Nhiều cách làm sáng tạo để giảm nghèo ở Hiệp Hòa
Cách làm hay từ các mô hình kinh tế
Tôi đã có chuyến đi thực tế đến những mô hình làm kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo trong huyện để cảm nhận rõ về những kết quả tốt đẹp trong công tác phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong công tác giảm nghèo nói riêng của Hiệp Hòa trong thời gian qua.
Anh Phạm Văn Quý bên vườn nhãn của gia đình. |
Vợ chồng anh Phạm Văn Quý, chị Nguyễn Thị Duyên (cùng SN 1977) ở xóm Bình An, thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh đã nỗ lực vươn lên, hướng đến thoát hộ cận nghèo với mô hình làm kinh tế từ đầm trũng. Hiện tại, anh chị có 50 mẫu đầm nuôi cá trong diện thuê 20 năm.
Vòng quanh khu bờ đầm là vườn nhãn sai trĩu quả. Bình quân, mỗi năm anh Quý thu về từ 200 - 300 triệu đồng tiền lãi. Anh Quý tâm sự: Năm 2004, toàn bộ khu trang trại này là khu đầm lầy cấy một vụ lúa không ăn chắc. Anh đã tham gia đấu thầu khi địa phương có chủ trương cho thuê lâu dài.
Trúng thầu với mức nộp 11kg thóc/sào/năm, anh Quý thấy mình vừa là may mắn nhưng cũng đồng nghĩa với mạo hiểm, bởi không ai dám đầu tư vào một nơi như vậy. Hai vợ chồng mới cưới, còn nhiều khó khăn, nhà cửa, đất đai vườn tược đã được bán đi để dồn vào đầm trũng. Hai vợ chồng phơi mặt ngoài đầm từ sáng đến khuya, be bờ, đào đắp, rào dậu.
Mất 5 năm khổ ải dầm mưa dãi nắng, lăn lộn với bùn đất, cải tạo ao nuôi cá, vén đất trồng cây trái, rau củ, vợ chồng anh thu về đồng tiền lãi đầu tiên. “Mừng rơi nước mắt”- anh Quý tâm sự. Khi cá được thu, hoa trái cho quả ngọt, dân làng vẫn không nghĩ vợ chồng anh có thể tạo dựng được cơ nghiệp từ một đầm trũng mênh mông.
Vừa thoát nghèo, cả hai vợ chồng anh không may bị bỏng xăng trong vụ tai nạn đầu năm 2019, bao tài sản lại dồn vào chữa bệnh, lại thành hộ cận nghèo. Ra viện trở về nhà với chi chít sẹo trên cơ thể, anh chị lại đổ mồ hôi, công sức nuôi cá, chăm nhãn. Hôm tôi về, nhãn sắp được thu hoạch lúc lỉu tràn khắp các lối đi. Hỏi chuyện năm nay ước sẽ thu về bao nhiêu tiền, anh Quý cười hiền lành, mong là không còn cận nghèo chị ạ. Tôi nghĩ chắc chắn là như thế.
Thời buổi này, vật lộn làm kinh tế nông nghiệp từ tay trắng, nuôi ba con ăn học đâu phải chuyện chơi. Chị cán bộ thôn phụ trách công tác vay vốn cho các hộ gia đình tận tình bàn bạc với anh Quý sao cho sử dụng vốn vay tốt nhất. Các đoàn thể chính quyền cùng cán bộ thôn, xã luôn động viên và tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ anh chị. Nhìn vào cung cách làm ăn của vợ chồng anh Quý, chắc chắn chỉ thời gian ngắn nữa, anh sẽ khấm khá.
Ở thôn Trung Tâm còn một gia đình đặc biệt nữa là vợ chồng chị Nguyễn Thị Nhàn, chồng là Phạm Văn Phúc. Hai vợ chồng từng để con nhỏ ở nhà cho bố mẹ già rồi đi lao động bên Nga. Nhưng thật không may, họ rơi vào bẫy của một công ty lừa đảo, mất sạch tiền bạc, giấy tờ, sống vạ vật chui lủi bên xứ người, người nhà phải gửi tiền sang cứu tế và nhờ vả để trở về.
