Lục Nam: Nhiều giải pháp giảm nghèo hiệu quả
Điểm sáng Lục Sơn
Cùng chúng tôi đi thăm một số mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn, đồng chí Trần Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sơn (Lục Nam) chia sẻ: “Lục Sơn là xã thuộc diện khó khăn nhất huyện, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ xã 2015-2020, có nằm mơ chúng tôi cũng không nghĩ có lúc hầu hết các tuyến đường ở thôn, xã được bê tông hóa, rộng từ 3,5 đến 5 m như hiện nay.
Hạ tầng giao thông hoàn thiện, thương nhân vào tận vườn thu mua, nông sản tiêu thụ thuận lợi; các thiết chế văn hóa được đầu tư, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo đến nay giảm còn gần 17%, mỗi năm bình quân giảm khoảng 9%”. Được biết, để giảm nghèo nhanh và bền vững, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương xác định, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Từ tinh thần này, riêng năm 2019, người dân trong xã đã đóng góp bê tông hóa gần 50 km đường giao thông, kênh mương nội đồng.
Từ trồng bưởi Diễn, mỗi năm gia đình chị Nguyễn Thị Phước, thôn Chồi 1, xã Lục Sơn thu lãi khoảng 100 triệu đồng. |
Giao thông thuận lợi, nhiều người dân mạnh dạn đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao vào trồng, chăm sóc. Điển hình như gia đình anh Trần Văn Tưởng- chị Nguyễn Thị Phước ở thôn Chồi 1, xã Lục Sơn. Trước kia hai vợ chồng anh Tưởng chăm chỉ làm vườn để nuôi hai con ăn học nhưng do đường đi khó khăn, giá nông sản bấp bênh nên cái nghèo vẫn đeo bám.
Đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 3,87% (giảm gần 17,2% so với đầu năm 2015), bình quân mỗi năm giảm khoảng 3,44% (riêng vùng đặc biệt khó khăn giảm 9,35%). |
Cách đây khoảng chục năm, anh Tưởng tham khảo nhiều mô hình làm vườn ở tỉnh Hưng Yên và quyết định mua giống bưởi Diễn về trồng; đồng thời mạnh dạn vay 200 triệu đồng mở rộng vườn, cải tạo đất. Đến nay, mô hình trồng bưởi trên diện tích 1 ha đã cơ bản thành hình, mỗi năm thu lãi khoảng 100 triệu đồng. Vừa qua, anh lại đầu tư trồng thêm hơn 100 cây bưởi đỏ, cam Bố Hạ, dự kiến trong năm nay sẽ cho thu hoạch. Đây là cơ sở để thời gian tới, gia đình anh Tưởng thoát nghèo.
Cùng với Lục Sơn, nhiều xã khác trên địa bàn huyện cũng đã dồn lực thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.
Đa dạng hình thức hỗ trợ
Theo tổng hợp của UBND huyện Lục Nam, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 3,87% (giảm gần 17,2% so với đầu năm 2015), bình quân mỗi năm giảm khoảng 3,44% (riêng vùng đặc biệt khó khăn giảm 9,35%). Trao đổi với đồng chí Lương Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện được biết, có được kết quả trên là do những năm gần đây huyện xác định phát triển kinh tế vùng đặc biệt khó khăn là nhiệm vụ trọng tâm và tập trung nguồn lực hỗ trợ nâng cấp các công trình hạ tầng gắn với phát triển cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa. 5 năm qua, từ các nguồn vốn, huyện đã đầu tư, hỗ trợ hơn 500 tỷ đồng phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển KT-XH. Trong đó xây dựng 156 công trình hạ tầng như: Đường giao thông, kênh mương, trạm bơm… tại các vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời đầu tư gần 11,2 tỷ đồng thực hiện 54 dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo như: Nhãn chín muộn, gà thả vườn, bưởi Diễn… Ngoài ra, huyện hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các xã, thôn, bản đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: Máy bơm nước, máy cắt cỏ, làm đất…
Các phòng chuyên môn cũng phối hợp với một số trung tâm dạy nghề tổ chức đào tạo nghề may, cơ khí cho gần 2 nghìn lao động (trong đó khoảng 75% thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số) và giới thiệu việc làm cho gần 20 nghìn người làm việc tại các doanh nghiệp và đi xuất khẩu lao động. Đặc biệt, để phát triển kinh tế, địa phương tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo tiếp cận vốn vay ưu đãi. Toàn huyện đã có hơn 15,1 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền gần 560 tỷ đồng.
Thời gian tới, để bảo đảm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Lục Nam tiếp tục triển khai các chính sách tín dụng ưu đãi; chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bố trí ngân sách và các nguồn lực khác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng; các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường... nhằm tạo động lực để giảm nghèo bền vững.
Việt Anh
Ý kiến bạn đọc (0)