Bắc Giang hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất: Thay đổi nhận thức, tăng sinh kế giảm nghèo
“Cú hích” cho hộ nghèo
Nhiều năm thuộc diện hộ nghèo, đầu năm 2019, anh Lương Văn Toàn, thôn Đồng Thép, xã Tam Hiệp (Yên Thế) được hỗ trợ hơn 7 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 mua trâu sinh sản. Hiện trâu mẹ đã đẻ lứa đầu. Mới đây, có người đến mua trâu con với giá 16 triệu đồng nhưng anh Toàn không bán mà để nuôi sinh sản tiếp. Bên cạnh chăn nuôi, gia đình anh Toàn còn tích cực sản xuất và đã ra khỏi hộ nghèo.
Đường giao thông ở thôn Thanh Trà, xã Lệ Viễn (Sơn Động) mới được cứng hóa. |
Cũng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, năm nay gia đình chị Trần Thị Hòa, thôn Hóa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn) được hỗ trợ 100 con gà giống với số tiền hơn 3,7 triệu đồng. Sau gần ba tháng, đàn gà đạt trọng lượng bình quân hơn 2kg/con, khoảng một tháng nữa sẽ được bán. Với giá hiện nay từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, đàn gà sẽ mang lại cho gia đình chị hơn 20 triệu đồng. Không chỉ vậy, chị Hòa tính để lại một số con đầu đàn để nhân giống tiếp phục vụ chăn nuôi.
Niềm vui của chị Hòa cũng là niềm vui chung của 81 hộ ở các thôn: Bắc Hoa, Khuôn Tơ, Khuôn Kén, Thác Lười và Đồng Dau khi được nhận hơn 8,1 nghìn con gà giống từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 135 năm nay. Theo ông Chu Văn Then, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn, bên cạnh giúp các hộ từng bước thoát nghèo, cái được của chương trình là giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất. Nếu như trước đây, bà con chỉ chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ thì nay đã tiếp cận được phương thức sản xuất hàng hóa chăn nuôi tập trung. Vài năm trở lại đây, từ hiệu quả của chương trình hỗ trợ gà giống, nhiều hộ dân tộc thiểu số đã phát triển quy mô chăn nuôi từ vài trăm thậm chí cả nghìn con gà mang lại giá trị kinh tế cao.
Hỗ trợ thiết thực
Cách đây chưa lâu, anh Lăng Thành Vũ, Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Yên Thế kể cho chúng tôi nghe câu chuyện vui về một hộ nghèo được hỗ trợ lợn giống. Gia đình khó khăn nên sau khi nhận hỗ trợ, anh gọi mấy người hàng xóm sang thịt luôn coi như... “xóa đói”. Hiện, chuyện như vậy không còn. Qua đánh giá, cơ bản các nội dung trong chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn được giao cho các xã thụ hưởng làm chủ đầu tư. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân, các thôn, bản tổng hợp gửi lên xã lựa chọn những danh mục đầu tư thiết yếu, bình xét đối tượng thụ hưởng và gửi cơ quan chuyên môn.
Theo cách làm đó, chỉ tính năm nay, với tổng kinh phí đầu tư gần 3 tỷ đồng, huyện Yên Thế đã triển khai nhiều mô hình hỗ trợ và nhân rộng mô hình giảm nghèo như hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp tại các xã: Đồng Hưu, Đồng Tiến, Đồng Vương, Xuân Lương, Hồng Kỳ, Tam Tiến; hỗ trợ mô hình trồng dưa bao tử, sử dụng phân bón cao cấp Hà Lan và thuốc bảo vệ thực vật tại các xã: Tiến Thắng, Canh Nậu... Đến nay, nhìn chung các xã đã triển khai xong.
Được biết, năm 2020, tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo của tỉnh hơn 18,6 tỷ đồng. Hiện nguồn vốn trên đã được phân bổ tới các địa phương thụ hưởng. Theo ông Nhữ Văn Nam, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể chỉ đạo triển khai đồng bộ, kịp thời.
Qua 5 năm thực hiện, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không còn hộ đói. Hộ nghèo ở vùng khó khăn giảm từ hơn 35% năm 2015 còn hơn 20%, trong đó các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 51,6% năm 2015 xuống còn hơn 32%. Bình quân các xã giảm 6%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều, 36 thôn, bản đặc biệt khó khăn nhất giảm bình quân 4,16%/năm. Kết quả trên có đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn.
Ngọc Hân
Ý kiến bạn đọc (0)