Bắc Giang: Kỳ vọng gửi tới Đại hội
Đồng chí Trần Văn Chức, Phó trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Lục Nam:
Quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng miền núi
Đồng chí Trần Văn Chức. |
Nhiệm kỳ vừa qua, huyện Lục Nam đã tập trung đầu tư xây dựng 967 công trình, điển hình như: Cải tạo, nâng cấp, làm mới gần 1.700 km đường giao thông, tỷ lệ cứng hóa đạt 98,85%; cải tạo, nâng cấp 19 hồ đập, trạm bơm nhỏ; xây dựng 78 phòng học, 90 nhà văn hóa xã, thôn; tỷ lệ xã có trụ sở được kiên cố hóa đạt 100%... Nhờ quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Qua đó, thiết thực nâng cao đời sống người dân, góp phần thúc đẩy KT- XH của địa phương phát triển.
Phát huy những kết quả của nhiệm kỳ trước, để việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng tiếp tục đạt hiệu quả cao, tôi đề xuất Đại hội thảo luận, đề ra quyết sách tiếp tục huy động các nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông, thuỷ lợi, điện, cấp thoát nước khu vực miền núi. Quan tâm công tác quy hoạch. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình giao thông tạo ra không gian mới cho phát triển kinh tế và các công trình hạ tầng đô thị. Chú trọng đầu tư hạ tầng khung (cấp thoát nước, thông tin liên lạc). Tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục cải tạo, nâng cấp, làm mới các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện. Hoàn chỉnh đường nội thị và hệ thống cấp, thoát nước các đô thị, khu dân cư; khu, cụm công nghiệp. Nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi. Tiếp tục thực hiện xã hội hoá, thu hút đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng giáo dục, y tế, văn hoá.
Chị Lê Thị Huế, Công ty TNHH NEWwing Bắc Giang, KCN Vân Trung:
Bảo đảm đời sống, điều kiện làm việc cho công nhân
Chị Lê Thị Huế. |
Qua theo dõi, nắm bắt thông tin tôi được biết tỉnh Bắc Giang đã có rất nhiều giải pháp để thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh thường xuyên chú trọng nắm bắt tình hình, tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và việc làm, đời sống của người lao động.
Sau nhiều năm gắn bó, làm việc tại các DN trong khu công nghiệp, ở góc độ cá nhân, tôi nhận thấy còn một số vấn đề bất cập, mong Đại hội nghiên cứu, xem xét, triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung giải quyết. Nổi bật như tình trạng ùn tắc giao thông, nhất là thời điểm đầu giờ làm việc buổi sáng hoặc giờ tan tầm xảy ra thường xuyên khiến nhiều công nhân muộn giờ làm, bị trừ lương, trừ điểm thi đua, ảnh hưởng đến hiệu suất, hiệu quả, tiến độ sản xuất của DN. Mặc dù tại một số điểm, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng cầu vượt nhưng do lượng lao động quá lớn nên chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Giao thông khá lộn xộn cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn mà nạn nhân chủ yếu là công nhân. Ngoài ra, tỉnh quan tâm hơn nữa đến việc làm và đời sống của công nhân, trong đó có nhà ở, điều kiện lao động, chế độ đãi ngộ. Chỉ đạo tăng cường thành lập và nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong DN, từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Có biện pháp nhằm góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong các khu, cụm công nghiệp.
Đồng chí Diêm Đăng Hoạt, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hóa (Tân Yên):
Xây dựng nông thôn mới nâng cao
Đồng chí Diêm Đăng Hoạt. |
Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020, diện mạo các vùng nông thôn trong tỉnh đổi thay nhanh chóng. Đời sống của người dân nâng lên rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cũng có không ít khó khăn đó là: Nhiều xã chưa quan tâm đến chương trình, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; việc huy động, sử dụng nguồn lực tại chỗ hiệu quả chưa cao; một số tiêu chí đạt được mới ở mức sàn theo quy định; thu nhập của một số hộ dân còn thấp dẫn đến khó khăn cho việc huy động nguồn kinh phí đóng góp.
Tôi đề xuất cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức để mọi người dân biết, hiểu và có trách nhiệm trong xây dựng NTM và tiêu chí NTM nâng cao. Trong nông nghiệp có quyết sách đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và an toàn sinh học. Xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung quy mô lớn gắn với cấp mã vùng trồng, mã vạch đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, quảng bá để thu hút các nguồn lực đầu tư vào khu, cụm công nghiệp. Huy động các nguồn lực xã hội hóa để phát triển dịch vụ du lịch gắn với các di tích lịch sử - văn hóa. Tăng cường bảo vệ môi trường, trong đó tập trung phát triển các mô hình thôn, làng xanh- sạch- đẹp. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; giữ gìn an ninh trật tự ở nông thôn.
Hạnh Nguyên - Quốc Trường
Ý kiến bạn đọc (0)