Ngọc Yến - Từ ác mộng dây chằng đến kỳ tích World Cup cầu mây
Từng bị đứt dây chằng chéo đầu gối, chủ công 21 tuổi Trần Thị Ngọc Yến trở lại và giúp Việt Nam lần đầu đoạt Huy chương Vàng ở World Cup.
Trong một pha nhảy lên chắn cầu tại giải vô địch quốc gia ở tỉnh Nghệ An cuối tháng 10/2023, Ngọc Yến nằm gục xuống sân sau khi tiếp đất. Cô ôm lấy đầu gối trái trong đau đớn. Xung quanh, các đồng đội và đối thủ đều tỏ vẻ lo lắng. Bởi "cô gái vàng" của cầu mây Việt Nam có dấu hiệu chấn thương nặng ở tuổi 19, khi vừa bắt đầu vào đỉnh cao sự nghiệp.
![]() |
Cú móc cầu của Trần Thị Ngọc Yến (số 4) trong trận bán kết World Cup nội dung 4 nữ gặp Malaysia, ngày 21/3. |
Kết quả chụp chiếu cho thấy Ngọc Yến bị đứt hoàn toàn dây chằng chéo đầu gối trái, nhưng may mắn không ảnh hưởng tới sụn chêm. Cô phải phẫu thuật đầu gối, tái tạo dây chằng, rồi trải qua nhiều tháng trị liệu.
Chấn thương dây chằng chéo đầu gối luôn là nỗi ám ảnh với bất cứ vận động viên nào, thậm chí có thể hủy hoại sự nghiệp của họ. Theo nghiên cứu của Trung tâm Chỉnh hình & Cột sống Panorama ở Mỹ, tỷ lệ chấn thương này ở nữ cao hơn gấp 8 lần so với nam. Sau phẫu thuật, có 85% bệnh nhân trở lại với mức hoạt động như trước. Điều đó đồng nghĩa 15% khả năng vận động viên không giữ được phong độ như xưa.
Trong cầu mây, vai trò của các cầu thủ có thể chia làm hai khía cạnh, gồm tấn công và phòng ngự. Cầu thủ tấn công thường có nhiệm vụ giao cầu, nhảy móc cầu trên lưới và nhảy chắn. Cầu thủ phòng ngự sẽ chủ yếu đỡ bước một, hoặc chuyền hai.
Các chủ công trong cầu mây đối mặt với những nguy cơ chấn thương dây chằng đầu gối cao hơn. Mỗi trận đấu, họ phải bật nhảy móc cầu tới hàng chục lần. Chỉ cần một lần cầu thủ tiếp đất không đúng kỹ thuật, chấn thương có thể ập đến. Cầu thủ phòng ngự cũng có thể đứt dây chằng trong một nỗ lực cứu bóng, nhưng không thường gặp như chủ công.
Làng cầu mây nữ Việt Nam từng chứng kiến ít nhất 4 ca chấn thương dây chằng đầu gối nghiêm trọng, đều xảy ra với các chủ công, từ Hoàng Thị Thái Xuân, Nguyễn Thị Bích Thùy, Nguyễn Thị Phương Trinh và giờ là Ngọc Yến. Những cầu thủ này đại diện cho bốn thế hệ, từ 7x, 8x, 9x đến 10x.
Thái Xuân sinh năm 1979, là cầu thủ lứa đầu của làng cầu mây Việt Nam, đoạt Huy chương Bạc Asiad năm 1998 và Huy chương Vàng thế giới năm 2000. Cô bị đứt dây chằng chéo sau đầu gối trái, vỡ sụn chêm, chỉ ba tháng trước SEA Games 2003. Do muốn thi đấu ở SEA Games đầu tiên trên sân nhà, cô quyết định không phẫu thuật. Kể từ đó, Thái Xuân không thể tìm lại được phong độ đỉnh cao, trước khi treo giày ở tuổi 26.
Bích Thùy sinh năm 1985, nổi lên như một chủ công thay thế Thái Xuân, giúp Việt Nam đoạt hai Huy chương Vàng Asiad 2006. Trước thềm SEA Games năm 2013, Bích Thùy bất ngờ bị đứt dây chằng chéo đầu gối phải. Cô được phẫu thuật sau đó hơn 7 tuần và trở lại thi đấu sau 10 tháng. Nhưng sau Asiad 2014, Bích Thùy giải nghệ ở tuổi 29.
