Nhiều doanh nghiệp cổ phần chậm thoái vốn nhà nước, vì sao?
Nhiều DN chưa hoàn thành
Giai đoạn 2017-2020, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh tập trung thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần nhằm bảo đảm nguồn thu cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016- 2020 và thúc đẩy tái cơ cấu DN.
![]() |
Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang là một trong những doanh nghiệp chậm thoái vốn nhà nước theo kế hoạch. |
Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thoái vốn đối với 12 DN theo lộ trình. Đợt một từ tháng 10 đến hết tháng 12-2017, UBND tỉnh yêu cầu 5 đơn vị cổ phần, gồm: Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang (TP Bắc Giang); Công ty cổ phần Xây dựng giao thông Bắc Giang; Công ty cổ phần Hồng Thái (Việt Yên); Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang; Công ty cổ phần Sách giáo khoa và Thiết bị trường học có vốn góp nhà nước dưới 50% thoái toàn bộ vốn.
Đợt hai, từ tháng 10-2017 đến tháng 6-2018, các công ty cổ phần: Quản lý và Xây dựng đường bộ Bắc Giang; Thuốc lá và Thực phẩm (TP Bắc Giang); Thương mại và Dịch vụ Hiệp Hòa thoái xong vốn. Giữa năm ngoái, tỉnh tiếp tục có văn bản điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thoái vốn đối với một số DN.
Công ty cổ phần Giống cây trồng Bắc Giang thoái toàn bộ vốn; Công ty cổ phần Nước sạch Bắc Giang thoái vốn nhà nước tối thiểu hơn 34% xong trong năm 2018. Năm 2019, Công ty cổ phần Giống chăn nuôi. Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị hoàn thành thoái vốn năm 2020.
Kế hoạch đặt ra là vậy nhưng đến thời điểm này, phần lớn DN trên đều chưa hoàn thành thoái vốn dù đã quá “mốc” quy định từ một đến gần hai năm. Ông Nguyễn Văn Thưởng, Trưởng phòng Tài chính DN (Sở Tài chính) cho biết, trong số 12 DN thuộc diện cần thoái vốn mới có 5 đơn vị hoàn thành phê duyệt giá trị DN là các công ty cổ phần: Sách giáo khoa và Thiết bị trường học; Xuất nhập khẩu Bắc Giang; Xây dựng Giao thông; Nước sạch; Giống cây trồng.
Đặc biệt, trong số này chỉ có Công ty cổ phần Sách giáo khoa và Thiết bị trường học đã được phê duyệt phương án chuyển nhượng vốn để làm căn cứ thoái vốn.
Được biết, hầu hết các DN còn lại đang rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý để xác định giá trị DN. Ví như, Công ty cổ phần Thương mại Hiệp Hòa; Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang quá hạn hơn một năm nhưng hiện vẫn chưa hoàn thiện chứng thư xác định giá trị DN gửi Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt, vì vậy không có cơ sở để thoái vốn theo lộ trình.
Hay Công ty cổ phần Thuốc lá và Thực phẩm cũng rơi vào tình trạng tương tự. Riêng Công ty cổ phần Hồng Thái có vốn điều lệ hơn 5,2 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước chiếm hơn 4,2%, theo kế hoạch phải thực hiện thoái vốn trong đợt 1 nhưng đơn vị không tổ chức thoái vốn mặc dù Sở Tài chính đã nhiều lần đôn đốc.
Khẩn trương gỡ vướng
Tình trạng DN chậm thoái vốn theo lộ trình có rất nhiều nguyên nhân. Năm ngoái, trong số 12 DN thực hiện thoái vốn đã có một số đơn vị hoàn thành hồ sơ pháp lý xác định giá trị DN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện thoái vốn.
Thế nhưng, theo Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ ban hành quy định về việc xác định giá khởi điểm khi đấu giá chuyển nhượng vốn nhà nước thì đến ngày 1-5, các DN chưa bán cổ phần cần xác định đầy đủ giá trị thực tế phần vốn nhà nước, trong đó có đất đai nên nhiều công ty chưa hoàn thiện thủ tục này đã phải xác định bổ sung tài sản đất đai vào phần giá trị DN. Đây là lý do khiến tiến độ thoái vốn đã chậm càng chậm hơn.
Tiếp đó, nhiều đơn vị gặp vướng mắc trong quá trình xác định tài sản đất đai để hoàn thiện hồ sơ xác định giá trị DN. Ví như, Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang có 17 điểm thuê đất tại các huyện, TP, trong đó có một số vị trí đã hết thời hạn thuê đất. DN chưa hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền cho thuê lại nên không đủ cơ sở pháp lý xác định giá trị DN.
Ông Đào Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty cổ phần Giống chăn nuôi cho biết, hiện đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất đối với khu trại chăn nuôi ở xã Cao Xá (Tân Yên) với diện tích khoảng 17 ha nên chưa hoàn thành khâu xác định giá trị DN. Tương tự, Công ty cổ phần Quản lý và Xây dựng Đường bộ sử dụng đất từ năm 2011 nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ thuê đất, nộp tiền sử dụng đất nên chưa được cấp sổ đỏ để xác định giá trị DN.
Đáng lo ngại, Công ty cổ phần Thuốc lá và Thực phẩm hiện còn nợ ngân hàng và các đối tác khoảng 23 tỷ đồng, kéo dài nhiều năm nên gặp khó trong thoái vốn. Ngoài ra, về phía ngành chức năng là Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chưa rốt ráo trong việc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị để hoàn thiện hồ sơ xác định giá trị DN.
Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, mới đây Sở Tài chính đã ban hành văn bản đôn đốc các DN đẩy nhanh tiến độ thoái vốn. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết, đối với những đơn vị còn nhiều vướng mắc, Sở yêu cầu DN tập trung tháo gỡ xong theo từng “mốc” thời gian cụ thể.
Đơn cử, Công ty cổ phần Thương mại Hiệp Hòa; Công ty cổ phần Dược phẩm Bắc Giang cần khẩn trương thống nhất với đơn vị tư vấn hoàn thiện chứng thư xác định giá trị DN gửi Sở trước ngày 25-8 tới để thẩm định trình UBND tỉnh. Công ty cổ phần Hồng Thái báo cáo làm rõ việc triển khai thoái vốn trong tháng 8...
Nhiều ý kiến đề nghị Sở TN&MT kiểm tra, đôn đốc các DN chưa có hồ sơ thuê đất, qua đó yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định về đất đai, nghĩa vụ tài chính để cấp giấy chứng nhận làm căn cứ thực hiện các bước thoái vốn. Các DN khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức đấu giá bán cổ phần, thoái vốn theo quy định.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)