi vào nhà, bỏ tôi đứng chơ vơ trên cái sân đất.
Tôi lại gần cô học trò, nói nhỏ:
- Nghe mẹ nói em không muốn đi học nữa hả ?
- Dạ, vì nhà còn em nhỏ, không có ai trông em nên...
Trả lời rất khéo, tôi tin vào sự thông minh này.
- Có nghĩa em muốn đi học mà nhà không có điều kiện hả?
Em rón rén gật đầu.
Được rồi. Tự ra cho mình một lời hứa và bắt mình phải giữ chữ tín.
Ngày hôm sau, tôi cũng đến sớm, tính lại ngồi đợi. Không ngờ tôi vừa tắt máy, chưa kịp leo xuống xe đã nghe: Bảo cô ấy về đi, mẹ rất mệt. Mày cũng nói luôn đi, hết muốn học rồi. Nói rõ cho cô khỏi mất công.
Chắc chị cố tình nói to để tôi phật ý mà về. Nhưng dễ gì, đây nào phải lần đầu, mười sáu năm đi dạy trên núi, tôi đã gặp cả trăm tình huống tương tự. Tôi vờ không nghe, bước thẳng vào cửa, giọng dịu dàng:
- Chị ơi, ra em gặp một chút, một chút xíu thôi, được không chị?!
Chị vẫn không ra. Tôi đành đứng ngay cửa, nói to rõ từng từ:
- Dạ chị, em đã vận động được một ít từ các nhà hảo tâm, giờ em gửi chị như món quà nhỏ để chị mua bánh, sữa cho các cháu.
Từ trong nhà, tiếng nói khàn khàn vọng ra:
-Cảm ơn cô đã quan tâm nhưng gia đình chúng tôi không nhận được.
Tôi biết người bố đã lên tiếng, giọng rất quyết liệt.
Tôi có cảm giác như mình vừa bước hụt tới mấy nấc cấp. Tôi “dạ” yếu ớt, không giấu được nỗi buồn qua giọng nói. Tôi không thể nhớ mình đã bao lần mang tiền đến tiếp sức cho học trò nhưng đây là lần đầu bị từ chối, lại bị từ chối một cách rất phũ phàng nữa chứ. Mặt lúc đó chắc đã buồn thiu, nhưng tôi quyết không bỏ cuộc, đành dùng bài năn nỉ như thường lệ:
- Dạ, tiền này em xin chứ không phải của em hay của trường nên anh chị đừng ngại. Em hứa, chỉ cần chị cho bé Huệ ra lớp, em sẽ bảo đảm các khoản nộp ở trường, cho đến khi nào em rời trường.
- Không, tôi không nhận đâu cô. Huệ sẽ ở nhà.
Chị nói xong thì đi vào nhà tắt đèn, bỏ cô giáo và bé Huệ tay còn cầm củ mì đứng ngập trong bóng tối. Bất cần đến khó chịu là một kiểu đuổi trực tiếp chứ chẳng thèm đuổi khéo.
Tôi về, ngồi trên xe mà nước trào ra mi không kịp lau. Không khóc sao được, đường núi dốc sỏi đá, tôi từ xưa đến giờ có dám đi xe quá 35 km/h đâu. Tối mù, ngồi trên xe một mình, gió núi hú lên từng hồi cùng tiếng xạc xào của lá - sợ đến mức nổi da gà. Chạy xe mà không thể tập trung, đầu cứ nghĩ mông lung. Đây có thể xem là “cú sốc” đầu tiên trong hành trình vận động học sinh ra lớp. Đã là “sốc” thì kiểu gì cũng choáng váng. Mà choáng thật. Xe ngã cái rầm sau khi chủ nhân tỉnh bơ chạy qua một ổ voi. Cũng may đoạn này đã gần ra đường lớn rồi. Tôi ngã đúng lúc có người tình cờ đi ngang. Cô giáo được giúp đỡ đến phút chót. Thật may, vì mình là cô giáo - tôi thầm nghĩ.
Cú ngã nhẹ như giả vờ nhưng hậu quả là có thật. Lúc ấy chỉ cảm thấy cái chân bị bánh xe đè hơi đau thôi. “Quý nhân” hỏi có sao thì tôi nói không, leo lên xe về nhưng tới cửa lại phải gọi người thân ra dìu vào nhà. Cả đêm người đau nhức, trằn trọc đủ bề, lý do chồng lý do, sáng dậy mắt thâm quầng.
Tôi được chở gấp đến bệnh viện. Bác sĩ kết luận đã bị rạn đầu dưới của xương ống chân. Gia đình, đặc biệt ông chồng kính mến bắt nằm yên một chỗ. Tôi hậm hực đòi đi. Chồng nổi cáu. Dạy dỗ là chuyện cả đời chứ ngày một ngày hai đâu... Trời ơi, phải nói thế nào để chồng hiểu, chuyện đâu dừng lại ở việc dạy dỗ. Mà cũng vì hiểu dạy dỗ là chuyện cả đời nên lúc “cam go” thế này tôi lòng nào mà “nghỉ dưỡng”. Lại nói chuyện dễ dàng bỏ cuộc không phải tính cách tôi.