![]() |
Ngọc Yến (trái) cùng HLV Trần Thị Vui bên cạnh danh hiệu vô địch World Cup cầu mây nội dung 4 nữ. |
Ngọc Yến sinh năm 2004, được coi là cầu thủ nổi bật ở đội tuyển cầu mây hiện tại, từng vào Top 9 gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023, do Ban Bí thư Trung ương Đoàn bình chọn. Trước khi dính chấn thương ở Nghệ An, Ngọc Yến đã sở hữu bộ sưu tập Huy chương Vàng ở SEA Games, Asiad, vô địch châu Á và thế giới (World Championship). Trong những giải này, cầu thủ cao 1,76 m thường ghi nhiều điểm nhất cho đội ở trận chung kết. Huy chương Vàng đỉnh cao còn thiếu với cô khi đó là World Cup, nơi cô chỉ đoạt Huy chương Bạc năm 2022.
Vì thế, chấn thương của Ngọc Yến cuối năm 2023 khiến làng cầu mây đối mặt nguy cơ mất đi một chủ công tài năng. Cô được phẫu thuật sau đó vài tuần, và tập hồi phục tại một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế. Quá trình hồi phục ở những chấn thương tương tự quan trọng không kém gì ca mổ. Vận động viên hồi phục tốt sẽ dễ dàng trở lại với cường độ tập luyện cao và hạn chế khả năng tái phát chấn thương.
"Khó khăn lớn nhất với Ngọc Yến là cô chỉ có thể đến trung tâm ba buổi mỗi tuần", đại diện trung tâm nói với VnExpress. "Tiêu chuẩn tập luyện của một vận động viên chuyên nghiệp là hai buổi mỗi ngày. Vì thế, trung tâm hỗ trợ Ngọc Yến tự tập tại nhà, có chuyên gia theo dõi từ xa. Điều kiện tập không hoàn hảo, nhưng cô vẫn kiên trì, nỗ lực và hoàn thành đủ bài tập được giao".
Tốc độ phục hồi của Ngọc Yến tốt hơn thường lệ. Sau 7 tháng, cô đã bắt đầu tập trở lại, và sau 9 tháng đã có thể thi đấu. Giải đầu tiên nữ cầu thủ người Đồng Tháp trở lại là King Cup tại Thái Lan, đầu tháng 9/2024. Đến tháng 3/2025, cầu thủ 21 tuổi đã hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu, khi giúp Việt Nam lần đầu đoạt Huy chương Vàng ở World Cup cầu mây.
Huấn luyện viên đội cầu mây nữ Việt Nam, bà Trần Thị Vui cho biết Ngọc Yến được giữ sức ở những trận đấu Việt Nam hoàn toàn trên cơ đối thủ. Cô cũng không được xếp giao cầu ở các trận vòng ngoài. Chỉ đến chung kết gặp Thái Lan, Ngọc Yến mới được bung hết sức. Cô ghi nhiều điểm nhất trận đấu, trong đó có cú giao cầu trúng mép lưới để ấn định thắng lợi 15-13 cho đội tuyển trong hiệp cuối.
Ở tuổi 21, Ngọc Yến đã gặt hái đủ danh hiệu lớn có thể ở cầu mây, gồm SEA Games, Asiad, châu Á, World Championship và World Cup. Cô cùng Nguyễn Thị Yến và Nguyễn Thị Ngọc Huyền là những VĐV hiếm hoi trong lịch sử thể thao Việt Nam sở hữu chức vô địch ở những giải kể trên.
Tại chung kết thế giới 2024 cũng ở nội dung 4 nữ, Ngọc Yến trở lại nhưng chỉ ngồi dự bị, chứng kiến Việt Nam mất ngôi vô địch vào tay chủ nhà Thái Lan. Khi đó, truyền thông nước này đã thừa nhận đội đăng quang nhờ Ngọc Yến không thi đấu.
Thái Lan đã không nhầm, bởi sự trở lại của Ngọc Yến ở World Cup vừa qua đã khiến cường quốc cầu mây đánh mất chức vô địch. Người Thái sẽ lại phải dè chừng cầu thủ 21 tuổi ở những sự kiện sắp tới như giải thế giới và SEA Games.
Ý kiến bạn đọc (0)