Nông nghiệp Bắc Giang - Khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế
Tăng trưởng ấn tượng
Thành quả nổi bật, dễ thấy nhất của ngành nông nghiệp trong năm nay là chăn nuôi lợn. Chưa bao giờ người dân lại thu nhập cao từ nuôi lợn như hiện tại và thời gian qua. Vừa xuất lứa lợn thương phẩm hơn 50 con, gia đình anh Hoàng Văn Thuận, thôn Ngòi Lan, xã Lan Giới (Tân Yên) thu về hơn 300 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Anh Thuận phấn khởi: “Gia đình tôi nuôi 60 con lợn nái nên chủ động được con giống. Thức ăn chăn nuôi hiện ổn định, giá thành giảm, mỗi con lợn (nặng 1,2 tạ) lãi hơn 6 triệu đồng”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT thăm mô hình cấy lúa - nuôi cua tại xã Bắc Lũng (Lục Nam). |
Hiện nay, gia đình anh Thuận còn hơn 130 con lợn thịt, dự kiến được bán vào cuối năm nay. Được biết, anh Thuận là một trong những người có kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm trong xã song đợt dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào năm ngoái, đàn lợn của gia đình anh vẫn bị chết hàng loạt, thiệt hại kinh tế nặng nề. Nhận định tình hình thị trường, ngay khi dịch lắng xuống, anh vệ sinh chuồng trại, vào đàn lứa mới. Do tuân thủ quy trình phòng bệnh, đàn lợn lớn nhanh, khỏe mạnh.
* Tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân đạt 1,9%/năm. * Giá trị sản xuất bình quân/1 ha đất nông nghiệp ước đạt 110 triệu đồng. * Xây dựng được 766 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết 130 của Tỉnh ủy. |
Lợi nhuận lớn, người dân tiếp tục mở rộng, yên tâm tái đàn nên tổng đàn lợn của tỉnh tăng nhanh. Hết tháng 9 năm nay, toàn tỉnh có 915 nghìn con lợn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng mạnh, đạt 123,6 nghìn tấn. Giá lợn cao kéo theo giá các vật nuôi như: Gà, cá, vịt tăng lên do người tiêu dùng sử dụng các thực phẩm này bù vào lượng thịt lợn thiếu hụt hoặc để tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Tổng đàn gia cầm vì thế tăng mạnh, hiện đạt hơn 18 triệu con (tăng hơn 2,6 triệu con so với cùng kỳ năm 2019), trong đó đàn gà hơn 15,7 triệu con; đàn thủy cầm hơn 2,3 triệu con.
Năm 2020 cũng đánh dấu sự sáng tạo, đổi mới trong tiêu thụ vải thiều để có một mùa quả thành công. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỉnh đã chuyển sang hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến, vải thiều nhờ đó tiêu thụ thuận lợi ở tất cả các thị trường. Đặc biệt, đã xuất khẩu thành công vào thị trường khó tính Nhật Bản và được người tiêu dùng sở tại đón nhận, tạo tiền đề cho những vụ vải tới. Sau mùa vải, Bắc Giang lại nối tiếp mùa na, nhãn “ngọt” bởi sản phẩm tiếp tục được mùa, được giá. Vụ lúa mùa cũng bội thu, năng suất tăng. Cùng đó, cây có múi đang cho thu hoạch với nhiều tín hiệu vui. Theo Cục Thống kê, với kết quả trên, giá trị ngành nông nghiệp 9 tháng năm nay ước đạt hơn 14,4 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 5,89% so với cùng kỳ. Dự kiến, cả năm 2020, tăng trưởng lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 7,2%, cao nhất từ trước đến nay.
Phát triển theo trục chủ lực
Những kết quả trên thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nông nghiệp đối với nền kinh tế. Những tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch vụ, công nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp vẫn tăng. Để có kết quả trên, ngành thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ.
Ngay những ngày đầu năm, trong tỉnh xuất hiện mưa đá; tiếp đến, dịch tả lợn châu Phi vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc tái đàn... Theo đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, nắm rõ những bất lợi, ngành đã chủ động giải pháp bình ổn lương thực, thực phẩm. Sản lượng nông sản dồi dào, đa dạng, bảo đảm cung cấp đủ nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đời sống người dân ổn định, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền.
Tuy nhiên, thời gian tới, dự báo vẫn còn nhiều thách thức, để giữ vững mục tiêu tăng trưởng, ngành nông nghiệp tiếp tục tái cơ cấu mạnh mẽ và tháo gỡ những khó khăn nội tại. Bắc Giang là tỉnh nông nghiệp đặc thù, đó là đa dạng sản phẩm trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế địa phương nhưng vẫn có trục chủ lực gồm: Lợn, gà, cây ăn quả, đặc sản địa phương. Vì vậy, tỉnh luôn định hướng theo hướng này, duy trì đi theo trục. Trước mắt, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân khẩn trương thu hoạch lúa mùa; đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông, bảo đảm khung thời vụ. Mặt khác, thực hiện tốt tháng tiêu độc khử trùng đợt 2, tạo “lá chắn” an toàn bảo vệ đàn vật nuôi. Tuy vậy, đây cũng là thời điểm chuẩn bị sản phẩm phục vụ cho trước và sau Tết Nguyên đán, người dân tập trung tái đàn lợn, gia cầm song không được chủ quan với dịch bệnh. Chuẩn bị tốt hội nghị xúc tiến thương mại cho cam, bưởi. Làm tốt những nhiệm vụ trên cũng là tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Trịnh Lan
Ý kiến bạn đọc (0)