Tai nạn xoàng nhưng bác hàng xóm nghe tin nên đến thăm. Tôi kể đầu đuôi câu chuyện, nhân tiện kể luôn chuyện phụ huynh từ chối tiền hỗ trợ cho bé. Bác giải thích: Người ta không dám nhận, vì nghĩ nếu nhận tiền thì phải “trả” bằng cách để con tới trường. Họ nghèo nhưng tính khảng khái lắm. Cái gì không trả được thì không nhận của ai đâu. Ồ, hiểu rồi. Nếu vậy, tôi sẽ phải đến nhà chị ấy lần nữa.
Tôi van lơn, nếu không cho đi một mình thì anh chở dùm em đi. Không ngờ chồng tôi hét lên: Nếu có chuyện gấp cần làm thì nhờ đồng nghiệp đi. Không khéo rồi lại “tiền mất tật mang”. Tôi tiu nghỉu không dám đả động gì đến chuyện đó nữa. Nằm ngoan ngoãn trên giường, tôi nghĩ nếu tinh ý, chồng phải thấy dáng vẻ chưa muốn bỏ cuộc của tôi nhưng hình như anh không bận tâm. Buồn. Cảm thấy đơn độc trên hành trình của mình.
Cũng may, chắc là ý trời. Hôm sau, chồng bất ngờ có lệnh đi công tác. Tôi vội điện cho cô bạn đồng nghiệp thân thiết, kêu chở dùm đến nhà em Huệ. Tính tôi là vậy, chừng nào đã nỗ lực tới cùng mà vẫn thua mới chấp nhận nỗi đau bất lực.
- Chị ơi, cho em xin gặp chút.
Lần này chị có vẻ nhượng bộ trước sự có mặt của tôi. Không có ý đuổi nữa, chị từ trong nhà bước ra, hỏi thiện chí:
- Có chuyện gì nữa vậy cô ?
- Dạ, em muốn gửi quà của các nhà hảo tâm tặng mấy bé. Chị nhận giùm em đi - giọng nhão ra, năn nỉ - chứ em lỡ nhận của người ta, giờ chị không nhận em biết tính sao? Những nhà hảo tâm giúp đỡ vì Huệ cũng như những đứa trẻ bằng tuổi khác có hoàn cảnh khó khăn, chỉ vậy thôi. Còn chuyện Huệ có được đến trường hay không thì do gia đình quyết định, em hứa không nhắc lại chuyện này nữa.
Ngập ngừng một chút, lưỡng lự nhưng cuối cùng chị cũng nhận và nói cảm ơn. Tôi cũng vui vẻ xin phép chị ra về. Yên tâm mình đã làm hết sức rồi tự an ủi: Không phải đứa trẻ nào không đến trường cũng là điều bất hạnh. Nhưng thật lòng tôi biết, an ủi cũng chỉ là an ủi, lại phải nhâm nhi cảm giác bất lực thật khó chịu.
* * *
Khai giảng đến rồi!
Sáng đó tôi đến trường sớm, phụ làm những công việc để chuẩn bị buổi lễ, xong đâu đó sẽ tìm một góc ngồi thuận tiện nhất. Tôi thích cái cảm giác được nhìn ngắm những gương mặt hồn nhiên, hớn hở trong buổi khai trường.
Đang mỉm cười cùng một nhóm học trò tụm năm tụm bảy ở dưới gốc cây bàng, tôi nghe thấy tiếng nói rất nhỏ: “ Em chào cô!”. Tôi quay lại: “Ôi!!”. Tôi không tìm được từ nào để diễn tả cảm giác bất ngờ vỡ òa vui mừng sau từ “ôi” đó. Tôi cười hết cỡ, vội đứng dậy cầm tay Huệ: “Mẹ cho em đi học rồi à?”. “Dạ, mẹ nói cứ đi, chừng nào không có người trông em, không có tiền đóng học nữa thì nghỉ”. "Ồ, không sao. Mẹ cho đi khai giảng là đã mở cánh cổng tương lai cho em rồi đó, cứ đến trường và học thật tốt nhé, những thứ khác, cô sẽ tìm cách lo…". Tôi cầm chặt tay em cho đến khi có tiếng gọi của cô giáo dẫn chương trình: “Mời các thầy cô và các em học sinh về chỗ để chuẩn bị bắt đầu buổi lễ khai giảng…”. Cô trò rời tay đi về chỗ của mình, hai nụ cười rạng ngời, trong trẻo như nắng mùa thu….
Truyện ngắn của Nguyễn Thị Bích Nhàn
Ý kiến bạn đọc (0)