Về quê, vốn liếng không có, nhà cửa chẳng còn, năm 2013, hai vợ chồng dắt nhau ra khu lò gạch giữa đồng của thôn dựng nhà tạm để ở, vay mượn tiền sinh sống. Chồng đi xe ôm, vợ làm thuê làm mướn, cái nghèo đeo vào cổ trĩu nặng. Năm 2017, hai vợ chồng bàn nhau, nếu không có cách vượt lên thì suốt đời nghèo, lại thêm cán bộ thôn, xã tư vấn, động viên, chị Nhàn vay mượn mua ngựa về nuôi. Chị mượn ruộng của bà con trồng cỏ làm thức ăn cho ngựa. Chồng đau ốm nên quanh quẩn ở nhà. Chị Nhàn một tay xốc vác.
Hiện tại, chị Nhàn có 40 con ngựa thịt. Theo giá thị trường, lúc mua ngựa giống tầm 160kg/con sẽ có giá 20 triệu đồng; khi bán tầm 300kg/con có giá khoảng 50 triệu đồng. Như vậy, nếu thuận buồm xuôi gió, sau 6 đến 9 tháng, trừ chi phí chăn nuôi, chăm sóc, chủ nuôi sẽ thu về một khoản tiền. Chị Nhàn cặm cụi đi cho ngựa ăn, thức ăn có cỏ và cám ăn thẳng. Lứa ngựa thịt này được bán đi, chị Nhàn có thể sẽ thoát nghèo, cuộc sống đỡ chật vật nhọc nhằn hơn.
Từ Hợp Thịnh, tôi qua Đức Thắng, Hoàng Vân, Thanh Vân, Ngọc Sơn, đến đâu cũng thấy chuyện nông dân nỗ lực làm kinh tế dựa trên thế mạnh cây, con ở địa phương mình. Như cây trám đen ở Hoàng Vân giờ thành đặc sản, làm giàu cho bao gia đình, cứu cánh cho không ít những hộ kinh tế còn eo hẹp.
Sử dụng vốn vay hiệu quả
Qua thực tế nhiều năm làm công tác ở địa phương, anh Nguyễn Văn Thăng - Bí thư Đảng ủy xã Hợp Thịnh cho hay, vấn đề căn cốt nhất của các hộ nghèo là phải sử dụng hợp lý và có hiệu quả đồng vốn vay của ngân hàng thì mới mong thoát nghèo được, nếu làm không đủ ăn thì vay mượn trở thành gánh nặng. Đúng là như vậy. Cả hai hộ anh Quý và chị Nhàn đều vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Hòa số tiền 100 triệu đồng để lấy vốn làm ăn.
Chị Nhàn chia sẻ: “Nếu không có ngân hàng cho vay thì khó khăn lắm, bọn em không xoay đâu được khoản tiền đó. Lãi suất cũng thấp nên không cảm thấy áp lực, làm ăn cũng yên tâm hơn”. Bà Ngô Thị Thắm - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hiệp Hòa đưa tôi đi thăm những gia đình đang được sử dụng nguồn tiền của ngân hàng. Bà nắm rõ từng gia cảnh, biết rõ những thuận lợi và khó khăn của mỗi mô hình.
Bà cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội mang tính đặc thù, không vì mục tiêu lợi nhuận, được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán, hỗ trợ vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận được vốn.
Tham gia hội đồng quản trị của ngân hàng gồm các chủ tịch UBND xã, thị trấn; các trưởng ngành, đoàn thể của huyện nên trách nhiệm của cán bộ địa phương đối với việc triển khai chính sách đến nhân dân được nâng cao, kịp thời.
Tôi có dịp chứng kiến một buổi giao dịch vào sáng thứ Bảy tại hội trường UBND thị trấn Thắng, người dân đông đúc, phấn khởi khi được giải ngân, vay vốn ngay tại nơi mình sinh sống. Với 25 điểm giao dịch/ 25 xã, thị trấn trong huyện đã giúp người nghèo và các gia đình chính sách nhanh chóng có được nguồn vốn theo sở nguyện của mình.
Trong mấy năm qua, Hiệp Hòa luôn duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 16,3%, vượt chỉ tiêu đã đề ra. Thu nhập bình quân đầu người tính đến năm 2020 ước đạt 58 triệu đồng/người/năm, cao hơn 22 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ 2015-2020. Trong kết quả chung của Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, có đóng góp lớn từ các hoạt động trong công tác giảm nghèo. Đáng mừng là đồng vốn vay ngân hàng được người dân sử dụng có hiệu quả.
Nguyễn Thị Mai Phương
Ý kiến bạn đọc (0)